Mỗi con người chúng ta ai cũng trên một lần đã nghe nói đến luật nhân quả. Nếu con người hiểu rõ luật nhân quả thì mỗi người có thể dừng nghiệp ác nghiệp xấu và chuyển nghiệp tức là con người có thể chấm dứt dòng nghiệp lực, chuyển đổi số mệnh cũng như chuyển hóa cuộc đời khổ đau của mình và gieo các nghiệp lành thì tất nhiên sẽ gặt các quả báo lành.
Luật nhân quả tác động thông suốt cả ba đời
Luật nhân quả tác động thông suốt cả ba đời. Con người, ngoài đời sống hiện tại đã từng sống những đời sống quá khứ nhiều vô lượng và sẽ sống những đời sống vị lai nhiều vô lượng. Một đời sống hiện tại mà đem so với vô số đời sống quá khứ và vô số đời sống vị lai thì thật là bé nhỏ, ngắn ngủi không đáng kể. Định luật nhân quả quán xuyến cả ba đời. Việc thụ báo lần lượt sẽ diễn biến theo thứ tự. Nghiệp lực nhỏ lớn, nhẹ nặng khác nhau quyết định thứ tự và mức độ thụ báo khác nhau. Đời này nếu làm thiện làm ác vị tất phải chịu báo trong đời này. Đời này, chịu khổ được vui vị tất đã do nghiệp nhân tạo ra trong đời này. Hơn phân nửa chuyện xảy ra trong đời này là quả báo của nghiệp nhân tọ ra ở đời sống trước. Phần lớn việc làm trong đời này sẽ phải chờ tới đời sau mới có quả báo. Nếu nhìn suốt cả ba đời thì sẽ không còn thắc mắc gì nữa đối với luật nhân quả.
Theo luật nhân quả thì ai làm nấy chịu
Theo luật nhân quả ai làm nấy hưởng, ai làm nấy chịu. Đó chính là sự công bằng tuyệt đối gọi là biệt nghiệp tức là nghiệp riêng của từng người. Thường thường, chúng ta thấy gieo nhân nào thì gặt quả nấy, một cách nhãn tiền. Những người hiện đời đang gieo nhân ác, tạo tội tạo nghiệp thì hậu quả xấu chưa kịp trổ, nhưng hiện tại đang thụ hưởng phước báo lành do nghiệp nhân tốt đã gieo trong quá khứ. Khi hưởng hết phước báo rồi con người bắt đầu đền trả nghiệp báo tai nạn triền miên, tán gia bại sản hay chết thê thảm. Các vị quốc vương, hay tổng thống bị đảo chánh và ám sát hay các tay tài phiệt bị phá sản phải tự tử cho thấy rằng luật nhân quả không chừa bất cứ ai, không có ngoại lệ và không hề sai chạy.
Luật nhân quả thúc đẩy con người luôn luôn sống trong đạo đức
con người thường bị tam nghiệp thân khẩu ý sai khiến, lôi cuốn cho nên gây ra không biết bao nhiêu là sự đau khổ trên thế gian này cho chính mình và cho những người chung quanh. Nếu con người hiểu rõ tin sâu luật nhân quả, cộng thêm ý chí giác ngộ mạnh mẽ thì chắc chắn con người có thể dừng nghiệp và chuyển nghiệp, luật nhân quả thúc đẩy con người luôn luôn sống trong đạo đức, nâng cao giá trị, nhân phẩm của con người tránh mọi điều ác, làm mọi điều lành và giữ tâm ý trong sạch, nếu được hiểu sâu rộng, tường tận và đem thực hành áp dụng vào đời sống hằng ngày chắc chắn sẽ đem lại bao nhiêu điều tốt đẹp cho bản thân cho gia đình và xã hội.
Thuyết định mệnh có giống với quy luật nhân quả không?
Thuyết định mệnh chủ trương con người có một linh hồn cố định và một số mệnh, hay số mệng đã được định sẵn do một đấng tối cao gọi là thượng đế hay tạo hóa hay bất cứ tên gọi gì khác và con người phải chịu chấp nhận cái định mệng đó không phương né tránh, không có cách gì thay đổi tất cả mọi cố gắng hay nỗ lực của con người đều vô ích, vô dụng. Nếu thuyết định mệnh là đúng sự thực thì con người trở thành tiêu cực, thụ động, yếu hèn, vô trách nhiệm, dù là việc làm nào, thiện cũng như bất thiện cũng cho là do ý muốn của thượng đế và lắm khi trở nên hung dữ, bạo tàn để chống lại định mệnh đen tối, bất công, do tạo hóa áp đặt do đó con người tạo tội tạo nghiệp và làm cho bản thân và xã hội thêm đau khổ.
Mỗi người tùy theo nghiệp của mình tạo ra, mà có được thân phận hạnh phúc hay bất hạnh. Luật nhân quả là nền đạo đức, công bằng hơn mọi nền đạo đức nào khác và luật nhân quả cũng chính là lương tri của nhân loại.