Một số người căn cao quả trọng, phải ra Bắc ghế Hầu Thánh, tức là làm lễ trình đồng mở phủ, nhưng thực ra họ cũng chưa thể biết, mở phủ nghĩa là thế nào, xin chia sẻ một chút, gọi là biết đến đâu tâu đến đấy…
Lễ mở phủ còn được gọi là lễ ra trình đồng sau khi làm lễ thì người có đồng mới chính thức là 1 con đồng tứ phủ. Tức là được làm con ông THÁNH.
Trong 3 năm tính từ ngày mở phủ người đó được gọi gọi là tân đồng. Sau ba năm tân đồng làm lễ tạ đàn bốn phủ và được coi là đồng thuộc – tức là thanh đồng.
Những người có căn số làm thầy sẽ được phong quan (thanh đồng đạo quan) và họ có thể đi mở phủ cho người khác.
Những ai có khả năng xem bói, bói bằng linh cảm thì thường Khi mở phủ có đàn chúa bói và cách thức mở phủ có hơi khác bình thường 1 chút. Tức là người ta sẽ mở ba tòa Chúa bói nữa, người ta gọi những con đồng này là đồng bói….
Tân đồng khi làm lễ mở phủ phải chuẩn bị rất nhiều thứ trong đó rất quan trọng là phải có 1 khăn phủ diện 1 áo công đồng khăn tấu hương, và 4 cái khăn 4 màu xanh đỏ trắng vàng, tượng trưng làm cầu 4 phủ để thầy đồng trưởng có thể kéo cầu cho đệ tử qua cầu thoát nạn….
Khăn áo để hầu cũng rất nhiều tùy vào điều kiện họ phải sắm mỗi giá 1 bộ khăn áo Đây là nguyên tắc chung.
Còn nhiều khi các đồng nghèo lính khó người ta chỉ cần 5 bộ áo dài 5 màu gồm đỏ xanh trắng vàng và xanh lam hay mượn khăn áo của người khác, hoặc của đồng thầy vẫn hầu được.
Ngày xưa, các cụ chỉ có mỗi cái áo đỏ công đồng thôi, và mấy cái NÉT QUAN, nhưng vẫn hầu các bóng các giá rất tơi tả.
Ngày nay, khăn áo nhiều, cũng rẻ và dễ tìm, nên khăn áo hầu Thánh cũng được chỉnh chu hơn. Nhưng đặc biệt là khăn áo công đồng (do tiên thánh sang khăn sẻ áo cho) không được mượn và cũng không được cho ai mượn khăn áo đó.
Đại lễ Trình đồng mở Phủ
Trong tín ngưỡng thờ Mẫu thì (lên đồng) bắc ghế hầu thánh là nghi lễ phổ biến và quan trọng.
Lễ mở phủ là buổi lễ ra đồng của 1 người có căn đồng số lính. Để tiến hành lễ mở phủ đệ tử phải nhờ 1 đồng thầy (người sẽ mở phủ và dạy phép nhà thánh cho tân đồng). và pháp sư cung văn , tứ trụ hầu dâng tay quỳnh tay quế (những người thay khăn thay áo lên hương cho thanh đồng, để giúp đỡ người đó, hầu Thánh, và hoàn thành khoá lễ)
Lễ mở phủ về cơ bản cũng giống như 1 lễ hầu đồng bình thường. Trong lễ mở phủ có các nghi lễ sau:
- Lễ phát tấu thỉnh ngũ phương Sứ giả (lễ mặn);
- Thỉnh phật tụng kinh dược sư;
- Khoa thỉnh Thánh Mẫu;
- Khoa trình đồng tứ phủ có lễ tam sinh thường là lợn, gà, ngan hoặc lợn gà cá (cá rán hoặc cá nướng);
- Khoa cúng Trần Triều;
- Khoa Sơn trang;
- Khao thiên quan;
- Khao hạ ban (ngũ dinh);
- Cúng chúng sinh;
- Sau đó đồng thầy mới vào hầu thánh và làm lễ mở phủ cho đồng mới.
Trong tín ngưỡng Tứ phủ có nhiều khoa cúng khác nhau như khoa cúng Phật, khoa cúng Mẫu, khoa cúng Tứ phủ trình đồng (dành cho người bắt đầu xin gia nhập tín ngưỡng Tứ phủ để đi hầu bóng). Nhưng trong khoa lễ, còn rất nhiều việc phải kê đệm cho đệ tử nữa, ví dụ như:
- Khoa Tam phủ đối khám, cúng cầu siêu cho vong linh gia tiên tiền tổ.
- Khoa Minh vương thục án (cúng để xin cắt tình duyên cho người người trần khỏi cõi người âm), để cúng cho những người có duyên âm, hoặc vong theo phá.
- Khoa Tam phủ thục mệnh di cúng hoán số (cúng Nam tào Bắc đẩu để xin đổi số, phê cho số trường sinh), dùng cho những người sinh ra nhưng không hợp căn số với vợ, hoặc anh em, bố mẹ trong nhà.
- Cúng Thục án Minh Vương, dùng cho những người chưa vợ hoặc chưa chồng, có tiền duyên, thì phải cúng.
- Cúng trăm phù cửu đỉnh, là những đàn cúng cho người mười phần chết tám, chết chín,
bị bắt mất một hay nhiều vía…. Để chuộc lại vía đã mất cho đệ tử. - Khoa trả nợ tào quan, để trả nợ cho những người từ kiếp trước mắc nợ…
- Đôi lúc gặp trường hợp có BÙA ÂM BINH thầy cúng sẽ cúng giải bùa cho gia chủ.
- Cũng có những trường hợp vướng Cô thần quả tú, ông thầy cũng sẽ làm luôn.
- Hoặc phu thê vướng vào TUYỆT MỆNH, thì cũng phải cúng luôn.
- …vân…vân…
Cho nên trong đại lễ trình đồng, ông thầy CÚNG rất quan trọng.
Người ta thường cúng khoa cúng Phật (nếu đền thờ vọng Phật), khoa cúng Mẫu, hoặc cúng chung cả hai khoa cúng trên gộp thành khoa cúng Phật-Mẫu. Nội dung khoa cúng có thể chia làm ba phần:
- Phần đầu để khai quang đàn tràng, dâng hương.
- Phần giữa với mục đích để thỉnh chư Phật, chư Thánh theo thứ tự từ cao xuống thấp.
- Phần cuối mời chư Phật, chư Thánh an tọa, thụ hưởng và cuối cùng các vị thần trở lại nơi mình ngự trị.
Trong lễ trình đồng, đồng mới có thể mời pháp sư làm lễ trung cúng và tiểu cúng hoặc có thể làm lễ đạị cúng.
Trong lễ cúng có múa Sái tịnh với ý nghĩa làm sạch sẽ đàn tràng là một hiện tượng văn hóa khá độc đáo trong khoa cúng Phật-Mẫu. Pháp chủ mặc áo cà sa năm điều, đội mũ thất Phật (nếu có Pháp giới), đội mũ liên hoa (nếu là thầy già lam).
Một tuần Sái tịnh gồm múa khai hoa, kết ấn, múa vòng thuận nghịch, thư chữ trong chén ngọc trản, cầm cành dương liễu vảy sái chữ tâm,…
Trong khoa cúng, ngoài am hiểu khoa giáo, các thầy cúng cũng phải sử dụng các nhạc cụ thích hợp chư chuông trống bạt thanh la. Mỗi thầy cúng đảm nhiệm ít nhất một nhạc cụ. Vị trí ngồi trong dây của họ bị chi phối bởi sự sắp xếp theo quy định của các nhạc cụ.
Thông thường, pháp chủ sẽ đảm nhiệm một mõ, một chuông. Người đầu dây tả đảm nhiệm trống canh, người thứ hai chơi trống cái, người thứ ba gõ thanh la. Người đầu dây hữu chơi tiêu cảnh, người thứ hai xóc đôi nạo và người thứ ba gõ bạt,… tùy theo từng trường hợp.
Lễ phát tấu
Thỉnh năm vị sứ giả đồ lễ gồm
- 1000 vàng ngũ phương (5 màu)
- 5 ngựa bé + 5 xiêm y + mũ + hài;
- Lễ mặn;
Mâm phát tấu gồm:
- 5 trứng năm mầu;
- 5 vở + bút (ngày xưa dùng bút lông có thêm thỏi mực tàu còn bây giờ dùng bút bi cho tiện);
- 5 gương + 5 lược;
- 5 khăn bông + 5 khăn mùi xoa;
- 5 quạt 5 màu;
- 5 dao + 5 kéo + thuốc lào;
- 5 nước hoa + 5 bật lửa
THỈNH PHẬT: tụng kinh dược sư.
THỈNH THÁNH MẪU: sau khi thỉnh Thánh Mẫu, mỗi ông thầy có phép biến hóa riêng của mình:
- Có thầy thỉnh luôn khoa TAM, TỨ phủ, lý do là… Cùng trong chiếu giữa;
- Cũng có thầy thỉnh khoa TRẦN TRIỀU, sau đó mới quay về thỉnh Tam Tứ phủ;
Vấn đề này vẫn còn nhiều tranh cãi, nhiều luồng ý kiến khác nhau (không bàn trong bài này).
Thỉnh SƠN TRANG + Thỉnh NGŨ HỔ + Khao CHÚNG SINH,…
Trong lễ mở phủ quan thầy hầu 6 giá quan trọng nhất để mở phủ là 5 giá quan và giá chầu đệ nhị. Ngoài ra còn hay thấy hầu giá đức ông Trần Triều và chúa Nguyệt Hồ.
Trong ngũ vị tôn quan thường là 4 vị quan từ quan đệ nhất tới quan đệ tứ mỗi quan mở 1 phủ tương ứng và quan tuần tán đàn. Có nơi quan đệ nhất chỉ chứng đàn quan đệ nhị mở 2 phủ quan tam mở 2 phủ lại cũng có nơi quan đệ tam và quan đệ tứ mỗi vị mở 2 phủ. Cũng có nơi, cả 5 quan cùng lên đàn mở phủ. Sau đó 4 quan ngồi 4 góc, quan tuần múa đao, tán đàn,…
Như vậy là tùy theo từng địa phương, có những lề lối hầu khác nhau. Thường mỗi phủ có 1 mâm lễ và 1 chén nước tượng trưng cho mỗi phủ khi mở phủ các quan về chứng lễ và dùng gáo để đập chén và tưới nước tắm cho đồng mới (tượng trưng thôi, bây giờ dùng nước hoa phun lên đồng mới rồi).
Mâm bốn phủ có các lễ vật giống mâm phát tấu với số lượng đồ lễ là trai 7 gái 9. Ngoài ra còn có cầu giấy 4 mầu và khăn 4 phủ (4 mầu đã nói ở phần trên).
Gạo muối cau tiền
Mâm sơn trang đồ lễ gồm 13 (hoặc 15 phần), gồm 1 đĩa nếp cẩm. 1 quả dừa tôm cá mực cua cành măng tươi,… dâng cô bé thượng gồm chanh ớt gừng dứa.
Mâm sơn trang dùng để chứng đàn gồm 13 quả trứng xanh và đồ lễ gần giống mâm phát tấu.
Trên ban công đồng thường được bày như sau:
- Mũ ngọc hoàng, mũ quan nam tòa bắc đẩu mũ bình thiên;
- Mũ các quan 5 bài vị 5 màu bốn phủ (đỏ xanh vàng trắng tím) 1 bài vị bản mệnh mầu hồng. Bày bốn mâm bốn phủ cùng với 4000 vàng bốn phủ tương ứng và 4 chén nước 4 phủ được bịt kín bằng giấy trắng kim hoặc giấy 4 màu tương ứng với bốn phủ.
- 4 gáo nước (hoặc 2 gáo nếu chỉ có 2 quan về mở phủ).
- Long chu phượng mã.
- Đại mã dâng các quan.
- 1 ngựa đỏ thiên phủ + hình nhân.
- 1 ngựa xanh nhạc phủ + hình nhân.
- 1 thuyền rồng trắng, tam đầu cửu vĩ dâng quan tam + hình nhân.
- 1 voi vàng địa phủ + hình nhân.
- 1 ngựa tím dâng quan tuần. Trên ngựa có tráp áo.
- 5000 vàng năm mầu dâng các quan.
- Rắn nghê và 5 hình nhân (4 hình nhân bốn phủ 1 hình nhân hồng bản mệnh) dâng sơn trang.
Trong lễ trình đồng, dâng 1 tòa chúa, 1 động Sơn trang 1 bộ hải sảo, 12 tiên nàng màu xanh, để giá chầu đệ nhị về chứng đàn và sang khăn… là đủ.
Nếu Tân đồng giàu có, có thể dâng thêm: 4 tòa sơn trang 4 màu (xanh,đỏ,trắng,vàng), mỗi toà gồm 1 hình chúa bà ngồi trên bệ, 2 hình chầu cầm quạt chầu vào, 12 hình cô, 1 thuyền nhỏ, 1 bè nhỏ, 1 thoi nhỏ, 1 núi giùm, 1000 vàng đại, 1000 vàng cô 12, 1 bộ hải sảo.
Thường chỉ dâng tòa sơn trang màu xanh.
Dâng 3 tòa chúa bói cũng giống tòa sơn trang nhưng thường nhỏ hơn 1 tý.
Dâng ông hoàng
- 3 ngựa 3 màu trắng tím vàng nhỏ hơn ngụa dâng các quan lớn 1 chút.
- Tráp áo và 3000 vàng 3 màu trăng tím vàng
Dâng cô 5000 vàng cô 5 màu dâng 5 cô cô đôi cô bơ cô sáu cô chín cô bé.
Dâng cậu 2 ngựa nhỏ hơn ngụa dâng ông hoàng màu trắng và xanh cùng vàng hoa dâng cậu bơ và cậu bé.
Có nơi dâng cả mã trần triều gồm ngựa tráp áo đỏ + vàng thiếc.
Tùy theo từng nơi mà người ta sẽ dâng thêm rất nhiều thứ nữa,…
Đây mới nói sơ qua thôi, chi tiết…. xem bài, TRẢ MÃ TAM TỨ
Và đây mới là nói chuyện về tu lễ và mã và cúng bái. Còn hầu khai đàn và mở phủ chi tiết của đồng thầy như thế nào… thì xin chia sẻ ở một bài khác.
Tác giả: Trần Khánh