Khi một người có mệnh đồng hoặc căn quả đã xuất thủ trình đồng khai căn thì gọi là thanh đồng. Trong một số trường hợp đặc biệt thì thanh đồng là đồng hầu có thể được tôn lập bát hương tứ phủ công đồng tại gia, nhưng đó không gọi là lập điện và trong trường hợp này bát hương bản mệnh của thanh đồng không được mang về nhà thờ cúng tại gia. Phần lớn thanh đồng đều có kinh tế khá giả, giàu có, sung túc, vừa có thể hầu việc thánh vừa làm được việc đường trần.
Những việc cần làm khi thanh đồng hóa thân
Khi mà các thanh đồng đang hoá thân thì bốn phụ đồng phải ngồi quỳ chân ở dưới và nghiêng ngả múa may để hưởng ứng thanh đồng theo nhịp câu hát. Nhạc hát thông thường là điệu chầu văn hoặc là hát nói có nội dung ca ngợi sự linh thiêng của thần thánh và vẻ đẹp tiên giới.
Những nắm tiền lẻ sau khi được thanh đồng tung ra, ban phát cho những người xung quanh được coi là tiền lộc và được những người đứng xem sẽ nhặt lấy để có thể lấy may.
Những điều mà thanh đồng cần phải kiêng kỵ
Người ra trình đồng hoặc hầu đồng mà tiền bạc không đủ, phải nhờ vay mượn của đồng thầy mới được khóa lễ, khóa hầu viên mãn; nhưng sau đó thất hứa không trả lại hoặc không trả đủ là bị lỗi đồng phạm luật. Lời nói phải sạch sẽ; phát ngôn phải cẩn trọng không nên văng tục chửi bậy. Không ăn thịt chó vì chó là một loại linh vật dùng trấn yếm. Không ăn thịt rắn; không ăn lươn; trạch; Không ăn ruột già lợn; không ăn mề gà;… vì chúng chứa đồ uế tạp; bẩn thỉu.
Thanh đồng chỉ là đồng soi căn
Vậy không được phép khất đồng, làm thủ tục trình đồng sang khăn áo cho người mệnh đồng, không được cúng kính lễ bái như thầy pháp.
Thanh đồng là đồng nối quả
Vậy được phép khất đồng, làm thủ tục trình đồng sang khăn áo cho người mệnh đồng ở ghế của đầu đồng bản mệnh thấp hơn.
Vì sao thanh đồng có khả năng đặc biệt?
Khi có căn có số, hay nói cách khác là bị cơ đày, người ta sẽ có những biểu hiện như tâm thần bấn loạn, nóng cháy trong người, nói năng lảm nhảm hay bị ốm như giả vờ. Đặc biệt, có trường hợp khi bị cơ đày thì tóc bị kết thành búi không làm sao gỡ ra được. Kỳ lạ, những người này sau khi ra trình đồng đã khỏi bệnh và trong số họ, không ít người bỗng dưng có những khả năng đặc biệt.
Sau hầu tạ bách nhật thì thanh đồng phải tôn nhang bản mệnh
Người mới ra trình đồng khăn áo bản mệnh được đồng thầy làm pháp khai linh thì phải được giữ gìn sạch sẽ không nên để bừa bãi, để nơi uế tạp, tốt nhất là để tại bản điện của đồng thầy cho đến khi hầu tạ bách nhật xong là lúc bản mệnh được yên thì mang về cất cho gọn gàng sạch sẽ, khăn áo này không bao giờ dùng đến nữa. Sau hầu tạ bách nhật thì thanh đồng phải tôn nhang bản mệnh, gửi bát hương tại bản điện đồng thầy không được mang về nhà thờ cúng.
Đã theo đồng thầy thì ngày rằm hoặc mồng một nhất định phải đến bản điện có nén nhang thơm, bông hoa, lễ quả để kính dâng tiên thánh và nhờ đồng thầy kêu tấu cho được bản mệnh bình yên, gia chung khang thái, cuộc sống may mắn. Không có điều kiện kinh tế thì một thẻ nhang, quả cau lá trầu là đủ. Có tiền thì có thể bày vẽ tùy tâm, nhưng nên hợp lý và đủ.
Ngày nay, lên đồng vẫn còn là nhu cầu tâm linh, là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của một bộ phận người Việt. Việc lên đồng là để giao tiếp với thần linh, nhưng truyền thống tín ngưỡng Việt Nam còn tin tưởng rằng sau khi chết thì linh hồn người chết vẫn còn và theo dõi cuộc sống của người thân đang sống. Do đó, khi lên đồng, linh hồn của người chết có thể nhập vào các thanh đồng để trò chuyện với thân nhân đang sống. Thông qua cuộc trò chuyện âm-dương này, người sống sẽ biết được những yêu cầu của người thân quá cố về mỗ mả để điều chỉnh và cúng xin cho phù hợp. Và qua những cuộc đối thoại này thì người sống cũng phần nào biết được vận mạng tương lai của mình.