Hội Gióng (lễ hội đền Gióng) là một lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm ở nhiều nơi trên vùng đất Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Có 2 hội Gióng tiêu biểu ở Hà Nội là hội Gióng Sóc Sơnđền Sóc (đền Gióng) xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Nguồn gốc Hội Gióng

Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc gắn với truyền thuyết Thánh Gióng – là một cậu bé kỳ lạ ở làng Phù Đổng: tuy khôi ngô, tuấn tú nhưng lên 3 tuổi mà vẫn chưa biết nói, biết cười. Suốt ngày cậu chỉ nằm trong thúng treo trên gióng tre, vì thế được đặt tên là Gióng. Vậy mà khi nghe thấy lời kêu gọi của nhà Vua tìm người tài giỏi đánh giặc ngoại xâm, Gióng bỗng lớn nhanh như thổi, rồi xung phong ra trận cứu nước, cứu dân. Sau khi dẹp tan quân giặc, ngài về núi Sóc rồi cưỡi ngựa bay lên trời.

Đức Thánh Gióng – một trong tứ bất tử của Việt Nam, là biểu tượng chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Thánh Gióng là sự khái quát hóa, hình tượng hóa và lý tưởng hóa toàn bộ quá trình sinh ra, lớn lên, chiến đấu, chiến thắng của đội quân chống xâm lược đầu tiên của Việt Nam trong thời kỳ Văn Lang. Trong sức mạnh của con người có cả sức mạnh thể lực, của cánh tay và sức mạnh của tinh thần, ý chí phi thường.

Ngọn núi Thánh Gióng ngồi nghỉ, vắt áo để rồi bay lên trời, nay thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn ngoại thành Hà Nội, cách trung tâm thành phố Hà Nội 40km về phía bắc. Đây là điểm chót cuộc hành trình nơi trần thế – nơi Thánh Gióng ngắm nhìn đất nước lần cuối, để lại áo và phi ngựa lên trời. Áo Gióng vắt lên cây gỗ trầm, sau biến thành “cây cởi áo”. Ông Vu Điền bỏ việc cày ruộng để chạy theo Thánh Gióng nhưng không kịp bèn hạ cây xuống tạc tượng. Lời ca giao duyên xưa còn có câu:

Loading...

Sóc Sơn là ngọn núi nào
Có ông Thánh Gióng bay vào trời xanh.

Người núi Sóc Sơn nhớ ơn Thánh, ở hội ba ngày từ Mồng 6 đến Mồng 8 tháng Giêng âm lịch. Du khách đến với hội Gióng Sóc Sơn thường nghe câu ca dao xưa:

Tháng Giêng giỗ Thánh Sóc Sơn
Tháng Ba giỗ tổ Hùng Vương nhớ về.

Lễ hội phản ánh các truyền thuyết về người anh hùng từ nơi sinh ra và lớn lên, lập chiến công, con đường thực thi số mệnh công dân, đạo làm con và cuối cùng, sau khi hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình thì đã bay về trời (hay trở về với lòng tưởng niệm của nhân dân). Lễ hội Gióng là vị thần được thờ với tư cách là một trong “Tứ bất tử” của Việt Nam, là một vị chính thần (phúc thần) có uy tín và sức mạnh (vô hình) quy tụ được nhân dân toàn quốc về một mối bảo vệ đất nước.

Lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn)

Đền Thượng là nơi thờ Thánh Gióng và cử hành lễ hội. Mồng 6 vào hội có lễ dâng hương của dân làng và dân hàng tổng… Nghi lễ bắt đầu vào đúng giờ Tý (00:00). Lúc này khói hương nghi ngút, đèn nến sáng rực đền. Chủ tế và chức sắc thực hiện lễ khai quang (tắm tượng Gióng).

Ngày chính hội thường có các nội dung đặc sắc sau:

Lễ dâng hoa tre: trước năm 1945, 52 xã của 9 tổng thuộc huyện Kim Anh đều mang hoa tre về dâng cúng. Chiếc hoa tre là thanh tre dài được vót thành một túm xơ ở đầu rồi nhuộm màu đỏ, vàng. Sau lễ dâng hoa tre, quan lễ hô lớn: Lễ đất, tranh lộc thì hoa tre được tung lên cho mọi người cướp cầu may. Hội này là hội đầu xuân, mùa xuân là mùa của sự sinh sôi nảy nở của vạn vật nên tư tưởng chủ yếu là hướng về tín ngưỡng phồn thực. Chiếc hoa tre có tua bông ở đầu chính là biểu tượng của sinh thực khí nam.

Đoàn rước voi của làng Dược Thượng. Voi đan bằng tre, dán giấy đen cao 3 – 4 m có vẽ các hình hoa văn dữ dằn.

Đoàn rước ngà voi và lễ tiến ngà voi của làng Phả Lộng.

Lễ rước trải: Trải là hình nhân được xếp thành hai hàng trên một hình thuyền đầu rồng đuôi cá hay hình đầu rồng đuôi én.

– Đến sáng ngày Mồng 7 tiến hành lễ Chém tướng. Ba thiếu nữ được chọn để đóng giả tướng giặc có tuổi từ 13 – 16 tuổi. Khoảng 7 giờ là lễ chém tướng bắt đầu. Từ đỉnh núi cao có người cầm cờ hiệu phất lệnh. Khi cờ lệnh ở trên cao phất lên thì ở dưới này quân chém tướng vung gươm nhanh nhẹn làm động tác tượng trưng chém đầu tướng giặc. Ba cô gái (tướng giặc) nhanh chóng ù té chạy, vụt nhanh vào chỗ vắng người và ở đó có người nhà đón cõng về.

Sau những nghi lễ đặc sắc này, dân chúng thưởng thức các trò vui chơi như đánh cờ hoặc ca hát (hát chầu văn, ca trù) và mặc sức thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, hồi tưởng lại những trang sử huyền thoại hào hùng, đầy chất thơ của dân tộc ta từ thời mở nước.

https://www.youtube.com/watch?v=4PqBJjx1gLE

Loading...