Gia đình là tế bào của xã hội. Đó là nơi để mọi thành viên có thể chung sống và sinh hoạt cùng nhau. Một gia đình đầy đủ khi ở đó có tình yêu thương và sự chăm sóc của cha mẹ, sự sẻ chia và đồng cảm giữa các thành viên với nhau. Gia đình cũng là nơi đem lại sự bình yên cho mỗi người sau những bộn bề lo toan của cuộc sống.

Có thể thấy gia đình đóng một vai trò quan trọng trong xã hội. Đó là một môi trường tốt giúp cho trẻ nhỏ phát triển về thể chất và tư duy. Trẻ em chính là mầm non của xã hội, là tương lai của đất nước. Được lớn lên trong vòng tay của cha mẹ, các em sẽ được sống đầy đủ về mặt tình cảm. Hơn thế nữa, dưới sự giáo dục của cha mẹ các em sẽ có những định hướng tích cực trong tương lai. Cha mẹ vừa là người giáo viên, vừa là người bạn để các em sẻ chia, tâm sự. Mỗi khi gặp khó khăn trong đời thì gia đình chính là nơi để chúng ta trở về và được an ủi, động viên và là chỗ dựa tinh thần tốt nhất khi ta suy sụp.

Điểm qua tình hình của đời sống xã hội hiện nay ngoài những việc chúng ta đã làm được thì cũng có không ít những điều đáng đau buồn. Ta thấy rất nhiều những tệ nạn xã hội được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ việc phát ngôn vô văn hóa, đến những hành vi trộm cướp chung quy là do chính lối sống và đạo đức con người.

Khảo cứu những hiện tượng mất đạo đức trong xã hội dù gián tiếp hay trực tiếp, người ta thấy có mối quan hệ biện chứng giữa gia đình và xã hội xem chừng chúng có mầm mống từ gia đình mà ra. Do vậy, phải bắt đầu nghiên cứu từ gia đình. Gia đình đóng vai trò là tế bào của xã hội nhưng bản thân nó lại giống như một xã hội thu nhỏ. Do vậy mà quan hệ đạo đức trong gia đình là cái khởi đầu cho quan hệ đạo đức trong xã hội.

Vai trò của đạo đức trong gia đình

Ngày nay nhiều gia đình truyền thống vẫn giữ được những nét tinh hoa văn hóa thuở xưa. Các thành viên trong gia đình yêu thương, đoàn kết gắn bó với nhau. Với những thành tích được cộng đồng ghi nhận nhiều gia đình đã trở thành những gia đình văn hóa. Tuy nhiên với những tác động của xã hội hiện đại đã làm cho những thuần phong, mỹ tục trong gia đình bị đảo lộn, đạo lý bị xem nhẹ.

Loading...

Trong thời gian gần đây trên những phương tiện thông tin đại chúng đã liên tiếp đăng tải những vụ án về bạo lực gia đình như con giết mẹ, mẹ giết con hay cháu giết ông để kiếm tiền đi du lịch,… Những vụ án trên đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về sự xuống cấp, suy đồi về phẩm chất, đạo đức và lối sống của thế hệ trẻ hiện nay.

Được sống trong sự chở che, âu yếm của những thành viên trong gia đình một số bạn trẻ đã không biết được điều đó mà nắm lấy cơ hội để vươn lên trong học tập và cuộc sống. Họ lại bị những cám dỗ của những tệ nạn xã hội ở bên ngoài làm cho bản thân họ không đủ tỉnh táo để nhận biết đâu là đúng, đâu là sai, học cái gì và không được học cái gì…

Những tệ nạn đó như một mầm bệnh đối với họ. Bị nhiễm phải những thói hư tật xấu ở bên ngoài cho nên trước sự khuyên dạy, chỉ bảo của ông bà, cha, mẹ họ đã không lắng nghe, tiếp thu mà còn cãi lại và phản ứng với một thái độ bất kính, thiếu tôn trọng. Họ sẵn sàng dùng mọi ngôn từ của dân xã hội đen vào trong với gia đình để lăng nhục, thoái mạ những người thân yêu của mình.

Vấn đề cấp thiết là cần phát huy vai trò của gia đình trong việc định hướng những giá trị về đạo đức, lối sống cho con cái trong giai đoạn hiện nay và trước hết các thành viên trong gia đình phải thực sự yêu thương đoàn kết gắn bó với nhau trong mọi lúc, mọi nơi. Mỗi gia đình phải biết phát huy và khơi dậy những truyền thống quý báu của thế hệ đi trước trong việc giáo dục, chỉ bảo các thành viên trong gia đình. Cha mẹ phải thực sự gương mẫu trong lời nói và hành động là tấm gương sáng cho con cái học tập và làm theo. Đặc biệt ở giai đoạn trưởng thành của con, cha mẹ phải có cách quản lý và nuôi dạy cho hợp lý, phù hợp với tâm sinh lý của con tránh tình trạng áp đặt ý muốn chủ quan của bản thân trong cách nuôi dạy con cái.

Không chỉ có vậy cha mẹ phải biết lắng nghe những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của con cái xem con có những nhu cầu và sở thích gì xem có đáp ứng được không từ đó có những định hướng cho đúng đắn, phù hợp. Gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc định hướng những giá trị về đạo đức, lối sống cho con cái trong giai đoạn hiện nay. Những giá trị về đạo đức lối sống mà gia đình truyền cho con cái sẽ mãi là hành trang để cho mỗi người mang theo và bước vào cuộc sống xã hội với một niềm tin, niềm kiêu hãnh rằng không có bất cứ thứ gì của xã hội có thể đánh gục được.

Phật giáo quan niệm như thế nào về đạo đức gia đình?

Đạo đức và tôn giáo là những hình thái ý thức xã hội ra đời từ rất sớm, có bề dày lịch sử trong nền văn hóa nhân loại. Sự hiện diện của đạo đức và tôn giáo là minh chứng cho sự cần cầu của con người về một thế giới tốt đẹp. Ngoài ra, Đức Thế Tôn cũng thường quan tâm khuyến khích các môn đồ tại gia chú trọng đến việc rèn luyện nâng cao đạo đức gia đình. Ngài luôn đề cao và chỉ dạy phương cách để cảm thông và giữ tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình hơn là chú trọng đến các vấn đề khác như tiền bạc hay địa vị. Bởi chính Ngài hiểu rõ hơn ai hết về tầm quan trọng của việc xây dựng quan hệ đạo đức gia đình. Gia đình có tốt đẹp thì xã hội mới bình an.

Sự biểu hiện của đạo đức trong đời sống thường nhật được cụ thể hóa bằng những quy tắc xử sự của con người trên hai phương diện:

  • Thứ nhất là những ứng xử của con người với tự nhiên vì trong quan hệ với môi trường con người được xem là một sinh vật hữu tình, sinh tồn trong thế giới vô cùng rộng lớn và nhiều bí ẩn, là đứa con của mẹ thiên nhiên và được thiên nhiên đùm bọc, che chở. Vì vậy, mỗi hành vi thái quá của con người khi tác động vào tự nhiên sẽ làm mất trạng thái thăng bằng của nó và như thế là trái với quy luật, là phi đạo đức sinh thái, đúng như lời nhận định của giới học rằng hủy hoại tự nhiên cũng là hủy hoại chính bản thân mình.
  • Thứ hai là những quy tắc ứng xử của con người với nhau trong vô số những quan hệ trong cộng đồng. Những quan hệ này có tính hai mặt, một mặt nó là điều kiện, là môi trường để con người thể hiện hành vi đạo đức của mình mặt khác thông qua những quan hệ này mà các chuẩn tắc đạo đức cũng được kiến tạo, bồi đắp và hoàn thiện

Phạm trù đạo đức luôn mang tính lịch sử cụ thể vì mỗi thời đại đều xây dựng cho mình thể chế đạo đức khác nhau. Đạo đức cũng không phải là cái gì cao siêu, trừu tượng, khó hiểu mà nó ra đời tồn tại và phát triển do nhu cầu của xã hội bởi lẽ là một hình thái ý thức xã hội thì đạo đức luôn chịu sự chi phối của tồn tại xã hội. Khi tồn tại xã hội thay đổi thì đạo đức cũng thay đổi theo cho phù hợp.

Những quy tắc đạo đức Phật giáo được thể hiện trong giới luật. Những quy phạm đạo đức giúp cho tu sĩ xuất gia vượt qua những giá trị đạo đức thông thường trong xã hội để đạt đến sự lìa bỏ ngã chấp. Giới luật chung cho cả cư sĩ và thế tục là đạo đức nhân gian là từ bi hỷ xả nhằm đạt tới cuộc sống hòa vui, tránh tạo nghiệp ác và tích lũy nghiệp thiện. Có thể nói rằng, đạo đức Phật giáo là một hệ đạo đức xuất thế giá trị đạo đức Phật giáo thiên về nội tâm phản tỉnh hơn là xử lý các quan hệ bề ngoài cho nên Phật giáo phát huy tối đa tính tự chủ cá nhân trong việc thực hành các quy tắc đạo đức.

Sự phán xét của đạo đức là nghiệp báo, nghiệp quả nó điều chỉnh đạo đức của mỗi người theo quy luật nhân quả tự tại. Điều đặc biệt hơn Phật giáo là tôn giáo có khuynh hướng vô thần, không thừa nhận sự sáng tạo của một đấng siêu nhiên nào và mọi giá trị luân lý, đạo đức đều diễn ra trong thế giới nhân sinh chứ không phải do một thế lực nào chi phối. Có thẻ thấy đây là điểm ưu trội của Phật giáo so với các tôn giáo khác.

Cần làm gì để tu dưỡng đạo đức?

 Làm một người chân thật

Có thể thấy bản tính chân thật chính là kho báu trời sinh của mỗi người. Một người có bản tính chân thật và tấm lòng chân thành thì khi đối xử với người nhà sẽ đạt đến mức  yêu thương nhất và sâu sắc nhất. Còn khi đối với bạn bè thì bản thân họ sẽ không có ác tâm tính toán, mưu mô mà luôn trong sáng vô tư và hết lòng. Đối với người khác, họ sẽ có thể khoan dung rộng lượng và  không so đo thiệt hơn.

Làm một người giữ được bình tĩnh

Tĩnh là một loại tâm bình thản và  là một loại chí khí. Thủ tĩnh chính là giữ được chí hướng, giữ được bản tâm khí tiết của mình. Muốn tĩnh thì chúng ta cần phải tu dưỡng bản thân trở thành người mà ở ngoài thân thì rảnh rang không vướng bận còn ở trong tâm thì an tĩnh. Tĩnh không phải là im lặng mà chính là ở trong động mà có thể giữ được tâm thái cân bằng. Nó là một loại trạng thái nội tâmthông qua tự thân điều tiết mà có. Người có tâm bình tĩnh có thể nhảy thoát ra khỏi mọi sự mê hoặc của thế tục. Nó cũng có thể làm mất dần tham niệm và những chấp trước mê muội.

Tự soi xét lại bản thân

Tự soi xét lại mình chính là kiểm điểm sâu sắc lỗi lầm của bản thân mình hơn nữa tự trách mình còn là lời xin lỗi đối với người khác. Khi giữa người với người phát sinh mâu thuẫn hay xung đột thì chỉ có tự xét lại và tự trách mình mới có thể hóa giải được mâu thuẫn và biến mâu thuẫn thành tường hòa. Vì vậy trách người không bằng trách mình. Người quân tử xưa nay đều tự xét lại bản thân mình, kẻ tiểu nhân không nhìn lại bản thân mình mà thường xuyên oán trời trách đất, trách người và trong lòng tràn đầy bực tức. Một chính nhân quân tử thường xuyên tìm những thiếu sót ở bản thân mình mà không trách cứ người khi đó người ấy dù không tu đạo nhưng đã ở trong đạo rồi.

Can đảm đối mặt với khó khăn

Khốn cảnh không đáng sợ mà điều đáng sợ chính là mất đi lòng tự tin và mất đi ý chí của bản thân. Trong cuộc sống phần lớn mọi việc đều không được như lòng người mong muốn cho nên ở vào hoàn cảnh khốn khó càng cần mọi người phải tự tán thưởng mình, khích lệ mình cũng như tin tưởng vào chính mình. Làm được như vậy chúng ta sẽ phát hiện ra rằng sinh mệnh của chúng ta có một sức sống mới khiến cho mỗi ngày bản thân chúng ta sống tốt hơn.

Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời

Bởi mỗi người phải thường xuyên chăm lo tu dưỡng đạo đức hàng ngày đó là công việc kiên trì, bền bỉ suốt đời. Trong thực tiễn có người trong lúc đấu tranh thì hăng hái, trung thành, nhưng đến khi có ít quyền hạn thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ biến thành người có tội. Đối với mỗi con người việc rèn luyện đạo đức phải được thực hiện trong hoạt động thực tiễn, trong đời tư cũng như trong đời công và trong mọi mối quan hệ xã hội.

Người Phật tử phải biết vận dụng lời Phật dạy vào trong đời sống gia đình để gia đình là một cộng đồng có yêu thương, hòa hợp, sống êm ấm và hạnh phúc. Giáo lý duyên khởi và con đường Bát Chánh Đạo sẽ giúp đời sống gia đình biết cách yêu thương bằng trái tim hiểu biết, kính trên nhường dưới và thuận thảo, vui vẻ với nhau. Ta không nên nghĩ rằng,ta có quyền bắt mọi người phục tùng theo ý muốn và sở thích của mình. Giáo dục đạo đức gia đình, học đường và xã hội như cái đỉnh ba chân không thể thiếu bất cứ chân nào chúng luôn bổ túc và bồi đắp cho nhau bằng cách dạy dỗ con người sống có ý thức với sự hiểu biết chân chính.

Loading...