Hầu đồng là một nghi lễ chính gắn với đạo thờ Mẫu, thờ Tứ phủ. Nghi lễ hầu đồng có xuất xứ từ vùng đồng bằng Bắc Bộ. Thời điểm xuất hiện nghi lễ hầu đồng chưa được xác định rõ nhưng nghi lễ này phát triển nhất vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Không chỉ là một tín ngưỡng dân gian, hầu đồng thật sự là một loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo và hấp dẫn bởi sự kết hợp nhiều yếu tố như trang phục, âm nhạc, lời ca, cách trình diễn. Trong xã hội hiện đại thì hầu đồng sẽ vẫn còn nguyên giá trị về tính nhân văn, thẩm mỹ nếu được phát huy đúng cách, đồng thời đó là nét riêng tô điểm cho một bức tranh đặc sắc của văn hóa truyền thống người Việt.
Hầu đồng là gì?
Hầu đồng là một nghi lễ tổng hợp nó tích hợp tất cả những giá trị văn hóa, nghệ thuật được dân gian đúc kết biết bao đời nay. Có thể thấy hầu đồng như là một di sản văn học âm nhạc hay vũ đạo, mỹ thuật cũng như kiến trúc lễ hội dân tộc và nghệ thuật trình diễn để lại những giá trị văn hóa đặc sắc. Tùy tập tục mỗi địa phương, mà hầu đồng có nhiều thể thức khác nhau. Tuy nhiên một buổi hầu đồng bao giờ cũng có các phần thay lễ phục, dâng hương hành lễ, lễ thánh giáng, múa đồng, ban lộc, nghe văn chầu và kết thúc khi Thánh thăng.
Các bạn tìm hiểu thêm tại bài viết này: Hầu đồng là gì?
Quá trình hiện đại hóa lên đồng
Lễ phục theo hướng thời trang
Trong những năm gần đây, trên thị trường lễ phục Hà Nội đã xuất hiện lễ phục thời trang lên đồng và được coi là dấu hiệu của quá trình hiện đại hóa lên đồng. Nếu nhiều dân tộc trên thế giới dùng mặt nạ để thể hiện sự hiện diện của các vị thánh, thì lên đồng ở Việt Nam dùng lễ phục thể hiện sự giáng đồng của các vị thánh. Vì vậy việc may cắt đã được quy chuẩn hóa về màu sắc lễ phục, về khăn, mũ, áo và thắt lưng.
Hiện nay ở Hà Nội có một số cửa hàng thời trang lễ phục lên đồng trong đó có sự thay đổi về hình dáng lễ phục hay hoa văn trang trí. Nhiều bộ thay đổi một cách thái quá khiến người xem không nhận ra chủ nhân của bộ lễ phục đó là vị thần nào. Đây cũng được coi là một trong những nguyên nhân làm sai lệch các lễ thức trong đạo Mẫu.
Thực tế trong nhiều giá chầu có thể thấy trang phục lối cổ gần như đã mai một như giá chầu ông Hoàng Mười mà thanh đồng lại khoác thêm áo choàng ngoài mà điều đó là không nên. Ngay cả trang sức cũng được các thanh đồng sử dụng chưa hợp lý. Chẳng hạn trong các giá chầu Thượng ngàn thanh đồng lại dùng kiềng vàng mà đáng ra phải dùng kiềng bạc…
Do sự thay đổi cuộc sống trang phục nghi lễ hầu đồng ngày càng phong phú, đa dạng. Tuy nhiên các thanh đồng cần phải bảo tồn những sắc thái cơ bản trong khăn áo truyền thống của các bậc tiền bối xưa. Việc phát huy cần đúng mức độ để không bị biến thái. Đồng thời các thanh đồng vẫn phải dựa vào những câu hát văn miêu tả trang phục của các vị thánh để có sắc màu, hình thái trang phục cho phù hợp và không nên thay đổi theo ý thích riêng của mình.
Biến dạng hát văn
Trong quá trình bùng nổ nghi lễ chầu văn bên cạnh những nghệ nhân truyền thống thì hiện nay đội ngũ những người hát chầu văn khá phức tạp. Nhiều nghệ sĩ chèo, cải lương vì kế sinh nhai đã chuyển sang hát văn, hơn nữa những người mới học nghề vài ba tháng cũng gia nhập đội ngũ hát văn đã dẫn đến tình trạng biến dạng nhiều lời hát ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng các buổi lên đồng.
Cung văn trước kia chỉ có 1 đến 2 người nhưng ngày nay ban cung văn phát triển đến 5 hoặc 6 người có cả phối âm, phối khí và diễn xướng. Với số lượng cung văn đông cộng với thiết bị âm thanh chuyên dụng được mở hết công suất và không gian của từng cung hầu chật hẹp đã tạo nên khối tiếng ồn hỗn độn, mất đi vẻ tôn nghiêm nơi bản đền bản phủ.
Nhiều ban cung văn còn đưa cả những ca khúc của nước Lào, Hoa Chăm Pa vào trong nghi lễ chầu Văn của đạo Mẫu. Đây được coi là sự biến tướng của chầu Văn làm ảnh hưởng đến giá trị đích thực của văn hóa thờ Mẫu. Mong rằng mọi người cố gắng giữ lấy nguồn gốc quý giá của cha ông để lại không nên vì lợi ích cá nhân mà làm mai một vốn truyền thống trong hát văn.
Xã hội hiện đại thì tín ngưỡng dễ bị lợi dụng
Trước đây hầu đồng là món ăn tinh thần có phần xa lạ vì không phải ai cũng thực hành được nghi thức này và người thưởng thức cũng không nhiều vì không dễ gì hiểu hết nét đẹp của nghi thức. Vì thế một thời gian dài hầu đồng bị coi là hoạt động mê tín dị đoan.
Trước khi được nhà nước nhìn nhận là văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn, phát huy thì hầu đồng đã bị một số nơi lợi dụng vào những trò buôn thần bán thánh. Được biết một cung văn theo hầu đồng phải có ít nhất 5 năm tôi luyện, rèn giũa thanh sắc và giữ gìn đạo đức. Nhưng ngày nay chỉ sau 2 tuần học vài giá đồng là họ đã xuất hiện diêm dúa lợi dụng tín ngưỡng này để tổ chức lừa bịp những người nhẹ dạ. Hầu hết người tham gia hầu đồng được yêu cầu phải cúng lễ vật, nữ trang đắt tiền, tiền mặt thủ sẵn trong túi để rải đều mỗi khi thực hiện các giá đồng cầu duyên, cầu tài…
Không ít người đến hầu đồng đã phải vay nợ từ các băng nhóm cho vay nặng lãi rồi phải cầm nhà, bán xe để cúng lễ đúng yêu cầu rải thật nhiều tiền để được nhận lộc may. Có người tán gia bại sản khi dính vào các kịch bản của nhiều phủ thờ.
Thực hành cơ bản của Tín ngưỡng thờ Mẫu bao gồm các lễ cúng, lên đồng, hát văn và lễ hội… Tuy nhiên một số các thực hành như lên đồng, lễ cúng đã bị thương mại hóa và bị biến tướng. Trước đây chỉ cần chiếc khăn đỏ một bộ quần áo đã có thể lên đồng còn quà phát lộc chỉ cần vài trái táo tượng trưng. Song tới giờ có những giá đồng chỉ riêng tiền phát lộc đã hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Xu hướng vật chất hóa này khiến hầu đồng bị định kiến là hoang phí, khoe mẽ. Hầu đồng chỉ có ý nghĩa nếu người hầu đồng đạt tới trạng thái tinh thần cao siêu. Họ quên hết thực tại tiếp cận được cõi bồng bềnh, ảo ảnh ẩn chứa trong tâm hồn và tư duy con người. Nếu không có điều ấy thì hầu đồng chỉ là một hình thức diễn xướng mà thôi.
Cần nhận thức đúng về Hầu đồng, Hát văn
Hầu đồng, hát văn chỉ là một nghi lễ trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Bỏ qua yếu tố tiêu cực thì hầu đồng, hát văn là hai di sản có giá trị quý báu của Việt Nam. Có thể thấy nghệ thuật hát văn, hầu đồng là tổng hợp của nghi thức thờ Mẫu. Chưa nói đến hầu đồng riêng giá trị nghệ thuật hát văn đã là một di sản rất độc đáo và việc bảo vệ di sản này cần được khuyến khích nhưng mặt trái là một số người lợi dụng thực hành tín ngưỡng để vụ lợi, kiếm tiền.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thể hiện quan điểm nhất quán về một tập tục thờ cúng bao gồm nhiều yếu tố tín ngưỡng, nghi lễ, văn hóa truyền thống ở trong đó. Điều quan trọng là chúng ta nhấn mạnh đến những bản sắc văn hóa tín ngưỡng đã được trao truyền kế tục giữa các thế hệ. Ở đây không chỉ có lên đồng mà còn ẩn chứa cả một hệ thống tri thức, văn hóa truyền thống của người Việt được hội tụ trong tín ngưỡng thờ Mẫu.
Khi người ta thừa nhận nghi lễ hầu đồng là nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam thì vấn đề đặt ra cho các nhà nghiên cứu hay những người quan tâm đến nghi lễ hầu đồng là làm thế nào để nghi lễ này đi đúng quỹ đạo như vốn có của nó. Rất nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức để tìm hướng đi cho phù hợp. Nhưng trước hết đó vẫn là ý thức của các thanh đồng, cung văn bởi họ là những người thực hành nghi lễ, nắm giữ nghi lễ và giới thiệu giá trị văn hóa của Việt Nam đến với đông đảo nhân dân trong và ngoài nước.
Biến dạng và lợi dụng nghi lễ hầu đồng đang là những vấn đề được nhắc đến nhiều khi mà tín ngưỡng thờ mẫu và hầu đồng có chiều hướng phát triển rộng hơn và xã hội có cái nhìn cũng cởi mở hơn. Vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản tín ngưỡng Thờ Mẫu vẫn là cộng đồng, là những người đang thực hành tín ngưỡng các ông đồng, bà đồng.
Người dân cũng cần phải hiểu rõ tín ngưỡng thờ Mẫu không chỉ có lên đồng mà còn có cả lễ hội, sáng tạo văn chương và cả tình thương của người mẹ. Mọi biện pháp quản lý có tính chất cực đoan sẽ rất khó bởi tín ngưỡng thờ Mẫu luôn là hiện tượng đi giữa hai lực một bên là quá khứ với các vị thánh, một bên là thái độ hiện tại của người dân đẩy nó lên
Trước kia, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu chỉ diễn ra ở đền, phủ và những người hát văn chỉ được hát trong những không gian thiêng đó. Trong thời hiện đại thì việc phục dựng để quảng bá tín ngưỡng là cần thiết. Tuy vậy chúng ta cần giữ đúng các nghi lễ, nghi thức và không thể mượn tín ngưỡng thờ Mẫu để buôn thần bán thánh.