Hầu đồng còn được gọi là lên đồng, là một nghi thức trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nghi thức hầu đồng đang ngày càng bị biến tướng bởi những người cuồng tín và của những người nhân danh “Thánh” để trục lợi.

Biến tướng vì “thiếu hiểu biết”

Theo dân gian, nghi thức hầu đồng gồm một chuỗi lễ tiết và do những người được “nhà Thánh chọn” để làm các công việc lễ bái, kính thỉnh các đấng thần linh thờ trong điện Mẫu. Đây là một hình thức sinh hoạt tâm linh thuộc về văn hóa dân gian có từ lâu đời, có ý nghĩa tôn vinh các nhân vật lịch sử cùng với công trạng của họ dưới hình thức nhập hồn và hát văn. Đồng thời, thông qua hình thức này, người trần mắt thịt còn có thể “giao lưu” với “thần thánh”.

Ngày nay, cái ý nghĩa thiêng liêng đó đã bị phá vỡ, không còn là hoạt động văn hóa tâm linh nữa mà đã trở thành trò mê tín dị đoan. Do sự thiếu hiểu biết của chính những người trong cuộc, do nhiều kẻ trục lợi, dựa vào đức tin của người đời về đạo Mẫu đã làm vấy bẩn ngôi nhà mẫu…

Dưới đây là một ví dụ điển hình cho chuyện cuồng tín như vậy:

Linh đột nhiên thấy đau ngực, khó thở, mất không biết bao nhiêu tiền mà chẳng tìm ra bệnh gì. Cùng thời điểm đó thì công việc của cô vốn đang suôn sẻ cũng bị trục trặc, tình duyên khúc mắc, yêu nhau bao lâu mà mãi chẳng lấy được nhau. Nhân một lần đi lễ chùa, Linh kể cho mọi người nghe về chuyện trắc trở tình duyên của mình, cô được mọi người “phán”: có khi cô có căn số hầu đồng nên mới thế. Thế là Linh tìm đến một bà đồng, sau khi được bà này phán rằng, cô có căn và đang bị “cơ đày” cho nên phải ra hầu đồng. Nếu, không ra hầu đồng thì sẽ còn nhiều chuyện rắc rối.

Loading...

Sau đó, bằng mọi cách Linh lo cho được số tiền lên đến vài trăm triệu đồng để mở phủ hầu đồng. Vì bà đồng bảo cô “số đền to phủ lớn” nên giá đồng của cô phải nhiều tiền. Mẹ cô cũng là người “tín” nên chiều lòng con, bà đã vay mượn tứ phương để đáp ứng nguyện vọng của con.

Với số tiền ấy, Linh đã được như ý với một buổi hầu hoành tráng, có tới 100 khách dự. Thế nhưng, sau khi mở phủ (hầu đồng), điều đáng nói là đâu vẫn hoàn đó, thậm chí còn tồi tệ hơn khi người yêu cô, sau khi biết cô ra hầu đồng đã bỏ cô chứ không cưới như lời phán của bà đồng. Còn công việc của cô vẫn tắc, chẳng hề thuận buồm xuôi gió chút nào. Đáng buồn hơn, cô và cha mẹ cô còn phải ôm “cục nợ” đã vay để hầu đồng.

Một trường hợp khác là Hiền – một người sắp “bắc ghế hầu thánh”, tôi đến nhà người được gọi là “đồng thầy” của cô. Căn nhà chỉ 12m2, chất đầy đồ. Bà thỉnh chuông cho bạn tôi lễ rồi ngồi luôn giữa nhà, nói về lễ “mở phủ trình đồng” của cô. Thầy phán: “Con cứ đưa cho thầy 90 triệu, thầy lo cho hết, con chẳng phải làm gì, đến ngày ra mở phủ thì con đến thôi”. Thế là Hiền lại cun cút đi về, chạy vạy, lo khắp nơi số tiền để thầy hô. Gần đến ngày ra hầu, thầy lại gọi điện: “Thầy nghĩ là làm gộp luôn cho hai vợ chồng con cho tiện. Nhưng mà thôi, con đưa thêm thầy 30 triệu nữa, thầy làm riêng cho chồng, ngài đỡ trách”. Thế là Hiền lại méo mặt “lo” thêm 30 triệu nữa. Ấy vậy mà, còn 3 ngày nữa là đến ngày hầu, chẳng thấy thầy gọi điện, cũng không liên lạc được. Đến nhà, cô mới chưng hửng là thầy đã “biệt tăm tích”. Rất nhiều người ngồi dưới tầng 1, người khóc, người bần thần, người thì hùng hổ đi lại. Hỏi ra mới biết, đồng thầy đã ôm tiền của con nhang đệ tử và những người như Hiền “trốn chủ lô”

Trên đây chỉ là hai trong nhiều trường hợp đã làm “vấy bẩn” ngôi nhà mẫu.

Nỗi buồn của những người theo đạo Mẫu

Hiện nay, việc lợi dụng văn hóa hầu đồng để trục lợi đã khiến cho nhiều người hiểu sai về đạo Mẫu. Khiến cho những người theo đạo Mẫu bị mang tiếng là mê tín dị đoan và điều này làm họ rất phẫn nộ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, một trong những người tham gia trong diễn xướng chầu văn của Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tín ngưỡng dân gian chia sẻ: “Hiện nay, những người theo đạo Mẫu như chúng tôi đau đáu một nỗi, làm sao để đạo Mẫu không còn bị hiểu lầm là mê tín dị đoan. Đó là điều mà những người theo đạo chân chính như chúng tôi luôn trăn trở. 10 năm trở lại đây, đạo Mẫu ở ta phát triển rất rộng nhưng với số lượng ồ ạt và như chúng tôi gọi là “kém chất lượng”.

Nghi lễ hầu đồng
Nghi lễ hầu đồng

Là người theo đạo Mẫu hơn 20 năm, bà cũng là “đồng thầy” của hơn 200 thanh đồng trong “Hồng Đức Linh Điện” (do nhóm người theo đạo Mẫu thành lập). Những người tìm đến với bà từ khắp nơi trên cả nước. Với bà, khả năng bà giúp được đến đâu thì giúp. Đôi khi bà “cứu” luôn bằng cách, tất cả những lễ vật bà đều lo cho hết mà không lấy một đồng tiền công nào. Bà chia sẻ rằng: “Có phải ai cũng có điều kiện để theo hầu thánh đâu! Như đạo Phật, Thánh Mẫu cũng là ở trong tâm. Nhiều khi thấy mọi người khổ, các thanh đồng trong hội đều góp sức vào giúp đỡ để họ được ra hầu đồng. Có điều kiện thì một mình một vấn, không thì vài người chung nhau một vấn hầu như thế là được. Còn thành tâm là ở mỗi người. Hướng thiện và giúp đỡ nhau là điều mà các thanh đồng trong bản hội “Hồng Đức Linh Điện” duy trì trong suốt nhiều năm nay”.

Từ khi biết GS Ngô Đức Thịnh, bà Loan còn tham gia giúp trung tâm trong việc vận động những người theo đạo Mẫu đi đúng hướng. Tìm hiểu tâm tư của các thanh đồng tại các tỉnh, thành, bà cho biết: “Trong quá trình tuyên truyền, thông qua những buổi hội thảo về đạo Mẫu, những buổi diễn xướng chầu văn, chúng tôi nắm bắt các chủ nhang quan thầy, để dần dần thay đổi họ, hướng họ đến các giá trị tốt đẹp của đạo mẫu. Và khi nắm bắt được chủ nhang, quan thầy thì họ sẽ tự giảng giải cho các thanh đồng của mình”.

Hiện nay, làm sạch ngôi nhà Mẫu là việc khiến những người theo đạo như bà Loan cảm thấy phải có trách nhiệm trong việc này. Bà Loan nói: “Tôi là một người hoàn toàn tỉnh táo để bước vào hầu đồng, đó là cái nghiệp và cũng là vinh dự cho một người như tôi. Bản hội của tôi luôn truyền tải lại cho các thanh đồng về những nghị quyết, những điều mà họ không được vi phạm và ngược lại, các thanh đồng trong bản hội đều có thể góp ý, phản ứng lại thầy để cùng nhau xây dựng một mạng lưới những người theo đạo Mẫu trong sạch cũng như phát triển cho đến ngày hôm nay”.

GS.TS Ngô Đức Thịnh – Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tín ngưỡng dân gian nói: “Việc tổ chức những buổi tọa đàm về đạo mẫu và diễn xướng chầu văn là một bước để tuyên truyền một cách có định hướng về đạo Mẫu và giúp những người trong giới nhìn nhận và tự điều chỉnh hành vi của mình. Không những vậy, các tham luận được chính những nhà nghiên cứu, những người theo đạo Mẫu chia sẻ sẽ khiến cho những người trong đạo giáo thấy rằng, họ đang dần dần được công nhận và thấy được những điều tốt với chính bản thân họ. Từ đó mới đưa dần những người “mượn danh thánh thần” trở về với chân lý đúng của đạo Mẫu.

Hiện nay, làm sao để quản lý được các thanh đồng và cũng như dần đưa đạo Mẫu Việt Nam trở về đúng với bản sắc văn hóa dân tộc vốn có vẫn là điều mà những người nghiên cứu về đạo Mẫu, những người trong trung tâm đang đau đáu trong lòng. Chúng tôi sẽ phát huy hơn nữa hình thức tuyên truyền như thế này để giúp cho các thanh đồng hiểu rõ hơn về tín ngưỡng họ đang theo đuổi và hạn chế được nhiều mặt bị cho là tiêu cực. Và để làm sạch ngôi nhà Mẫu, không chỉ có những người như chúng tôi, các nhà nghiên cứu mà còn tự thân những người trong cuộc. Bởi chính họ biết mình đang làm gì và mình làm như thế nào cho tín ngưỡng mà họ đang theo”.

Loading...