Luật nhân quả là một lý thuyết của Phật giáo mà tất cả vạn vật trong vũ trụ đều hoạt động và vận hành theo quy luật đó. Con người phải nhớ rằng quá khứ đã qua rồi không thể thay đổi được còn tương lai thì chưa đến vì vậy ta không nên quá lo lắng nhưng hãy sống trong hiện tại tỉnh giác biết nhận ra chân thiện ác giữ gìn chánh niệm luôn làm việc lành vì làm như vậy thì nghiệp quả lành chắc chắn sẽ đến với con người ngay trong đời này và luôn cả đời sau.

Luật nhân quả là một chân lý

Luật nhân quả được giáo lý của đạo Phật hoàn chỉnh và luôn luôn được đề cập trong tam tạng kinh điển vì thế cho nên luật nhân đã quả trở thành một lý thuyết căn bản và là chánh kiến quan trọng trong Phật giáo. Luật nhân quả được xem là một chân lý hiển nhiên nó luôn luôn đúng trong ba thời gồm quá khứ, hiện tại, vị lai, không lệ thuộc thời gian hay không gian có áp dụng cho tất cả mọi loài mọi vật. Ví dụ như các quốc gia thường đặt ra luật đi đường chỉ để áp dụng trong phạm vi quốc gia của mình trong thời hiện tại mà thôi. Về sau thì luật đi đường đó có thể được sửa đổi và tu chỉnh cho thích hợp với sự tiến hóa của xã hội. Nhưng quốc gia khác có thể không áp dụng cùng luật đi đường như vậy mà đôi khi còn ngược hẳn lại.

Luật nhân quả và thuyết định mệnh giống nhau hay có gì khác biệt?

Luật nhân quả

Luật nhân quả là một phép tắc được quy định theo sự hoạt động tự nhiên và vũ trụ để quân bình trật tự an toàn của các hành tinh trong không gian. Nếu không có luật nhân quả thì chắc chắn các hành tinh trong không gian này sẽ bị đảo lộn và như vậy muôn vật sống trên các hành tinh sẽ bị tiêu diệt. Luật nhân quả không phải do con người quy chế hay một đấng tạo hoá nào lập ra mà chính do sự hoạt động vận hành vô minh của bản chất vạn vật mà lập thành. Từ khi có các hành vận chuyển trong vũ trụ tạo thành những duyên mới phối hợp với các duyên khác sinh ra duyên mới khác nữa và cứ như thế tiếp tục mãi mãi. Sự tiếp tục vận hành này được xem  là nguồn gốc sinh ra vạn vật, chứ không có Đấng Tạo Hoá.

Thuyết định mệnh

Loading...

Thuyết định mệnh chủ trương con người có một linh hồn cố định và một số mệnh đã được định sẵn, an bài và xếp đặt, do một đấng tối cao gọi là thượng đế hay tạo hóa và con người phải chịu chấp nhận cái định mệnh sắp sẵn này không phương né tránh và không có cách gì thay đổi tất cả mọi cố gắng hay nỗ lực của con người đều vô ích. Nếu thuyết định mệnh là đúng sự thực thì con người trở thành tiêu cực, thụ động, yếu hèn và vô trách nhiệm, có thể thấy tất cả việc làm nào dù thiện cũng như bất thiện đều do ý muốn của thượng đế. Để chống lại định mệnh đen tối, bất công do tạo hóa áp đặt thì con người phải tạo nghiệp lành.

Con người có thể dừng nghiệp và chuyển nghiệp

Con người thường bị tam nghiệp thân khẩu ý sai khiến lôi cuốn cho nên gây ra không biết bao nhiêu là sự đau khổ trên thế gian này cho chính mình và cho những người chung quanh. Do lòng tham lam mà đi cướp của giết người, sang đoạt tài sản, lập mưu toan tính kế gian, thưa gửi kiện tụng người khác để đòi tiền bồi thường bạc triệu. Con người do lòng sân hận đi trả thù kẻ hãm hại mình bằng các thủ đoạn tàn nhẫn hơn rồi chửi mắng người khác bằng những lời nói cay độc hơn. Cũng do lòng si mê đi tạo tội tạo nghiệp gây thù chuốc oán mà con người tạo ra biết bao điều đau khổ cho người khác. Nếu tất cả mỗi người đều hiểu rõ, tin sâu luật nhân quả cộng thêm ý chí giác ngộ mạnh mẽ thì con người có thể dừng nghiệp và chuyển nghiệp tức là có thể chấm dứt dòng nghiệp lực và chuyển đổi số mệnh chuyển hóa cuộc đời khổ đau của mình rồi tu tập các nghiệp lành thì tất nhiên sẽ gặt các quả báo lành. Do nghiệp lực quá khứ chô nên con người sinh ra trên cõi đời này là không thay đổi được gọi là định nghiệp chỉ có điểm này giống với thuyết định mệnh mà thôi. Nhưng sau khi sinh ra trên cõi đời này thì tất cả  mọi sự việc xảy ra đều tương ứng với nhân duyên từ trước đó là nghiệp báo chứ không phải là số mệnh định sẵn hay định mệnh.

Luật nhân quả với các vấn đề tái sinh và cầu an cầu siêu

Cầu an giúp dân chúng về mặt tín ngưỡng

Ngoài các tính chất về triết học, tín ngưỡng, đạo đức, luân lý thì Phật giáo cũng là một tôn giáo. Cho nên Phật giáo cũng có những nghi thức, nghi lễ để truyền bá chánh pháp một cách rộng rãi trong mọi tầng lớp dân gian. Dân chúng đông đảo có nhiều căn cơ trình độ khác nhau. Chư Tổ sư đã nhận biết điều đó cho nên đặt ra rất nhiều nghi thức, nghi lễ, như là cầu an, cầu siêu, sám hối để thích hợp với từng hoàn cảnh cũng như từng trường hợp của mọi người trong dân chúng. Chẳng hạn như là trong gia đình có một người lâm trọng bệnh ngoài việc cố gắng chữa trị theo y học đông hay tây thì thân nhân cần có thêm niềm tin vững mạnh để giúp đỡ người bệnh lên tinh thần và cho bệnh tình chóng khỏi. Thân nhân bèn đến chùa mong được quý sư làm lễ cầu nguyện chư Phật gia hộ cho người bệnh chóng bình phục tai qua nạn khỏi. Do đó nhà chùa có lễ cầu an để giúp đỡ dân chúng về mặt tín ngưỡng trong hoàn cảnh mọi người đang bối rối để có thể được an tâm phần nào trong lúc điều trị cơn bệnh. Nếu chẳng ma trong gia quyến có người qua đời, thân nhân xót thương đau khổ có thể tìm đến chùa để mong được qúy sư làm lễ cầu nguyện chư Phật phù hộ cho người mãn phần được vãng sinh về cõi an lành.

Cầu an cầu siêu là đúng chánh pháp, thuận nhân qủa

Qúy sư đem chánh pháp giảng giải cho dân chúng được thấu rõ về lý nhân quả, về sự vô thường trên thế gian để nâng cao trình độ hiểu biết chánh pháp cho những người hữu duyên. Nhờ nhân lành này mà dân chúng được khai ngộ có được chánh kiến để trở về qui y Tam Bảo phát nguyện tu tâm dưỡng tính để hưởng được quả lành sau đó được an lạc và hạnh phúc. Tuy nhiên nhiều khi có những người ngoại đạo, ngoại đạo khoác màu áo của tu sĩ Phật giáo nhưng không có Phật Pháp họ chuyên làm nghề thợ tụng để lợi dụng kinh kệ,  lòng mê tín hay sự đau khổ trong hoàn cảnh bối rối của người khác để kiếm lợi dưỡng mưu sinh như vậy chẳng ích lợi gì cho chánh pháp và cũng chẳng ích lợi gì cho dân chúng. Tệ nạn này thực sự đáng nên bài trừ. Nhưng các buổi lễ cầu an, cầu siêu trong chùa hoàn toàn đúng với chánh pháp vì đã áp dụng luật nhân quả một cách khéo léo và được chư vị Tổ sư từ bi đặt ra để hướng dẫn dân chúng bước vào ngưỡng cửa từ bi của nhà Phật  nhằm truyền bá rộng rãi chánh pháp vào trong dân gian cũng như  đem lại sự bình an trong tâm hồn của mọi người đang sống trên thế gian đầy dẫy sự bất trắc này.

Sự tái sinh sau cái chết

Người và thú hoàn toàn khác nhau về hình tướng và nghiệp thức qua cái nhìn của thế gian nhưng qua con mắt trí tuệ của đạo Phật thì người hay thú cũng đều có thân tứ đại bao gồm đất, nước, gió, lửa như nhau và nhất là đều có Phật Tánh và có tâm thức. Sau khi hưởng hết phước báo và tạo nghiệp nhân chẳng lành thì con người lãnh nghiệp quả chẳng lành tương ứng và bị đọa vào ba đường khổ là địa ngục, ngạ qủy, súc sinh. Hoặc sau khi đền trả hết nghiệp báo ba đường khổ thì con người được trở về các cảnh giới thiên, nhơn, a tu la. Sự tái sanh theo luật nhân quả qua lại trong sáu cõi luân hồi như vậy trong kinh sách gọi là trầm luân sinh tử. Tu tập theo đạo Phật có mục đích cứu kính là giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi.

Nhân quả luôn vĩnh viễn, liên tục và tuần hoàn đây là một đạo lý chúng ta cần phải biết. Biết được nhân quả là liên tục và tiếp nối tuần hoàn thì trong mọi cảnh chúng ta tự nhiên sẽ hướng đến đoạn trừ các việc ác và tu tập các việc thiện. Vì chính mình tạo nhân thì tự gặt lấy quả và tất nhiên kết quả ai cũng muốn tốt đẹp như ước muốn. Do đó khi chúng ta gieo nhân thiện nhất định sẽ được quả thiện còn gieo nhân ác tất nhiên sẽ bị quả ác. Mặc dù đời này hay đời trước làm việc xấu thì chúng ta cũng cần phải nỗ lực chuyển đổi những hành động đó. Chúng ta không sửa đổi là do chính ta chưa tin và chưa hiểu sâu sắc về đạo lý nhân quả. Nếu như mỗi người có thể giữ gìn nguyên lý khi đó chúng ta sẽ có đủ năng lực chuyển đổi tất cả. Dù ác nghiệp có nặng đến đâu thì ta cũng có thể chuyển đổi được tất cả đều tùy ở năng lực quyết tâm và trí tuệ của mỗi người.

Loading...