Có thể ví đời sống tâm linh như là đứa con cùng cha khác mẹ của đời sống văn hoá. Đã từng có những nghiên cứu về tâm linh tín ngưỡng và mê tín ở nhiều cấp độ, đáng kể là gần đây ở Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu nhằm phân biệt giữa tín ngưỡng và mê tín dị đoan.
Song, đây là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm và ranh giới giữa chúng lại thật mong manh. Xét ở góc độ lịch sử xã hội của một quốc gia thì đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân ta thật phong phú, đa dạng và vẫn đang ngày càng phát triển. Ở đâu và bao giờ văn hóa tâm linh cũng là động lực của sự phát triển xã hội. Nói cách khác nó là cơ sở của niềm tin con người, là tiền đề của ý chí, tinh thần vượt lên gian khó trong cuộc sống của con người với một sức sống mãnh liệt.
Trong dòng chảy của văn hóa tinh thần lại có văn hóa tâm linh vốn song song tồn tại như một ngã rẽ của dòng sông cuộc đời. Và điều muốn nói là ngã rẽ dòng sông ấy hẳn không đi vào ngõ cụt mà có lẽ cũng chẳng ra với đại dương. Nó còn được ví như một thiếu nữ hay đúng hơn là một nàng công chúa thâm trầm, bí hiểm, kiêu sa và khó gần.
Khái niệm về tâm linh
Tâm linh là một thuật ngữ bao hàm về trí tuệ, ý thức, tinh thần, linh hồn của một sinh vật và cao hơn là con người. Ngoài ra tâm linh còn là những hiện tượng kỳ bí nằm ngoài phạm vi hiểu biết thông thường của con người như ngoại cảm, lên đồng, thôi miên hay chữa bệnh bằng tâm linh,… mà các nhà khoa học chưa khám phá, giải thích và chứng minh được.
Tâm linh còn là một loại hiện tượng tinh thần đặc trưng ở con người, biểu hiện ở một số người như là giác quan thứ sáu, có cơ sở là vết tích của logic trực giác xuất thần của loài động vật cấp thấp để lại trong quá trình phát triển thai người.
Tâm linh dưới góc nhìn Phật giáo
Chúng ta chỉ biết được thế giới trong chừng mực mà cấu trúc sinh vật và tâm lý của chúng ta cho phép. Tức là có một phần lớn của thế giới và vũ trụ nằm ngoài tầm nhận thức và nắm bắt của chúng ta.
Cũng có ý kiến phải chăng từ tâm linh có nguồn gốc ở các tôn giáo thần quyền, với truyền thuyết Thượng Đế tạo ra con người. Có tôn giáo cho rằng Thượng đế tạo ra con người đầu tiên rồi thổi hơi thở của Ngài vào đấy và hơi thở đó chính là linh hồn, là cái thiêng liêng, cái bất tử ở trong con người. Do đó theo tôn giáo thần quyền, thân người thì có sinh có diệt, có sống có chết nhưng linh hồn thì sống mãi bất tử vì là linh thiêng. Tâm linh cũng có thể được hiểu là chỉ cho cái gì cao cả nhất, sâu sắc nhất trong tâm người. Đó là hàm ý của từ tâm linh, hay linh thiêng.
Còn theo Phật giáo, con người được hình thành từ năm uẩn. Con người là chủ nhân ông của nghiệp, là người thừa tự nghiệp. Do đó không có linh hồn bất tử mà tùy theo nghiệp nhân, nghiệp quả mà sau khi mạng chung được sinh vào đời sống này hoặc đời sống khác. Mục đích của đạo Phật là giới thiệu cho mọi chúng sinh về con đường đoạn trừ khổ đau, thành tựu giải thoát ở đời này và đời sau. Từ tâm linh theo Phật giáo được hiểu là cuộc hành trì nội tâm, là con đường trở về với tự thân tu tập tự thân chứng ngộ thành tựu Niết bàn.
Con người hiện đại và nhu cầu của cuộc sống tâm linh
Có nhiều quan điểm phê phán con người hiện đại nói chung, các quan điểm ấy cho rằng con người hiện đại là con người đầy mâu thuẫn.
- Mâu thuẫn thứ nhất do kinh tế phát triển để con người có thể trở thành giàu có. Thế nhưng đời sống nội tâm ngày trở nên trống vắng dẫn đến sự đam mê dục lạc. Có thể nói con người hiện đại là con người hưởng thụ.
- Mâu thuẫn thứ hai là xu hướng máy móc làm việc thay người. Con người biến thành một cái máy và bị chi phối bởi những dục vọng thấp hèn.
- Mâu thuẫn thứ ba là biết nhiều thứ, nhưng cái cần thiết thì lại không biết. Con người hiện đại không biết chung sống hòa bình, không biết tôn trọng những tín ngưỡng khác mình và không chấp nhận những phong tục tập quán khác với phong tục tập quán của mình.
Mặt khác có quan điểm cho rằng con người hiện đại hôm nay cần thực nghiệm những giá trị tâm linh của đạo Phật để giữ vững phẩm chất nhân bản để không bị tha hóa, nhất là thăng chứng nội tâm và thiết lập một đời sống hạnh phúc thật sự.
Tự khám phá con đường tâm linh cho chính mình
Mỗi người phải tự phám phá con đường tâm linh cho chính mình. Chúng ta có thể chia sẻ với nhau những kinh nghiệm về cách sống, và làm thế nào để hoàn thiện chính mình. Mỗi người chúng ta thực sự cần phải suy ngẫm về việc phát triển tâm linh của chính mình.
Chúng ta có thể cố công tìm kiếm tâm linh thông qua kinh sách hoặc những đạo lý minh triết từ các vị Phật hay thông qua những kinh nghiệm đau thương từ cuộc đời lầm lạc do chính mình tạo ra và thọ nhận. Được đau khổ là một trải nghiệm giúp chúng ta hiểu biết và tìm cách giải thoát nó. Điều đó sẽ giúp ta thay đổi quan niệm của mình. Và cuối cùng điều đó sẽ cho ta những ý thức mới, những chứng nghiệm đẹp đẽ mới.
Cuộc sống nơi trần thế sẽ cho ta những bài học để rút ra quyết định mới của mình. Rằng chúng ta nên tiếp tục chạy đua theo những tiếng gọi của danh lợi, sắc tài thuộc về hữu vi tướng hay là quay trở lại con đường chân lạc của vô vi. Trần gian là nơi có một nửa hạnh phúc nhưng cũng vừa có một nửa đau thương. Giữa thiện và ác hay giữa con đường thênh thang cho ta về miền thượng giới hoặc dẫn ta xuống những cõi tối tăm, tất cả đều do ta quyết định.
Từ quá khứ đến nay thỉnh thoảng các vị Phật xuất hiện để nhắc lại cho chúng ta nhớ về đức tánh thiêng liêng còn ẩn chứa trong bản thể mỗi người. Khi chúng ta đã thực sự vong bản, làm kẻ lưu lạc tha hương và chịu đựng nhiều đắng cay khổ nhọc thì đó là lúc các Ngài nhắc lại cho chúng ta hãy trở về cố xứ. Cố xứ thực sự không hề có không gian và thời gian. Đây là điểm mấu chốt của sự giác ngộ chân tánh bên trong.
Sự cố chấp của tâm là một trở ngại lớn nhất cho việc tiêu trừ bản ngã và thăng hoa tâm linh. Điều đó khiến cho chúng ta luôn nặng nề trong luân hồi các cõi. Tham muốn và luyến ái càng nhiều thì ngày càng khổ lụy. Đây là bài học thường xuyên nhưng đầy khó khăn đối với chúng ta.
Chúng ta chấp nhận khổ đau như là định mệnh nhưng không hiểu rằng sự cố chấp tạo ra nghiệp lực và chính điều đó làm mình khổ đau. Chúng ta thường có thể hy sinh thân mạng nhưng không thể buông bỏ bản ngã ích kỷ của mình. Bản ngã cá nhân như là sự độc lập sinh tồn của mỗi chúng sinh nhưng chính nó lại là sự tách biệt ngày càng xa với pháp giới vạn hữu.
Tuy con đường tâm linh từ xưa đến nay chỉ có những bậc thượng căn, thượng trí mới bước đi. Bản thân chúng ta thường cho tâm linh là những gì xa xỉ chỉ dành cho số ít. Nhưng ngày nay việc mở lối tâm linh lại trở nên vô cùng cấp thiết đối với mỗi người. Nhất là phải mở lối tâm linh ngay trong cái xã hội luôn đề cao tôn vinh bản ngã.
Chuyện theo tâm linh không phải là phong trào hợp mốt, hợp thời thượng. Có thể thấy bất cứ sự chạy theo trào lưu nào cũng chỉ là bề mặt cạn cợt còn tâm linh thực sự phải là giác ngộ. Người theo tâm linh thực sự phải là người giải thoát khỏi muộn phiền, khỏi buồn khổ và ngày càng tự do để sống an nhiên tự tại.
Tâm linh từ lâu là một vấn đề không mới và là một chuyện mà người ta rất ngại đề cập đến bởi nếu nói không phù hợp thì chính nó động chạm đến cõi sâu trong tâm thức mỗi con người và người ta sợ bị chính những thế lực từ tâm linh trừng phạt. Đó cũng là lí do khiến địa hạt tâm linh đang trở nên ngày càng huyền ảo, khó hiểu.
Con người thông minh hơn muôn loài làm được tất cả mọi thứ nhưng tất cả đều không bằng một phần nhỏ những năng lực mà Thượng Đế đã tạo ra ban tặng mỗi loài. Bởi vậy trên thực tế con người đã phá đi cái hoàn hảo để làm ra cái không hoàn hảo. Nhưng đức tin của con người là chỗ dựa tâm linh cho những điều không thể giải thích. Nhờ vậy mới mong giữ lại được những giá trị tuyệt đối trong chính đời sống của mình mà phát triển hài hòa với thế giới.