Cuộc sống của chúng ta hằng ngày lúc nào cũng phải tiếp xúc với hai sự khen chê. Ta phải lắng nghe lời khen hay tiếng chê để biết mà sửa mình. Ai khen đúng thì ta cố gắng tiếp thu và thay đổi còn nếu khen sai ta phải dè dặt, coi chừng nhưng phải bình tĩnh thì chúng ta mới sáng suốt để nhận thức được tiếng khen đó nhằm vào mục đích gì. Trong cuộc sống hàng ngày người con Phật luôn tâm niệm phải tạo ra phước báo để vun trồng công đức cho bản thân và gia đình. Có rất nhiều việc tạo ra phước báo mà không cần bỏ ra của cải hay là công sức. Đó là chánh niệm trong lời nói phát ngôn của mình và là một trong những pháp môn tu tập cần thiết và căn bản nhất. Ai cũng biết lời nói có khả năng thật kỳ diệu nhưng chính nó cũng là cội nguồn tạo ra chia rẽ, bất hòa và khổ đau. Nhất là sự khen chê ở đời với vô vàn dụng ý khác nhau dễ làm chao đảo lòng người. Sự khen chê không chỉ làm khuynh đảo một người mà có khi khiến gia đình, dòng họ và cả dân tộc cũng bị chi phối theo. Người con Phật cần phải luôn tỉnh giác trước mọi lời khen chê của thế gian và cẩn trọng với phát ngôn khen chê của riêng mình. Ai khen chê một cách thành thật, đúng đắn thì được phước vô lượng. Ngược lại nếu khen chê không thành thật, không đúng đắn thì tự mình chịu tội vô lượng.

Khen chê dưới cái nhìn Phật giáo

Với lời khen chân chính thường được xem là niềm khích lệ lớn lao. Cũng là công nhận những giá trị tốt đẹp của người nào đó. Điều này sẽ nuôi dưỡng những hạt giống tốt. Để hiến tặng hạnh phúc trong mối liên hệ gia đình, cộng đồng và xã hội. Khi công nhận những giá trị đóng góp thiết thực đến từ một người hay nhiều người, dù thân hay lạ là mình đã có cơ duyên được tiếp cận học hỏi và thừa hưởng niềm hạnh phúc này. Đây là một nếp sống có chánh niệm vì biết tiếp xúc với những giá trị hạnh phúc quanh mình. Khi Đức Phật đi giáo hóa thì bị nhiều người mắng chửi, khen chê đủ điều, bị vu oan hủy nhục đủ thứ nhưng Ngài vẫn bình thản, an nhiên, tự tại trước những cơn gió độc để chứng minh với đời mình đã thoát khỏi mọi sự ràng buộc của thế gian. Chính vì vậy trước khi nhập diệt Ngài đã báo cho bốn chúng trời người biết rõ thời gian thị tịch của mình hơn ba tháng. Cho nên, tùy theo sự dụng công tu hành của mọi người mà có các thứ ma khác nhau đến để nhiễu loạn quấy rối làm hại ta. Do đó, khi ta muốn giúp mọi người thì ta cần phải bình tĩnh, sáng suốt dùng cây cung thiền định và lưỡi kiếm trí tuệ để quét sạch mọi yêu tinh ma mị mà vượt qua cạm bẫy cuộc đời. Người tu hành đầu tiên dễ bị ma danh vọng làm nhiễu loạn, kế đến ma lợi dưỡng và sau đó là ma sắc dục. Hai loại ma danh vọng và lợi dưỡng dễ chi phối người tu hành có nghĩa là được tiếng khen và được lợi lộc. Hai ngọn gió này dần dần làm ta mờ mắt, cho đến khi ta hết thấy đường thì chúng xỏ mũi ta đi một cách nhẹ nhàng. Phật giáo dạy con người hãy từng bước vượt qua sự cám dỗ của cuộc đời, muốn vậy ta phải nhận ra tính biết sáng suốt và hằng sống được với tính biết đó. Có như vậy thì những phiền não từ vô thủy kiếp đến nay mới có thể dần được chuyển hóa và tan hòa vào hư không. Mỗi người phải biết rằng chúng ta sống một đời sống có chánh niệm, là sống có tình thương. Vì vậy khi khen, chỉ với mục đích duy nhất là nuôi dưỡng sự sống. Khi quở trách chỉ với mục đích duy nhất là xây dựng, bảo vệ, che chở, mà không làm tổn thương đến sự sống hay đến bất cứ ai.

Quá coi trọng khen chê dẫn đến khổ đau

Đứng về phương diện thế gian, một tiếng khen nhẹ nhàng đúng lúc cũng như một liều thuốc bổ giúp ta phục hồi sức khỏe nhanh chóng và làm ta cảm thấy hài lòng, mát dạ. Nhưng nếu lời khen đó không đúng sự thật chỉ là lời của kẻ nịnh bợ hay gian dối sẽ làm cho ta trở nên kiêu căng mà chuốc lấy khổ đau vì dễ dàng bị người lợi dụng làm chuyện xấu. Ta không nên khen để lấy lòng cấp trên hay khen để được lòng mọi người để rồi ác tâm mưu hại nhau. Khi thấy ai làm một việc ích lợi cho nhiều người thì ta hãy nên thành thật khen tặng để người đó ngày càng làm tốt hơn trong việc chia vui sớt khổ. Khi ta bị người đời khinh thường, coi rẻ, chê bai thì ta đã biết trước kia mình gieo nghiệp ác quá nhiều thay vì bị đày xuống địa ngục để trả quả khổ đau thì ngay đời này ta bị khinh chê nhiều nên tội nghiệp đời trước cũng phần nào được tiêu diệt theo thời gian. Khen đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng sẽ kích thích cho người đó thêm sự cố gắng mà làm tốt hơn. Trái lại việc khen chê không đúng lúc sẽ làm người đó tự ái mà có thể làm hại lại chính ta. Là người Phật tử chân chính ta phải sống có ý thức trong việc khen chê, phải làm sao cho phù hợp lòng người. Thường những người quản lý hay các nhà lãnh đạo giỏi thường sử dụng lời khen chê như một công cụ giao tiếp chủ đạo nhằm kích thích đối phương càng cố gắng phục vụ tốt hơn. Lời khen đúng như rót mật vào lòng nên ai mà không thích. Nó là liều thuốc bổ giúp con người hoàn thành tốt mọi công việc được giao. Tuy nhiên, cũng không thiếu những người quản lý, các nhà lãnh đạo có tiếng tăm khi tiếp xúc với kẻ dưới quyền họ chỉ phê phán, chê bai nhiều hơn khen ngợi. Họ ít quan tâm lắng nghe sự chia sẻ của người khác, do đó dễ đụng chạm tự ái mà sinh ra phiền muộn, khổ đau. Khen và chê là hai cặp thăng trầm trong việc đối nhân xử thế. Ai cũng cảm thấy hãnh diện khi được khen và cảm thấy buồn phiền khi bị chê. Những người hay khuyên nhủ, nhắc nhở ta và chê trách ta nếu xét đúng sự thật thì đó là thầy ta. Ta hãy nên biết ơn và cung kính học hỏi người đó. Những ai chê và khen không đúng sự thật tức là kẻ tiểu nhân và ta nên thận trọng họ.

Tâm an trước mọi khen chê ắt cuộc sống hạnh phúc

Đã là con người không ai muốn mình là trò hề, là con rối trong mắt người khác. Một lời chỉ trích không có gì để lên án nếu nó được góp ý với thái độ chân thành và không gian phù hợp. Nhưng vì cái tôi, cái ngã của chúng ta quá lớn nên khó chấp nhận lời góp ý từ người xung quanh. Nếu được khen hẳn nhiên chúng ta sẽ đón nhận với thái độ vui mừng tuy nhiên không phải lời khen nào cũng đúng và đáng để hãnh diện nếu nó không kèm theo một hành động cụ thể tương thích. Tâm lý chung của con người là thích được khen hơn là chê nhưng sống ở cõi ta bà này, làm sao ta có thể luôn luôn đúng vì thế nó phải có đúng có sai, có công bằng và thiếu công bằng, có khen ắt phải có chê. Nhưng chê thế nào và cách chê người khác ra sao đó là một điều khó. Khen chê cũng là một nghệ thuật. Người chê được ví von như một nghệ sĩ biểu diễn trong bóng đêm nhưng bắt buộc phải truyền tải được cái hồn cho khán giả. Người chê phải có một trải nghiệm sâu sắc, kiến thức uyên thâm, giao tiếp tốt, hiểu lòng người và đặc biệt phải có cái tâm thẳng. Có như vậy thì mới khen chê đúng đối tượng. Còn người bị phê phán giống như một người thợ mới vào nghề làm thế nào để chứng tỏ khả năng năng lực làm việc cũng như bản lĩnh trong mọi tình huống và để đón nhận tất cả những gì đang diễn ra bên ngoài với vô vàn những điều không như ý muốn. Nếu vừa bị chê mà chúng ta đã đỏ mặt tía tai là bản lãnh chúng ta còn thật kém cỏi. Những người bảo thủ và tự đại thường ít có khả năng chịu đựng được lời chê đây là một quan điểm đúng đắn ở mọi thời đại. Chê người khác đã là một việc khó nhưng có đủ bản lĩnh, tầm vóc để đón nhận lời chê còn khó hơn. Hãy bình tĩnh lắng nghe và đi vào chi tiết từng câu nói của người chê trong lúc ấy gần như tâm chúng ta bớt loạn và không thốt ra những lời vô nghĩa. Đừng để cảm xúc đưa mình tới suy nghĩ rằng mình đang bị lấn át hay cảm giác bị ức chế mà hãy tìm trong mỗi câu chỉ trích một điều đúng mà bản thân chúng ta cần thay đổi. Cho dù thế nào đi chăng nữa thì chúng ta cũng không nên lo lắng người khác đang nghĩ gì về chúng ta. Nếu cứ chăm chăm như vậy, chúng ta sẽ bị người khác kiểm soát xúc cảm và bị phụ thuộc vào lời nói cũng như hành động của họ. Hãy cố gắng từ bỏ những đánh giá bên ngoài chọn lọc thông tin cần thiết và tìm cho mình những người bạn chân thành vì chỉ có những người bạn chân thành mới cho ta sự tin cậy để ta lắng nghe và sửa đổi. Từ đó, chúng ta sẽ nhìn nhận và đánh giá mọi việc sẽ bớt quan tâm tới những đánh giá từ bên ngoài. Đừng bao biến mình thành kẻ bất cần không muốn nghe lời chỉ trích dù cho nó có giá trị thật sự. Cho dù là vô tình hay hữu ý mà chúng ta phải nghe những lời nhận xét thiếu căn nguyên thì cũng nhẹ nhàng bước qua nó và từ bỏ ý định đi tìm lý do tại sao như vậy. Khi tâm an thì tất cả mọi thứ đều an. Hãy nghĩ đến những gì viên mãn mà chúng ta đang có và hãy vui vì điều ấy. Ở đời này việc giữ một tâm thế bình ổn trước những lời khen chê hay những lời nhận xét gay gắt, hoặc những lời phê bình không hề đơn giản. Tất cả đều cần có thời gian và sự kiên trì, nhẫn nhịn và biết lắng nghe trong mọi tình huống của cuộc sống.

Khen và chê là hai tác động tương phản luôn luôn làm dao động nội tâm chúng ta, kích thích sự hưng phấn hay ức chế đem lại sự an lạc hay phiền não là tuỳ thuộc cả hai đối tượng trao và nhận. Trong lãnh vực giáo dục, khen thưởng và chê trách đều là hai lợi khí được sử dụng song song. Trước đây nền giáo dục Ðông Phương đặt nặng vấn đề trừng phạt chỉ trích trong khi nền giáo dục Tây Phương chú trọng sự tưởng thưởng khen ngợi. Cách vận dụng ấy là thuộc vào nền văn hoá, phong tục của mỗi phương vì vậy hậu quả cũng có phần sai biệt. Thiết nghĩ người khen ngợi hay chỉ trích chỉ mang lại kết quả tốt đẹp khi nào họ biết sử dụng hai lực tương phản này đúng lúc và áp dụng đúng tâm lý từng đối tượng phải thành thật trong tinh thần thiết tha xây dựng cầu tiến. Ngược lại một người khen chê thiếu trách nhiệm, thiếu khách quan và có dụng tâm không tốt thì chính bản thân người ấy hoàn toàn chịu trách nhiệm về hậu quả chẳng lành. Người được khen hay bị chê, dù ở trong trường hợp nào cũng phải dè dặt, xem xét và phán đoán một cách chính xác không nên có những phản ứng bồng bột nông nổi mới tránh được sự sai lầm. Tóm lại điềm tĩnh trước khen chê là thái độ của người hiền trí sáng suốt mà người con Phật cần nên tu tâm.

Loading...
Loading...