Kinh hành hay thiền hành là một pháp tu quan trọng, được ứng dụng rộng rãi, phổ cập cho hàng đệ tử Phật. Không phân biệt tông phái, trình độ, căn cơ, bất kỳ đối tượng nào cũng có thể hành trì và gặt hái được kết quả, lợi ích thiết thực. Mặc dù đại kinh niệm xứ không có ghi lại các chỉ dẫn chi tiết của Ðức Phật về pháp thiền hành nhưng có thể thấy Ngài đã dạy cho các vị đệ tử thực hành pháp nầy khi Ngài còn tại thế. Những hướng dẫn đó hẳn đã được các môn đệ của Ngài học, hành và truyền lại từ đời nầy sang đời khác. Hơn nữa, các thiền sư thời xưa hẳn phải thiết lập các công thức giảng dạy dựa vào sự thực tập của các ngài ấy. Ngày nay chúng ta đã được thừa hưởng một bộ các lời chỉ dẫn chi tiết về phương cách thực tập pháp thiền kinh hành.

Nguồn gốc việc đi kinh hành

Cuộc đời và giáo pháp của Đức Phật Sakyamuni được miêu tả trong nghệ thuật liên quan đến một hành vi đặc biệt quan trọng của ngài việc đi kinh hành ở đây là sự thể hiện về cơ thể học của Đức Phật trong tư thế bước đi. Nghệ thuật Phật giáo sớm nhất, khoảng thế kỷ thứ nhất trước CN  sau khi phát minh ra hình tượng Đức Phật nhân hình  đôi lúc đã mô tả một cách tượng trưng việc đi kinh hành của Đức Phật, tuy vậy lại hiếm khi thể hiện thực sự việc kinh hành và cũng chưa bao giờ cho thấy tư thế này là một hình ảnh chủ yếu trong thánh tượng, cũng rất hiếm thấy kể cả trong những phù điêu thuật lại cuộc đời ngài. Sáu năm sau khi Đức Sakyamuni sống đời một nhà khổ hạnh lang thang, ngài đạt sự Giác ngộ thành Phật giảng dạy suốt 45 năm và qua đời ở tuổi 80. Kinh sách nêu ra nhiều chi tiết đời ngài trong thời kì 51 năm này từ khi quy y cho đến khi nhập diệt tất cả đều nhấn mạnh đến việc kinh hành qua nhiều phương cách. Ngài đi hết thị trấn này đến thị trấn khác cùng với các đệ tử để giảng dạy giáo lý. Một số những sự kiện quan trọng trong đời ngài thường mang tính phép lạ đã xảy ra trong lúc ngài kinh hành. Chúng ta nhìn thấy nhiều hình tượng trong nghệ thuật như sự giáng xuống từ cõi trời Đế Thích việc chinh phục con voi ở Nalagiri, việc đệ trình của Rahula và nhiều sự kiện khác. Cuối cùng, không chỉ nhiều giai đoạn cuộc đời xảy ra trong khi Đức Phật kinh hành, mà trong chính những dấu chân của ngài cũng có thể tạo ra những phép lạ. Khi Sakyamuni giác ngộ tại Bodh Gaya, ngài đã có chọn lựa để đi vào niết bàn tức khắc hoặc chọn giảng dạy giáo Pháp trên trần gian. Thần Brahma đã khẩn cầu ngài hãy trỗi dậy, hỡi bậc anh hùng… xin hãy bước đi trên thế giới. Hỡi đấng Chí tôn, xin hãy rao giảng giáo Pháp. Như  vậy sự kinh hành có thể xem là một trong những đặc trưng của Đức Phật Sakyamuni và là hành vi trung tâm về nhiều phương diện đối với chính Phật giáo.

Đi kinh hành như thế nào cho đúng?

Kinh hành là đi vòng quanh điện Phật để niệm Phật. Đây cũng là một phương pháp rất tốt, vừa lợi ích cho sức khỏe cũng vừa lợi ích cho sự nhiếp tâm. Một buổi hành lễ muốn cho thân tâm được an lạc thoải mái thì ta phải khéo linh động, thay đổi động tác. Lạy nhiều thì mệt ngồi lâu thì bị tê chân, đứng lâu thì mỏi nên cần phải có đi. Ba động tác nầy cần phải thay đổi. Cho nên sau khi đại chúng ngồi niệm Phật thì phải đứng lên đi kinh hành. Thời gian lạy, ngồi và đi tất cả đều có phân chia thời gian thích hợp.  Điều ta nên nhớ  khi đi kinh hành đó là tai ta nghe tiếng nhạc niệm Phật thì miệng ta niệm nhỏ theo. Điều quan trọng nên chú ý là nghe, tiếng, và bước đi cả 3 đều phối hợp cho đều nhau. Tai ta nghe rõ ràng từng câu hiệu Phật. Tâm ta duyên theo tiếng và hòa nhập cùng với tiếng nhạc, tiếng đại chúng và tiếng của ta thành một. Nên nhớ là nương vào tiếng, chớ không phải dính kẹt vào tiếng. Như thế, thì tâm ta không phóng nghĩ  ra ngoài âm thanh niệm Phật. Khi nghĩ ta liền nhận diện nó rõ ràng. Muốn thực sự nhận rõ thì ta cần phải có chánh niệm. Đây là ngọn đuốc soi sáng qua mọi hành động và ý nghĩ của tâm ta. Chỉ cần nhận rõ vọng tưởng, tức thời vọng tưởng sẽ tan biến ngay. Vì bọn chúng không thật cho nên, lúc nào cũng phải có trí huệ soi sáng. Có thế thì chắc chắn sự tu hành của chúng ta sẽ đạt được kết quả tốt đẹp cao.

Ý nghĩa và lợi ích của việc đi kinh hành

Pháp môn tu khác nhau để chữa trị tám muôn bốn ngàn phiền não trần lao cho chúng sinh. Nhưng chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là giúp chúng ta được cứu cánh giải thoát. Pháp môn kinh hành niệm Phật cũng không ngoài mục tiêu này. Kinh hành không phải là đi nghêu ngao mà đó là một pháp tu mang ý nghĩa quan trọng. Tuy pháp kinh hành niệm Phật  xem có vẻ đơn giản, nhưng sự hành trì đúng pháp chỉ vài lần phải mang lại sự thay đổi tốt đẹp cho thân tâm. Tùy giai đoạn tu và trình độ tu chứng khác nhau của mỗi người mà có kết quả khác biệt. Thật vậy nương theo pháp kinh hành chư Phật và Bồ tát đều đắc đạo. Trong kinh Pháp Hoa Đức Phật dạy hành giả đi kinh hành đúng pháp phải phát sinh trí tuệ. Không phải đi suông, đi để mà đi thì muôn đời vẫn ở trong sinh tử luân hồi. Như bà già ăn mày đi theo Phật đi hoài vẫn giữ nguyên vị trí ăn mày của bà. Đức Phật Thích Ca đi kinh hành dưới cây Bồ đề, từng bước tư duy để quán sát pháp giới và ngài chứng được Như Lai huệ. Như vậy chúng ta hiểu được việc đi kinh hành của Như Lai nhằm mục tiêu tập trung tư tưởng, quán sát vũ trụ và đạt được trí tuệ siêu việt. Kinh hành nghĩa là đi một mình hoặc đi nhiều người, khoảng cách và bước đi đều đặn, liên tục như sợi dây xâu chuỗi. Niệm Phật là miệng xưng tán danh hiệu Phật và tâm tưởng nhớ đến ngài. Hằng ngày thường ghi nhớ những chuyện phiền muộn thế gian. Nay hành giả đi kinh hành niệm Phật để tưởng nhớ hình bóng giải thoát của Đức Phật và những lời dạy cao quý của ngài. Nhờ đó cảm thấy nhẹ nhàng, vui tươi quên đi những dục lạc trần gian và cao hơn nữa, phát sinh được sự hiểu biết chân thật về các pháp. Đi là một trong bốn oai nghi của Đức Phật dạy. Lúc mới tập đi kinh hành, hành giả cảm thấy bước đi ngượng ngập vì nhiều đời đã quen với bước đi của thế gian. Nay học đi theo Phật, nhẹ nhàng thanh thoát. Đức Phật trải qua vô lượng kiếp tu pháp này ngài có dáng đi nhẹ nhàng như mây bay nhưng không ai theo kịp. Như Vô Não cầm dao rượt theo hại Phật mà vẫn không đuổi kịp. Kinh hành theo bước đi của Như Lai trên lộ trình từ phát tâm tu đến thành Phật, thân tâm hành giả phải chuyển biến và thăng hoa theo từng bước chân đi. Mỗi bước đi của hành giả được quy định là bốn tấc. Bốn bước chân trái và bốn bước chân phải tròn một câu niệm Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật, nằm trong bốn tiếng mõ rơi đều nhau. Đây là quy tắc đầu tiên phải tuân thủ. Mỗi bước luôn cách nhau bốn tấc. Từ trước ta đi tự do bước dài bước ngắn không đều nên người lao chao, tâm hay bị giao động và làm máu lưu thông không đều  dễ sinh bệnh. Bước đi nào cũng bốn tấc sẽ tạo thế đi vững vàng. Đều khoảng cách và đều nhịp thì thân trở nên nhẹ nhàng hơi thở sẽ đều và nhịp tim cũng đều theo. Như vậy, hành giả điều chỉnh bước đi để điều chỉnh hơi thở vì bước đi ảnh hưởng đến hơi thở. Đi không đều hơi thở sẽ không đều dễ sinh bệnh  không tu được vì thán khí không thải ra hết, còn tích tụ trong buồng phổi lâu ngày dễ bị đau phổi.

Hành giả lấy pháp điều hòa hơi thở làm chính vì dễ kiểm soát nó. Sơ tâm tu hành giả dùng tâm kiểm tra bước đi. Nhờ đó không phóng túng theo trần duyên bên ngoài. Tâm hoàn toàn ký thác vào bước đi miệng niệm Phật tai nghe tiếng mõ mắt nhìn xuống, theo dõi khoảng cách của bước đi cho đều đặn. Và hơi thở cũng nhẹ nhàng  hòa theo nhịp của bước đi. Nói chung  sáu căn tập trung vào bước đi thì tâm không vướng bận tưởng nhớ trần duyên. Từng bước chân đi kinh hành niệm Phật hành giả đem Phật vào tâm, dùng gươm trí tuệ cắt đứt dây tham ái là cái phát xuất ra mọi tội lỗi, si mê. Vì vậy, hành giả càng hành trì pháp kinh hành niệm Phật thì thế giới Phật càng đến gần hơn và tri kiến Phật càng được khai mở. Từ đó hành giả nhận chân được con đường của Đức Phật đi thật là trong sáng và bất diệt. Hành giả đem cả thân mạng mà quy y Phật  nguyện làm những việc như ngài đã dạy phát tâm vô thượng, cầu đắc quả vị Chánh đẳng giác. Muốn phát tâm vô thượng phải bỏ tâm hẹp hòi tham chấp mở rộng tâm để thông được với tâm Phật. Hành giả sẽ dễ dàng khoan dung, tha thứ mọi ám hại, hay phỉ báng vô tình hoặc cố ý. Kinh hành là đi bộ, đi dạo hoặc tản bộ trong trạng thái thân tâm chánh niệm. Đi nhưng không nhằm mục đích đến mà đi để trở về. Trở về với chánh niệm đương tại, rũ bỏ những âu lo, sầu muộn của quá khứ đồng thời buông xả những dự định, toan tính cho tương lai. Kinh hành là đi trong thảnh thơi, an lạc với mỗi bước đi của mình. Nếu đi bộ mà không chánh niệm thì không phải kinh hành song vẫn thu được nhiều lợi ích cho sức khỏe. Ngày nay đi bộ trở thành một môn thể thao đại chúng, là liệu pháp tích cực và dễ thực hành nhất nhằm nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật nhất là những bệnh hiểm nghèo do đời sống hiện đại gây ra. Thực tập kinh hành đều đặn trong cuộc sống hàng ngày, ngoài việc phục hồi và nâng cao sức khỏe  còn tạo ra hiệu ứng phấn chấn tinh thần, tâm tư thanh thản, tĩnh lặng. Lợi ích thiết thực nhất của kinh hành là sự kham nhẫn, siêng năng  nhẫn nại đối với công việc, đặc biệt là tăng cường khả năng chịu đựng đối với áp lực ngày càng cao của cuộc sống hiện đại. Mặt khác, kinh hành giúp điều hòa cơ thể, bền bỉ và dẻo dai, tăng cường chức năng tuần hoàn, tiêu hóa v.v… Đặc biệt, kinh hành giúp ổn định tinh thần, dễ dàng duy trì chánh niệm, phát huy và tập trung định lực cao độ, làm cơ sở cho việc thành tựu trí tuệ, giải thoát.

Loading...

Với các lợi ích của kinh hành như lời Phật đã dạy, người Phật tử cần ứng dụng và thực tập kinh hành trong đời sống hàng ngày. Cuộc sống sẽ có ý nghĩa hơn nếu con người biết ứng dụng kinh hành để có được sự khỏe mạnh và an ổn tinh thần.

Loading...