Theo Wikipedia thì tín ngưỡng là một niềm tin có hệ thống mà con người tin vào để giải thích thế giới và để mang lại sự bình yên cho bản thân và mọi người. Tín ngưỡng còn là thể hiện giá trị của cuộc sống, ý nghĩa của cuộc sống bền vững và đôi khi được hiểu là tôn giáo.

Chủ nghĩa Mác- Lênin coi tín ngưỡng, tôn giáo là một loại hình thái ý thức xã hội phản ánh một cách hoang đường, hư ảo hiện thực khách quan.

Một số nhà thần học xem tín ngưỡng, tôn giáo là niềm tin vào cái thiêng, cái huyền bí, ở đó chứa đựng những yếu tố siêu nhiên, nó có một sức mạnh, một quyền lực to lớn có thể cứu giúp con người khỏi khổ đau và có được hạnh phúc và sự bình yên.

Lễ hội đền Hùng giỗ tổ Hùng Vương
UNESCO đã công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tại Việt Nam, vấn đề tín ngưỡng cũng có nhiều quan điểm khác nhau:

– Theo GS Đặng Nghiệm Vạn, thuật ngữ tín ngưỡng có thể có hai nghĩa. Khi nói đến tự do tín ngưỡng, người nước ngoài có thể hiểu đó là niềm tin nói chung (belief, lelieve, croyance) hay niềm tin tôn giáo (belief, believe, croyance riligieuse). Nếu hiểu tín ngưỡng là niềm tin thì có một phần ở ngoài tôn giáo, nếu hiểu là niềm tin tôn giáo (belief, believer theo nghĩa hẹp croyance riligieuse) thì tín ngưỡng chỉ là một bộ phận chủ yếu nhất cấu thành của tôn giáo.

Loading...

– Các học giả như Toan Ánh, Phan Kế Bính… xem tín ngưỡng là tín ngưỡng dân gian với các nghi lễ thờ cúng thể hiện qua lễ hội, tập quán, phong tục truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Chính cho rằng tín ngưỡng là niềm tin, sự trông cậy và yêu quý một thế lực siêu nhiên mà với tri thức con người và kinh nghiệm chưa đủ để giải thích và lý giải được.

– Trong từ điển Hán-Việt, Đào Duy Anh đã giải nghĩa: Tín ngưỡng là lòng ngưỡng mộ mê tín đối với một tôn giáo hay một chủ nghĩa nào đó.

Ngoài ra, còn có quan điểm cho rằng: “tín ngưỡng đồng nghĩa với tâm linh (niềm tin thiêng liêng) cũng có nghĩa tâm linh không phải là tôn giáo, tâm linh chỉ là khả năng dẫn tới tôn giáo”.

Phật giáo là tôn giáo lớn nhất Việt Nam
Phật giáo là tôn giáo có ảnh hưởng sâu rộng nhất ở Việt Nam

Hiện nay, Nhà nước ta cũng phân biệt rõ ràng giữa tín ngưỡng và tôn giáo. Điều này thể hiện ngay trong Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2004) có quy định như sau: Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thể hiện sự tôn thờ tổ tiên; tưởng niệm và tôn vinh những người có công với nước, với cộng đồng; thờ cúng thần, thánh, biểu tượng có tính truyền thống và các hoạt động tín ngưỡng dân gian khác tiêu biểu cho những giá trị tốt đẹp về lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.

Sự khác nhau giữa tín ngưỡng và tôn giáo

Có nhiều quan điểm khác nhau về tín ngưỡng và tôn giáo. Giữa tôn giáo và tín ngưỡng tuy có điểm giống nhau nhưng vẫn có những sự khác biệt, đó là:

Tôn giáo được hình thành, tồn tại trên cơ sở lý luận chặt chẽ và có tính hệ thống cao. Nghi lễ trong tôn giáo được thực hiện mang tính bắt buộc đối với tín đồ, được duy trì thường xuyên, cùng với những quy định khác. Còn tín ngưỡng được hình thành và tồn tại dựa trên cơ sở lý luận chưa chặt chẽ, thiếu tính hệ thống. Cho nên tín ngưỡng phần lớn mang tính dân gian, gần gũi với đời thường và phần nghi lễ được thể hiện đơn giản, không bắt buộc đối với người theo.

Ở tôn giáo, niềm tin được đặc biệt đề cao, có thể đó là đức tin, nó đòi hỏi có cách lý giải mang tính lôgic, hệ thống và được xây dựng trên cơ sở thế giới quan, nhân sinh quan, ý thức, tình cảm… Còn tín ngưỡng, niềm tin không trở thành đức tin mà niềm tin ấy mang tính huyễn hoặc, mờ ảo, không rõ ràng mà dựa vào sự cảm nhận của chủ thể tín ngưỡng. Nói cách khác, xét về mặt nào đó thì tín ngưỡng có nội hàm hẹp hơn tôn giáo, bởi vì tôn giáo nào cũng có tín ngưỡng, niềm tin, đức tin tôn giáo nhưng không phải mọi hình thức tín ngưỡng đều là tôn giáo.

Tôn giáo thường có một số yếu tố như: Đấng sáng tạo, kinh sách, giáo chủ, hệ thống giáo lý, tổ chức giáo hội rất điển hình, có quy mô lớn và theo một hệ thống chặt chẽ. Vì vậy, tôn giáo là một thực thể xã hội, nó có tác động lớn tới đời sống xã hội, còn tín ngưỡng thì thiếu các yếu tố này hoặc chỉ là sự thể hiện mờ nhạt, mang tính sơ khai.

Điểm tương đồng giữa tín ngưỡng và tôn giáo

– Tôn giáo và tín ngưỡng đều là sự thể hiện niềm tin, sự ngưỡng mộ của chủ thể con người vào một thực thể siêu nhiên nào đó như Thượng đế, Thần, Phật, Thánh… và đều bắt nguồn từ những nguyên nhân xã hội, nhận thức và tâm lý trong quá trình hình thành và tồn tại. Chủ thể của niềm tin trong tín ngưỡng và tôn giáo là một người, một nhóm người và có thể là một giai cấp trong xã hội.

– Bản chất của niềm tin trong tín ngưỡng và tôn giáo là khẳng định sự tồn tại và sự cứu giúp của thần thánh đối với con người. Cho nên, điều cốt lõi của tín ngưỡng và tôn giáo là niềm tin vào cái siêu thực, đấng thiêng liêng.

– Cả tín ngưỡng và tôn giáo là sự phản ánh hư ảo của ý thức xã hội về tồn tại xã hội, chịu sự quy định của các tồn tại xã hội, đều có chức năng bù đắp hư ảo, xoa dịu nỗi đau hiện thực của con người, hướng con người tới sự giải thoát về mặt tinh thần.

Tóm lại, khi đề cập đến sự tương đồng và khác nhau giữa tín ngưỡng với tôn giáo cũng cần làm rõ sự giống nhau và khác nhau giữa tín ngưỡng với mê tín, mê tín với mê tín dị đoan.

Loading...