Tín ngưỡng thờ Bà Thiên Hậu đã trở thành một dạng tín ngưỡng thờ Mẫu khá phổ biến tại đồng bằng Nam Bộ. Tục thờ này cùng với nhiều hoạt động văn hóa – nghệ thuật và các khía cạnh văn hóa vật thể gắn liền với nó đã sớm trở thành một “kho tàng” văn hóa dân gian, ở đây họ gìn giữ linh hồn của truyền thống,  cũng xem như là một kênh giáo dục đạo đức.

Nguồn gốc thờ bà Thiên Hậu

Ngày xưa, ở vùng Phước Kiến (Trung Quốc) có cô gái họ Lâm, tên Ngạc Nương có học được phép tiên. Một ngày nọ, cha cùng hai anh cô đi thuyền trên biển vàkhông may bị đắm. Ngồi ở nhà, Lâm nương xuất hồn ra biển cứu cha và anh nhưng mới cứu được một người anh thì Lâm nương bị đánh thức. Từ đó về sau cô được xem như là vị thần phú trợ người đi biển. Bà được nhà Mãn Thanh phong là Thiên Hậu Thánh mẫu. Bà Thiên Hậu theo chân người Hoa di dân tới ĐBSCL từ vài trăm năm nay. Lễ vía bà vào dịp 23, 24/3 âm lịch hàng năm.

Điều đáng chú ý là bà Thiên hậu có phép mầu trên sông biển. Đây là lý do giải thích tại sao cư dân Trà Vinh vốn dày đặc sông rạch lại tiếp giáp biển, tập trung thờThiên Hậu.

Thờ phụng

Bắt đầu từ Phúc Kiến, sự linh ứng của bà Thiên Hậu được lan truyền sang các tỉnh lân cận ven biển của Chiết Giang và Quảng Đông, phần eo biển Đài Loan và đến tất cả các khu vực ven biển của Trung Quốc đại lục. Với sự di cư của người Trung Quốc trong thế kỷ 19 và 20, sự thờ phụng tiếp tục lan truyền sang Đài Loan, Việt Nam, Nhật Bản và cả Đông Nam Á; bà Thiên Hậu cũng dược xem là thần bảo trợ của các vùng biển và những người nhập cư mới đến thường dựng lên ngôi đền cho Bà đầu tiên, cảm tạ ơn cho đến nơi an toàn. Ngày nay, sự thờ phụng Thiên Hậu cũng tìm thấy ở những nước khác có số dân đáng kể đến từ những khu vực này. Tổng cộng, có khoảng 1.500 ngôi đền Thiên Hậu ở 26 quốc gia trên thế giới .

Đặc trưng văn hóa tín ngưỡng Thiên Hậu 

Trong bất kì hoạt động lễ hội nào diễn ra ở các miếu Thiên Hậu, người Việt đều tham gia với tất cả lòng cung kính, nhiệt thành. Và vì thế, để phục vụ đông đảo các tín đồ người Hoa và người Việt, ở nhiều miếu Thiên Hậu người ta tổ chức tế lễ và hát tuồng bằng tiếng phổ thông – tiếng Việt (Võ Văn Hoàng 2009). Tại Tp. Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ, hiện tượng đi viếng chùa Bà Thiên Hậu tại Bình Dương những ngày đầu năm mới âm lịch đã trở thành một phong tục quan trọng trong năm. Trong những ngày ấy, số thiện nam tín nữ người Việt đến viếng chiếm đại đa số, mỗi ngày có đến hàng ngàn người, náo nhiệt hơn hẳn những cơ sở tín ngưỡng – tôn giáo của chính người Việt. Ở cộng đồng Khmer Nam Bộ vùng Vĩnh Châu và nhiều nơi khác ở bán đảo Cà Mau, người ta cung kính thờ Thiên Hậu tại gia đình cùng với tổ tiên mình (Trần Hồng Liên 2006). Trong các lễ hội gắn liền với miếu Thiên Hậu tại địa phương, người Khmer cũng tham gia nhiệt tình như người Hoa và người Việt.

Loading...

Vai trò của tín ngưỡng thờ Thiên Hậu

Tín ngưỡng thờ Thiên Hậu đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống của cộng đồng người Hoa ở Nam bộ, chính vì thế, miếu Thiên Hậu cũng được coi là “ngôi nhà chung” nên thường được xây dựng quy mô, trang trí công phu. Ở đó, quan niệm về thế giới quan, nhân sinh quan, về đạo đức cũng như lối sống của người Hoa được thể hiện sâu sắc, cũng cho thấy cách thức người Hoa bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời gian cộng cư, giao lưu, tiếp biến văn hóa với một số tộc người khác tại quê hương thứ hai.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử cộng cư với người Việt, tín ngưỡng thờ bà Thiên Hậu không những đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa – tâm linh trên quê hương thứ 2 của họ mà miếu Thiên Hậu và lễ hội ở đây còn là điểm đến của người Việt với lòng thành kính, chân thành có sự tương đồng, gần gũi về văn hóa; Hình thành nên sự giao thoa, tiếp biến văn hóa, làm nên tính cộng đồng Hoa Việt trong lịch sử khai mở đất phương Nam. Cùng với quá trình dung hợp văn hóa đa tộc người trong suốt ba trăm năm qua, tín ngưỡng Thiên Hậu dần dà hấp thụ các yếu tố văn hóa khác từ các cộng đồng Việt, Khmer, Chăm để làm giàu thêm phong tục của mình, đồng thời biến tục thờ Thiên Hậu thành một biểu tương giao lưu văn hóa sinh động tại Nam Bộ. Hiện tượng giao thoa văn hóa qua tục thờ Thiên Hậu có thể được xem là một mẫu hình của sự chung sống chan hòa và gắn bó các tộc người nhằm hướng tới sự phát triển mang tính bền vững tại vùng đất Nam Bộ Việt Nam.

Loading...