Xưa nay, mỗi dân tộc đều có một sắc thái văn hóa riêng, nhưng trong quá trình cộng cư sẽ có sự giao thoa văn hóa. Nhiều vấn đề về phong tục, tập quán hay tín ngưỡng cũng có nhiều sự tác động qua lại và chịu ảnh hưởng lẫn nhau. Điển hình như tục thờ ông Địa và thần Tài của người Việt hiện nay là xuất phát từ Trung Hoa hoặc ông Tà. Theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu, ông Tà có nguồn gốc từ tín ngưỡng của người Khmer và được người Việt thờ ở nhiều nơi. Đó là vị thần có tên Neak Ta, được quyền năng cai quản nhiều nơi hoặc một khu vực rộng lớn hơn nên bà con ai nấy đều tôn kính. Nhiều người khi đi ngang qua miếu thờ ông Tà đều dở nón, lột khăn, kính cẩn nghiêng mình.

Hình tượng ông Tà

Chính những viên đá hình tròn, nhẵn nhụi đặt trong miếu, trên gò đất cao hoặc bên cạnh gốc cây là biểu tượng cho ông Tà. Viên đá lớn tượng trưng như thần, còn những loại nhỏ hơn thì là ma quỷ theo hầu. Ông Tà thường được thờ trong miếu, hoặc hốc cây, hoặc phối thờ cùng với bàn thờ Thông Thiên, bàn thờ ông Ðịa… người ta tin rằng ông Tà thường “đi, về” trong hòn đá vào lúc khoảng nửa đêm, nhất là những đêm không có trăng, lúc đó hòn đá sẽ loé sáng trong nháy mắt, người nào rất may mắn mới được nhìn thấy những khoảnh khắc ấy.

Nghi thức thờ ông Tà

Việc thờ Ông Tà rất đa dạng, xuất phát từ tính cách bình dị, giản đơn của đời sống người dân nông nghiệp, khác hẳn việc thờ những vị thần khác miếu thờ sang trọng, trong sáng mang nét hài hòa,… Ông Tà được thờ ở khắp mọi nơi và chỉ sở hữu ngôi miễu nhỏ giữa bạt ngàn cây gáo, cây tre; dưới hai gốc cây Da có miễu thờ nhỏ trông rất sơ sài… Hình thức thờ này chứng tỏ ông là vị thần bình dị, gần gũi với tính cách của người dân nông nghiệp; ngày nay khi đời sống được nâng cao, một số nơi miễu thờ được xây cất khang trang.

Về lễ hội

Theo nghi thức truyền thống, lễ cúng ông Tà được kéo dài trong nhiều ngày, nhưng do điều kiện kinh tế, lao động sản xuất nên nghi thức cúng có phần đơn giản hơn, có nơi chỉ tổ chức cúng trong ngày. Chương trình chính của lễ hội là cầu an. Vào buổi tối, tất cả người dân trong Sróc tập trung tại miếu ông Tà để làm lễ cầu an. Lễ này mời bốn hoặc tám vị sư đến dự và tụng kinh chúc phúc. gồm các bước như: niệm Phật, ôn lại nguồn gốc của lễ hội, diễn văn (cáo lỗi và cảm ơn), báo cáo số tiền vận động và cũng như lễ vật của mà con người dâng cúng, đọc lời khấn cầu nguyện và tưởng nhớ công đức của Neak Tà và công đức cha mẹ, ông bà và cầu nguyện đến những người ra đi trước giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, không đau ốm bệnh tật, nhà nhà có cuộc sống vui khỏe, thanh bình và ấm no. Kế đến, là mời các vị sư sãi tụng kinh thuyết pháp. Sáng ngày hôm sau, tất cả người dân trong Sróc dâng những cái bánh trái đến các vị sư để các ngài giúp cho việc cầu siêu, hồi hướng nhớ đến vong linh của ông bà cha mẹ đã ra đi để họ nhận được những phần phước ấy, và xin lời chúc phù họ cho nhà nhà được hạnh phúc và vạn sự như ý. Lễ hội ông Tà là lễ hội giàu tính nhân văn, sáng tạo, thật sự là một sinh hoạt văn hoá dân gian, một nhu cầu cần thiết của đời sống tâm linh nhân dân. Bảo tồn cũng như phát huy là điều cần thiết nhằm gìn giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp,  phục vụ cho sự nghiệp xây dựng con người, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trước mắt và lâu dài.

Vật cúng ông Tà

Về mâm lễ cúng cũng không mang tính quy định, rườm rà, nhân dân cầu gì – vái gì cúng lễ vật ấy; khi đầu heo luộc, có lúc lại cặp cá lóc nướng trui và xị rượu, hay con gà đem luộc và rượu, cũng có thể là nải chuối, miếng bánh in; mâm lễ cúng bày trước sân, trong nhà, hoặc đem ra miễu đều được.

Loading...

Tục thờ ông Tà từ lâu trở nên quen thuộc với người dân, không chỉ phổ biến trong đồng bào dân tộc Khmer mà cả người Kinh cũng tổ chức thờ cúng. Dân gian có câu: “Ông Ðịa giữ nhà, ông Tà giữ ruộng”. Nếu ông Ðịa được coi như một gia thần và thường được thờ chung với Thần Tài ở trong nhà thì ông Tà trở thành thần bảo hộ cho những cánh đồng ruộng, được thờ phổ biến ngoài bờ sông, bờ ruộng. Ông Tà đối với người dân không chỉ là thần bảo hộ mà còn là vị thần phúc thần có thể chữa bệnh, xét xử, giải quyết tranh chấp.

Loading...