Một số lớn hình thức nghi lễ hay cúng tế được thiết trí bày biện trong chùa và ngay cả tư gia Phật tử vào dịp rằm tháng bảy. Vì lý do ấy mà có nhiều người cho rằng rằm tháng bảy âm lịch như ngày biểu thị hình thức thuần tín ngưỡng trong Phật giáo. Lễ nghi trong Phật giáo là bày tỏ lòng thành kính đối với các đấng thành kính. Họ là thầy tổ, là ông bà, cha mẹ và tất cả những người thân kẻ sơ đã qua đời. Hiến dâng lễ vật không cốt để cho người chết được hưởng mà chỉ để bày tỏ lòng kính mến, để nhớ ơn và để phát nguyện làm những điều tốt lành mà những người đi trước đã làm. Ðiều này chỉ là những biểu hiện tùy theo truyền thống và văn hóa của mỗi dân tộc có ảnh hưởng tư tưởng hiếu niệm trong Phật Giáo. Như thế hình thức này đã có nhưng có rất giản dị trong Phật Giáo Nguyên Thủy.

Nghi lễ là gì?

Nghi lễ thường được thể hiện qua sự ứng xử giao tiếp trong xã hội, trong tín ngưỡng hay trong sinh hoạt tôn giáo thông qua đời sống tâm linh, mang đậm sắc thái văn hóa dân tộc. Nghi lễ là một từ chung mang ý nghĩa qua sự tổ chức, thể hiện các khuôn mẫu giao tiếp đã được đặt ra của một hay nhiều người đối với một hay nhiều người khác và đối với một hay nhiều thần linh hoặc các đấng cao cả siêu nhiên.

Nghi lễ được hình thành từ rất sớm trong đời sống con người

Các nhà nghiên cứu xác định các nghi lễ xã hội vốn đã được thể hiện khởi đầu từ thời đại đồ đá mới cách đây khoảng 10.000 năm. Cách thực hiện nghi lễ rất chi tiết từ giao tế đến đối nhân xử thế và vô số nghi lễ kể cả nghi thức tôn giáo. Như vậy, nó đã có một lịch sử lâu dài, đa dạng phong phú và tạo nên một nền văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của từng dân tộc. Nghi lễ được thực hiện trong tín ngưỡng, tôn giáo thường gồm các bài tán, tụng, được phụ họa bằng các khí cụ âm nhạc như chuông, trống, đàn, kèn v.v… Đời nhà Chu đã sử dụng cách đánh chuông rộng rãi và 1.000 năm sau đó việc đúc đại hồng chung và xây dựng lầu chuông trở nên phổ biến. Như vậy, nghi lễ và khí cụ lễ nhạc đã phát triển rất sớm và được phổ biến rộng rãi ở các nước phương Đông. Trong thời đại ngày nay nền khoa học hiện đại càng phát triển và nhu cầu của con người về đời sống vật chất được nâng lên ở tầm cao cho nên đời sống đạo đức ở một bộ phận người dân bị suy giảm, nhiều lễ nghi ít được quan tâm, đôi khi lễ nghi bị thương mại hóa. Từ đó đã cho chúng ta thấy nếu đời sống vật chất và tâm linh mất đi sự cân bằng thì không ít hệ lụy được bộc phát như tệ nạn xã hội, bạo hành gia đình, bạo lực học đường v.v… đã và đang xảy ra ngày càng nhiều. Đây là một trong những thảm trạng làm cho nền đạo đức con người băng hoại. Trước thực trạng nầy, các nhà văn hóa xã hội, nhất là các tôn giáo đang nỗ lực đưa ra những giải pháp thích hợp nhằm để cân bằng giữa đời sống vật chất và đời sống tâm linh, góp phần cải thiện đạo đức xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

Nghi lễ làm cho đạo Phật thuần túy tín ngưỡng

Nghi lễ nếu được coi trọng thực hành thường xuyên và không có gì thêm nữa thì nó sẽ đưa đạo Phật trở thành tín ngưỡng thuần túy. Nghĩa là đạo Phật sẽ đánh mất phần cao siêu và giá trị là trí tuệ và giải thoát. Niềm tin vào thần thánh, cúng tế cầu nguyện là tín ngưỡng phổ thông. Nếu không có phần triết lý đạo học thì chắc chắn  đạo Phật sẽ đứng ngang hàng với các tín ngưỡng dân gian khác. Nghi lễ như vậy không còn là phương tiện nữa mà trở thành mục đích cứu cánh. Có nhiều người nhìn đạo Phật qua các khía cạnh tín ngưỡng và coi những người Phật tử là những người chuyên cầu trời khẩn Phật và những ông thầy tu chỉ biết quỳ gối lạy lục cầu xin. Tín ngưỡng dù là một loại hình văn hóa nhưng nó không biểu hiện sự giải thoát giác ngộ và thoát khổ được. Đạo Phật chỉ coi tín ngưỡng là bước đầu tiên mà thôi.  Do đó, nghi lễ dễ biến đạo Phật thành một loại tín ngưỡng thuần túy.

Nghi lễ Phật giáo là một pháp môn tu tập cũng có tác dụng chuyển hóa khổ đau, làm giảm áp lực của tham lam, sân hận, si mê. Mặt khác, đó là một phương tiện hoằng pháp lợi sanh rất có hiệu quả. Suốt gần 2.000 năm, đạo Phật có mặt trên đất Việt nghi lễ Phật giáo đã tạo thành những dấu ấn tín ngưỡng văn hóa cũng như xây dựng nền đạo đức và truyền thống văn hóa tâm linh của dân tộc Việt.

Loading...
Loading...