Đêm qua có em Phật tử nhắn tin hỏi tôi: “Thế nào là sự Trung Thành trong Phật Giáo?”

Tôi hỏi lại: “Nguyên nhân vì sao hỏi vậy hay chỉ hỏi chơi chơi?”

Em kể, mấy ngày được nghỉ, các em đi dự lễ Vu Lan ở một ngôi chùa lớn và được các anh chị Huynh trưởng bắt phải lập lời thề có đoạn: “…Nếu con không trung thành với Phật, đời đời phải rơi vào địa ngục; Nếu con không trung thành với Thầy (tức vị Thầy chùa đó) đời đời kiếp kiếp con phải đọa làm cầm thú…”

Em hỏi: “Đức Phật có dạy các đệ tử xuất gia và tại gia phải thề độc vậy ạ sư cô?”

Tôi bảo: “Ai bảo con vậy?” “Người Huynh trưởng bảo chúng con đây là LỆNH từ trên đưa xuống. Sư cô không tin cứ vào trang “…” đó mà xem. Chúng con còn phải viết lời bình luận THỀ ĐỘC cả vào bài viết trên trang đó nữa”.

Loading...

Tôi vốn không tin một chiều và thử vào hai trang đó xem thì đó là sự thật. Đọc những bình luận các em vì tin mà thề độc… Mặc dù là người mạnh mẽ nhưng tim mình thư thắt lại và cảm thấy khóe mắt cay cay… Vâng! Tôi đã khóc với những giọt nước mắt nuối tiếc cho sự cả tin. Sao các em toàn là người có tri thức lại có thể tin vào điều đó? Dù nơi ấy có nổi tiếng đến mấy, có đông đúc tín đồ ra sao, vị thầy ấy nói có hay như thế nào… thì các em cũng phải có trí tuệ của mình để nhận định đúng – sai chứ?

Các em có hiểu kiếp làm thú nó cực khổ thế nào không? Hãy nhìn một con trâu hoặc con bò, cả đời dùng sức kéo cày, lúc yếu lại bị người ta lôi ra đập đầu cắt tiết, xẻ thịt băm xương. Ai đã từng bị một con ve chó hoặc ve trâu chui vào người hút máu thì sẽ hiểu được cảnh cả hàng trăm con bọ ve lúc nhúc chui trên thân, rúc vào tai ngày đêm cắn và hút máu những con vật đó nó đau khổ như thế nào không?

Một đời làm cầm thú khổ gấp triệu triệu lần so với một đời làm người nghèo khổ. Sao các em lại có thể tin một cách mê mờ như vậy?

Em nói rằng: “Nếu không thề thì không được vì đó là quy định của sự trung thành. Và vị Huynh trưởng cũng đọc cả đoạn về Đức Phật bảo ai không tin Phật sẽ bị đầu vỡ ra 7 mảnh…”

Thật đáng thương cho các em và cũng thật đau lòng cho người có tâm địa mượn kinh Phật để ghép từ một chuyện này sang chuyện khác để nói sai ý Phật. Tôi liền giải thích cho em hiểu, trong tích truyện về Đức Phật có một câu chuyện như thế này:

Hôm đó có một vị ngoại đạo vì tâm đố kỵ với sự ảnh hưởng của Phật mà ông đến tranh luận với Phật và cho rằng ông ta mới là dòng dõi cao quý đáng được cung kính tôn thờ. Đức Phật phủ nhận rằng trên đời này không có dòng dõi nào được cho là cao quý và không có dòng dõi nào là hạ liệt. Cao quý hay hạ liệt tất cả phụ thuộc vào nhân cách, giới đức và trí tuệ của họ mà ra. Vị ngoại đạo đó vẫn không chịu và tiếp tục tranh cãi về dòng họ của mình là cao quý. Rồi Đức Phật lấy dẫn chứng từ đời cha, đời ông, đời ông cố… của vị đó cũng xuất thân và có những khuyết điểm như các dòng dõi khác thì chẳng có gì được gọi là cao quý. Khi Đức Phật dẫn chứng rõ ràng và chỉ dạy cho vị đó, dù vị đó biết rõ sự thật mà Phật nói là đúng nhưng vẫn cố chấp bảo thủ không công nhận.

Đức Phật hỏi lần thứ nhất, thứ 2 rồi thứ 3 rằng: “Ngươi có công nhận điều đó là đúng không? Nếu ngươi không công nhận sự thật ấy mà vẫn bảo thủ thì đầu ngươi sẽ vỡ thành 7 mảnh”. Vì sao Đức Phật nói câu đó 3 lần? Vì bên cạnh Ngài có những vị Thần luôn đi theo để học Pháp và bảo vệ Đức Phật. Đức Phật từ bi, nhưng những vị Thần họ làm theo lẽ phải. Khi Đức Phật hỏi như vậy vì Ngài thấy vị Thần kia khi chứng kiến cảnh ông ngoại đạo vừa mắc tội lăng nhục Đức Phật vừa nói những lời sai trái mà không chịu nhận sự thật khiến vị Thần kia nổi giận muốn đập đầu ông kia ra 7 mảnh. Đức Phật vì từ bi mà cho ông 3 cơ hội cũng là muốn cứu ổng. Lần thứ 3 thì ổng run sợ quỳ xuống nhận toàn bộ những lời Đức Phật nói là sự thật và xin sám hối được quy y và trở thành đệ tử của Đức Phật.

Nội dung câu chuyện là như vậy, chứ không bao giờ chúng ta tìm thấy một lời đe dọa nào rằng nếu ai không tin Tam Bảo sẽ bị đọa này đọa kia đâu. Tất cả những bài Kinh trong kinh Nikaya chưa bao giờ Phật bắt ai phải tin Ngài. Ngược lại, Ngài còn dạy các hàng đệ tử rằng: “Chớ có tin đó là chân lý dù ai nói đó là lời của Ta nói ra. Chớ có tin đó là chân lý dù là lời Thầy của mình nói ra…”.

Ngài luôn dạy chúng ta phải “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi.”

Dù có Quy y Tam Bảo thì hãy coi lại Pháp ấy có dạy chúng ta đi đến xa lìa khổ đau hay không? Vị Tăng ấy có phải là người nghiêm trì trong Giới luật không? Con đường vị ấy đi có đúng theo con đường Đức Phật đã dạy về GIỚI, ĐỊNH, TUỆ hay không? Chỉ 3 điểm này mới là cốt lõi của những gì Đức Phật dạy. Tại sao mọi người không nhớ? Còn nếu ai đi theo một luồng tư tưởng nào ngoài 3 điều trên và gắn cái mác Phật giáo thì thôi đó là NGHIỆP của họ.

Nhiều khi ngồi một mình tôi thường suy nghĩ: Đúng là chỉ có Trí Tuệ của Phật; Từ hơn 2500 năm trước Ngài đã thấu suốt được những vấn nạn trong Phật Pháp sẽ có những người mượn danh của Tam Bảo để nói này nói nọ. Đây mới là điều đáng sợ cho Nhân Quả của chính họ và cũng là điều đáng lo cho những Phật tử ít hiểu biết trong Chánh Pháp.

Hiện nay có một số tư tưởng cổ súy phong trào rằng: Phải BẢO VỆ GIÁO PHÁP, phải BẢO VỆ ĐẠO PHẬT… Thật sự chẳng có ai có thể “Bảo vệ” được Chánh Pháp của Ngài khi mà tâm chúng ta toàn Tham – Sân – Si. Ta còn chưa làm chủ được ta thì ta bảo vệ cái gì? Bản thân ta còn đang là nô lệ của ma sân giận phiền não thì ta có thể giúp được ai? Đừng tin những lời ngụy biện không căn cứ luôn dán kèm cái nhãn giả có 2 chữ “CHÁNH PHÁP”.

Mỗi một câu chuyện thời Phật còn tại thế là mỗi bài học cảnh tỉnh cho chúng ta thấy đâu mới là cốt lõi của Phật Giáo. Ví như câu chuyện: Hôm ấy có 2 vị Tỳ Kheo đi vào làng khất thực bị một nhóm ngoại đạo thách đố với việc để một cái bát trên cột gỗ bôi đầy mỡ và chửi bới: “Các ngươi là những kẻ ăn hại, không chịu làm mà giả bộ tu hành rồi chỉ biết xin ăn. Nếu có tài giỏi thực sự thì lấy cái bát trên cột kia xuống đi.” Hai vị vẫn nhẫn nhục bước đi. Nhóm ngoại đạo được đà chửi to, la ó: “Thầy các ngươi (chỉ Đức Phật) cũng chỉ là kẻ lừa gạt, cũng chỉ là kẻ…” Không kìm nén được trước những lời nhạo báng về Đức Phật một vị Tỳ Kheo quay lại dùng Thần thông bay lên lấy chiếc bát xuống trước sự kinh ngạc của dân chúng. Lúc đó tất cả đều trầm trồ khen ngợi và họ muốn gặp Đức Phật là người như thế nào mà đệ tử của Ngài tài năng như vậy? Khi mọi người đến đảnh lễ Phật và thuật lại sự việc, Đức Phật nghiêm nghị nói: “Từ nay, nếu ai thể hiện Thần thông để cảm phục người khác thì người đó không còn là đệ tử của Ta nữa.” Vị Tỳ Kheo quỳ xuống bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Nếu ai đó có mắng chửi hay đánh đập con thì con vẫn cam chịu nhẫn nhục. Nhưng họ chửi bới, vu khống và nhục mạ Thế Tôn thì làm sao con có thể để họ làm vậy cơ chứ?” (Lưu ý: Một vị tu hành có Thần thông nhưng chưa chứng đắc Thánh quả từ Tư Đà Hàm trở lên thì vị đó vẫn còn buồn giận.)

Đức Phật dạy: “Này con! Khi họ dùng những lời cay nghiệt để vu khống, để chửi bới, để nhục mạ Ta, Ta không hề buồn không hề giận thì sao con phải giận khi họ chửi Ta?… Khi họ chưa hiểu về Ta, chưa hiểu về các Pháp mà Ta đã chứng ngộ thì Ta sẽ dùng sự nhẫn nhục, sự từ bi chờ đợi nhân duyên để chỉ cho họ thấy đâu là Chân Lý, đâu là con đường để giúp họ tu hành thấy được các Pháp như chúng thực sự là…”

Qua bài Pháp ấy, mấy người ngoại đạo và nhiều người dân cảm nhận được sự từ bi và trí tuệ của Phật nên họ xin xuất gia tu tập theo Ngài, về sau họ đều chứng đắc được quả vị A La Hán.

Ngày nay, chúng ta kém phước duyên sinh vào thời Đức Phật đã nhập Niết Bàn quá xa, nhưng vẫn may Giáo Pháp của Phật vẫn còn hiển hiện ở thế gian; Vẫn còn nhiều những bậc Thánh Tăng hoặc những bậc Chân Tu để mình nương tựa và tu tập theo.

Những người Phật tử muốn tìm hiểu đâu là lời Phật dạy thì nên lưu ý; Kinh sách có thể tràn lan làm não loạn đôi khi người ta chẳng biết đâu mà lựa chọn, thì điều đầu tiên quý Phật tử nên nghiên cứu đọc kỹ bộ kinh Nikaya. Có người đa nghi hơn sẽ hỏi: “Lỡ họ cũng làm giả cả kinh Nikaya nữa thì sao?” Đúng vậy. Nhưng rất may là hiện nay trên thế giới còn nhiều chư Tăng thông thuộc Tam Tạng (Kinh, Luật, Luận). Còn một điểm quan trọng nữa là Đức Phật cũng đã để lại cho chúng ta một cái chìa khóa để mở vào kho tàng chân lý đó phải có 3 yếu tố; Giáo lý Đức Phật luôn dạy chúng ta về sự thật của thế gian là KHỔ; là VÔ THƯỜNG và VÔ NGÃ. Muốn thấy được rõ 3 bản chất trên thì phải thực hành: GIỚI, ĐỊNH và TUỆ – từng bước từng bước một, ngoài ra không còn con đường nào khác.

Chúc tất cả sẽ là những người Phật tử luôn đi theo đúng con đường Phật đi, đến điểm đến của Phật và các vị Thánh Tăng đã đến đó là Niết Bàn. =>Hãy dùng Trí Tuệ để Tin.

P/S: Người viết chỉ nói lên những sự thật cần chia sẻ cho những người cùng chung chí nguyện tu hành theo đúng tinh thần Phật đã dạy trong kinh Nikaya. Người viết không mang ý chỉ trích quan điểm của ai.

Qua bài này chỉ mong rằng: Người tu theo Phật thì học và hành theo đúng lời dạy của Phật ngay hiện tại đã an lạc và tu cho đến khi nào đoạn tận sinh tử luân hồi. Còn ai muốn tu để đọa địa ngục, để đời đời làm cầm thú… thì đó là NGHIỆP và NHÂN QUẢ của họ. Bởi vì, ngay lúc Phật còn tại thế cũng không thể độ được ông Đề Bà Đạt Đa, chỉ đến lúc sắp chết ổng mới hối hận thì đã muộn và ông cũng phải trả Ác Nghiệp rơi vào địa ngục, khi trái đất này hủy hoại vẫn chưa hết nghiệp báo. Có nghĩa rằng còn mấy triệu năm nữa Đức Bồ Tát Di Lặc ra đời và tu hành thành vị Phật Toàn Giác… thì tội ông vẫn chưa hết, và ngày đêm ông vẫn bị đày đọa tra tấn nơi địa ngục không được nghỉ một giây một phút.

Đức Phật đã rất từ bi cho ông nhiều cơ hội. Nhưng ác tâm che lấp đã khiến ông hết lần này đến lần khác hại Phật và chia rẽ Tăng đoàn… Một vết phỏng từ dầu hay lửa đã thấy rất đau rất khổ, nếu bị rớt vào địa ngục suốt ngày bị thiêu đốt thì chúng ta làm sao tả hết nỗi thống khổ ấy?

Ai đã nguyện sai thì nên quỳ trước tượng Phật mà nguyện lại như thế này: “Nguyện chư Phật và những vị chư Thiên chứng minh và gia hộ cho chúng con trên bước đường tu luôn được những bậc Thánh Tăng làm Thầy dẫn dắt, luôn gặp được những Thiện Tri Thức cùng giới hạnh, luôn tạo được nhiều phước lành để hỗ trợ cho chúng con trên con đường tu theo Phật. Xin cho con cùng tất cả chúng sinh, tinh tấn tu hành và nhanh có ngày đến được Niết Bàn như Phật”.

Mỗi lần nguyện nên nguyện những điều cao thượng, đừng để một ai mượn danh Phật rồi biến mình thành con rối của ma vương.

Vị Thầy nào dạy mình điều hay thì học hỏi, biết ơn nhưng phải dùng trí mà suy xét chọn lọc. Hãy: “Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp, lấy Từ Bi làm lẽ sống”. Chúc tất cả luôn an lạc và đầy trí tuệ.

Như Tịnh Giác

Loading...