Bài giảng của thầy Thích Trí Huệ cho sinh viên đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh mang tên Tri thức là sức mạnh. Kiến thức là những thứ học được từ sách vở, từ người thân, gia đình và bạn bè… Còn tri thức là những kiến thức được áp dụng vào thực tiến giúp ích cho bản thân, giúp ích cho cuộc sống. Cho nên những người biết sử dụng kiến thức mới được coi là có tri thức.
Trên trái đất này, con người là động vật có sức mạnh siêu việt nhất. Vì con người có trí tuệ và biết cách sử dụng trí tuệ để chinh phục thiên nhiên, qua đó mới kiểm soát được thế giới như hiện nay. Tri thức là nguồn sức mạnh trên mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống con người, đồng thời cũng là sức mạnh thúc đẩy sự phát triển của mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới. Nếu thiếu hụt tri thức, con người sẽ dễ dàng lâm vào những quyết định sai lầm, dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường. Thêm vào đó sự thiếu hụt sẽ khiến cho xã hội không thể phát triển, đất nước không thể vươn lên tầm cao mới để sánh vai cùng các cường quốc khác trong và ngòai khu vực – điều đó là một tổn thất vô cùng to lớn.
Đối với mỗi cá nhân, có tri thức cũng là một điều vô cùng quan trọng, tri thức giúp cho người đó thuận lợi trong công việc, đạt được thành công nhất định và được người khác tôn trọng. Một người khi có vốn hiểu biết sâu rộng về nhiều vấn đề trong cuộc sống sẽ tự tin trước mọi tình huống. Ngược lại, khi người đó không hề hiểu biết một chút gì, họ sẽ có cảm giác tự ti, lúng túng khi gặp khó khăn. Như vậy, tri thức đã khẳng định vai trò của nó một lần nữa, đó chính là nguồn gốc của sức mạnh, của sự tự tin trong mỗi con người.
Nhà quân sự vĩ đại nhất của lịch sử cổ đại Trung Quốc là Tôn Tử đã có một câu nói rất nổi tiếng: “Biết địch biết ta,trăm trận đánh,trăm trận thắng” để nói nên tầm quan trọng của tri thức. Lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta cũng viết tên nhiều anh hùng như Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Võ Nguyên Giáp,… là những người sử dụng tri thức để đánh bại kẻ địch với số lượng đông hơn, công nghệ tiên tiến hơn.
Nhận rõ sức mạnh lớn lao của tri thức, Lê-nin – vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp Vô sản đã khẳng định “Ai có tri thức thì người ấy có được sức mạnh!”. Mà muốn có tri thức thì phải “Học! Học nữa! Học mãi!”. Có như thế,chúng ta mới có thể biến Việt Nam thành một quốc gia giàu mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh để “Sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong mỏi.