Việt Nam là một dân tộc giàu tình cảm, trọng lễ nghĩa, sống hướng nội, thường giải quyết các vấn đề theo cảm tính hơn lý trí. Truyền thống “uống nước nhớ nguồn” là một trong những đức tính đáng trân trọng của dân tộc Việt.

Người Việt có khuynh hướng nhìn lại quá khứ và nuối tiếc dĩ vãng nhiều hơn hướng đến tương lai như người phương Tây. Vì thế người Việt thường lưu giữ mãi những tình cảm thương tiếc đối với ông bà cha mẹ quá cố. Tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt ra đời trên căn bản này và được đa số người Việt xem gần như một tôn giáo, gọi là đạo Thờ cúng Ông Bà.

Thắp hương thờ cúng
Thắp hương thờ cúng

Thờ cúng tổ tiên có từ khi nào?

Người ta không thể xác định được tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt bắt đầu xuất hiện từ lúc nào. Nhưng tục lệ này đã được duy trì và truyền đời trải qua nhiều thế hệ tiếp nối nhau. Tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt có thể xuất phát từ hai nguồn gốc: Tô-tem giáo và Nho giáo.

Tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt xuất phát từ ý muốn thực hiện lời dạy của Khổng Tử, lấy chữ “hiếu” làm đầu, nhưng lại bị biến hóa thành hủ tục rườm rà, phiền toái đánh mất đi sự giản dị và trong sáng của việc thể hiện chữ “hiếu”.

Khổng Tử
Khổng Tử

Khổng Tử viết: “Kính kỳ sở tôn, ái kỳ sở thân, sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn, hiếu chi giã”.

Loading...

Nghĩa là: Kính những người cha mẹ đã tôn trọng, yêu những người cha mẹ đã yêu mến, thờ cha mẹ lúc đã chết như khi đang còn sống, lúc mất rồi cũng như lúc còn sống, ấy là hiếu đến rất mực vậy (Trung dung).

Người Việt đã hiểu sai nghĩa câu ”Sự tự như sự sinh, sự vong như sự tồn” mà xem tổ tiên, ông bà cha mẹ như những người sống có thể xác vật lý thực sự, lại còn thần thánh hóa ông bà cha mẹ mình để mong cầu sự độ trì!

Khổng Giáo không nói xem người chết như người sống theo nghĩa đen, có nghĩa là họ cũng cần ăn, cần uống và cũng có nhu cầu sinh hoạt như người sống! Chữ “Thờ cha mẹ” trong Khổng Giáo chỉ có ý nghĩa: Yêu và Kính. Nếu chúng ta có yêu và kính cha mẹ chúng ta, từ đó chúng ta cũng sẽ phải yêu mến và tôn trọng những người cha mẹ chúng ta đã yêu mến và tôn trọng, cho dù cha mẹ chúng ta đã không còn hiện diện trên thế gian nữa. Đấy mới là ý nghĩa thực của “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”. Ấy mới thật sự là hiếu!

Bản tính người dân Việt vốn thật thà, chất phác, vì thế niềm tin của người Việt cũng đơn sơ và mộc mạc. Họ lưu giữ hình ảnh và ký ức của những người thân quá cố qua việc lập ra cái bàn thờ tổ tiên trong mỗi gia đình, vì họ tin rằng người sống và người chết đều có những nhu cầu sinh hoạt như nhau, người sống cần nhà ở, thì người chết cũng cần một nơi cho linh hồn nương náu. Bàn thờ tổ tiên chiếm ngự tại một nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà của mỗi gia đình người Việt và được người Việt xem như một nơi linh thiêng, không thể thiếu vắng trong gia đình, bàn thờ tổ tiên cũng là nơi để người sống duy trì mối liên lạc với những người thân quá cố.

Đối với người Việt, người chết vẫn được người sống dành cho những đặc quyền như khi còn sống. Vào những ngày lễ trọng đại trong năm như ngày đầu năm mới (Tết), ngày sinh, ngày mất (gọi là kỵ nhật), v.v. hoặc mỗi khi trong gia đình có những sự việc trọng đại, người Việt đều không quên việc thắp vài nén hương gọi là cho ấm bàn thờ tổ tiên. Như trong việc cưới xin, khi con dâu mới, hoặc con rể mới đến nhập gia, đều phải đến trước bàn thờ làm lễ Gia tiên để ra mắt tổ tiên. Lễ Gia tiên là một thủ tục bắt buộc phải có trong những đám cưới, gả của hầu hết những gia đình người Việt.

Cô dâu chú rể lễ gia tiên
Cô dâu chú rể lễ gia tiên

Ý nghĩa của việc thờ cúng tổ tiên

Tập tục thờ cúng tổ tiên thể hiện được tính nhân văn của dân tộc Việt, những người đã khuất không bị lãng quên trong tâm tưởng của những người còn lại, chứng tỏ dân tộc Việt là một dân tộc đặc biệt mang trong máu một thứ tình cảm không thể tìm thấy ở các dân tộc châu Âu.

Tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt cũng còn có mặt ưu là duy trì được tình thân trong quan hệ thân tộc. Những ngày lễ, ngày Tết hoặc ngày kỷ niệm một người thân qua đời, là những dịp để con cháu ở các nơi khác hội tụ lại, cùng nhau gặp gỡ hàn huyên để kết chặt mối thâm tình, đồng thời thăm nom an ủi ông bà cha mẹ, nếu như họ còn sống. Đây là một việc làm thiết thực và cao quý nhất trong việc thể hiện chữ hiếu của một dân tộc giàu tình cảm như người Việt.

Trong quan niệm dân gian Việt Nam, qua việc thờ cúng tổ tiên, giới vộ hình và giới hữu hình luôn luôn như có một sự liên lạc mật thiết. Sự thờ cúng chính là môi trường gặp gỡ của thế giới hữu hình và vũ trụ thần linh.

Đối với người Việt Nam cổ, chết chưa phải là hết, thể xác tuy chết đì nhưng linh hồn vẫn còn và vẫn hằng lui tới gia đình. Thể xác tiêu tan nhưng linh hồn bất diệt. Xem thêm: Linh hồn là gì? Có nên đi gọi hồn người chết không?

Thế nhưng, tục ta lại tin rằng dương sao âm vậy, người sống cần gì, sống làm sao thì người chết cũng như vậy và cũng có một cuộc “SỐNG” ở cõi âm như cuộc của người trên dương thế, nói khác đi, người chết cũng cần ăn, uống, tiêu pha, nhà ở như người sống.

Tin như vậy, việc cúng lễ là cần thiết, và việc thờ cúng tổ tiên không thể không có được. Tục ta lại còn tin rằng vong hồn người khuất thường luôn ngự trên bàn thờ để gần gũi con cháu, theo dõi con cháu trong công việc hàng ngày và giúp đỡ con cháu trong từng trường hợp cần thiết.

Sự tin tưởng vào vong hồn ông bà cha mẹ ngự trên ban thờ, có ảnh hưởng nhiều đến hành động của người sống. Nhiều người vì sợ vong hồn cha mẹ buồn đã tránh những hành vi xấu xa, và đôi khi định làm một công việc gì cũng suy tính kỹ lưỡng, xem công việc lúc sinh thời cha mẹ có chấp nhận hay không. Người ta sợ làm cho vong hồn cha mẹ phải tủi hổ qua hành động của mình và mang tội bất hiếu.

Tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt là một loại hình tín ngưỡng dân gian đậm tính nhân bản, tuy có mặt tích cực về phương diện đạo đức làm người và là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt, nhưng ngược lại cũng bộc lộ sự mê tín, huyễn hoặc, khi tin rằng tổ tiên đã chết có quyền lực che chở phù hộ cho con cháu. Tập tục này cũng gây nhiều khó khăn và hao phí tiền của, công sức của con cháu. Vì trong thực tế, trong một xã hội văn minh như hiện nay, ai ai cũng đều hiểu người chết không thể về ăn những mâm cỗ cúng của con cháu. Làm giỗ cũng có khi chỉ là để “trả nợ miệng” cho nhau và cũng để không bị miệng đời đàm tiếu cho rằng con cháu bất hiếu để cho ông bà tổ tiên phải đói lạnh!

Thực chất, thờ cúng tổ tiên không thể được xem là một tôn giáo, mà đây chỉ là một loại tín ngưỡng dân gian, bắt nguồn từ sự thể hiện tấm lòng hiếu thuận của con cháu đối với ông bà, cha mẹ tổ tiên đã khuất. Vì trong tôn giáo không có khái niệm quốc gia, không có biên giới trong sự hiện hữu và tồn tại của con người. Mục tiêu của tôn giáo là phần đời sau cái chết thuộc thể, tôn giáo hoạt động có tổ chức, có hệ thống chặt chẽ, có trường lớp đào tạo cơ bản, có nơi chốn riêng để thực hành các nghi thức thờ phụng. Tôn giáo hoạt động trên lĩnh vực tâm linh, lấy đức tin làm chính. Đối tượng thờ tự của mỗi tôn giáo đều khác biệt nhau. Xem thêm: Tín ngưỡng là gì? So sánh tín ngưỡng và tôn giáo?

Những người theo Thiên Chúa giáo, tuy không lập bàn thờ tổ tiên, nhưng không phải là không thờ cúng tố tiên. Những ngày giỗ chạp họ vẫn làm cỗ và cầu nguyện cho người thân đã khuất, và việc không có bàn thờ tổ tiên chỉ là việc chuyển đổi bàn thờ tổ tiên đến bàn thờ Chúa, như vậy nghĩa là vẫn có sự thờ cúng tổ tiên quanh bàn thờ Chúa. Kể từ nám 1968, họ được Tòa Thánh Vatican cho phép thiết lập bà thờ tố tiên như mọi gia đình Việt Nam khác.

Loading...