Theo thường lệ hằng năm hầu hết các nước có người theo đạo Phật đều long trọng tổ chức kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Ở Việt Nam thì ngày lễ Phật đản từ lâu đã trở thành lễ hội lớn của dân tộc, được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức một cách trang trọng. Một số người thường hay gọi ngày này là mùa Phật đản để có thể hoà chung niềm vui cùng mọi người trên khắp thế giới kính mừng ngày Đức Phật ra đời. Đây cũng là dịp để khích lệ truyền thống văn hoá Phật giáo đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nên được tổ chức long trọng và thu hút rất nhiều người tham gia kể cả những người không có tín ngưỡng Phật giáo.

Nguồn gốc lễ Phật đản

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thân là thái tử Tất Đạt Đa, dòng họ Cồ Đàm thuộc vương tộc Thích Ca. Ngài được cho là sinh vào ngày rằm tháng tư âm lịch năm 624 trước tây lịch tại vườn Lâm Tỳ Ni nơi này nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal. Chính vì thế mà lễ Phật đản được tổ chức hàng năm vào ngày rằm tháng tư. Theo Phật giáo ngày này là ngày kỷ niệm Đức Phật ra đời.

Những việc cần làm trong ngày lễ Phật đản

Lễ Phật đản được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức một cách trang trọng. Ngoài việc tổ chức buổi lễ chính vào đúng ngày Rằm tháng 4 thì giáo hội các tỉnh thành còn tổ chức xe hoa diễu dành trên các đường phố cũng như làm lễ phóng sinh hay thả hoa đăng trên sông, tổ chức văn nghệ chào mừng Phật đản, thuyết giảng Phật pháp, đèn lồng và cờ Phật giáo được treo khắp các chùa, làm lễ đài tổ chức và có hàng nghìn tăng, ni, phật tử tham dự. Vào ngày Phật Đản thì các Phật tử không sát sinh, giết gà, vịt và vào ngày này tất cả mọi người đều ăn chay và người bán hàng ở chợ cũng chỉ bán đồ chay. Ngoài ra, nhiều người còn thả chim hay thả cá tạo niềm vui và hiến dâng sự sống cho muôn loài. Tại các chùa các Phật tử thường dựng lên lễ đài lớn và trang trí các xe hoa. Tuy nhiên tất cả những việc này đều được thực hiện nhưng phải hạn chế để không gây tốn kém nhiều cũng như không phung phí đây vốn là đạo lý nhà Phật.

Ý nghĩa ngày lễ Phật đản

Đức Phật Thích Ca ra đời đã được tiên đoán là bậc vĩ nhân xuất chúng và ngài sẽ xuất gia tu đạo và trở thành người dẫn dắt chúng sinh khỏi những khổ nạn trong cuộc đời. Do đó mặc dù rất vui mừng vì Đức Phật đản sinh nhưng cha của ngài vua Tịnh Phạn cũng không khỏi băn khoăn lo lắng về ý nguyện xuất gia của Ngài và đã nuôi dưỡng Đức Phật bằng sự giáo dục hoàn mỹ với những hiển đạt về công danh và quyền thế nhằm hướng ngài thành người kế vị ngôi báu sau này. Tuy nhiên với ý chí cũng như sự kiên định hiếm có, Ngài đã từ bỏ giàu sang, quyền lực và phú quý để quyết tâm tìm đường cầu đạo. Và sau rất nhiều gian khổ thì Ngài đã thành công, chứng đắc được quả Bồ đề tìm ra chân lý diệu  kỳ của lẽ sống cái chết và bắt đầu con đường giáo hóa chúng sinh của mình cho đến khi nhập diệt vào năm 80 tuổi. Ngày lễ Phật đản đã trở thành một ngày lễ quan trọng của giới Phật tử đây không chỉ như một việc làm tri ân công đức của Đức Bổn sư Như Lai mà còn nhắc nhở mỗi chúng sinh luôn hướng về những giá trị tốt đẹp của cuộc sống cũng như xây dựng một xã hội hoà bình, hạnh phúc, an lạc đúng như ý nguyện lúc đản sinh của Đức Phật để khắp nhân gian đều an bình, hòa hợp trong chính pháp của Đức Như Lai.

Những năm gần đây, ngày Phật Đản được coi là một ngày lễ hội quan trọng thu hút sự tham gia không chỉ của Phật tử mà còn là của người dân trên mọi miền của Việt Nam. Ngày này cũng nhận nhiều sự quan tâm của chính quyền trên thực tế mọi buổi lễ phật đản chung của các huyện đều có sự tham gia của chủ tịch huyện và các chuyến thăm của chủ tịch mặt trận đã có sự hỗ trợ kinh phí trong công tác tổ chức Phật đản.

Loading...
Loading...