Mặc dù khác nhau về ngôn ngữ nhưng mỗi dân tộc đều phải học và hiểu như nhau về triết lý cao siêu của Đức Phật. Văn hoá nghệ thuật giữ một vai trò rất quan trọng trong tôn giáo nói chung và trong Phật giáo nói riêng. Đạo Phật suốt chiều dài lịch sử từ khi du nhập cho đến hôm nay đã phần nào khẳng định được điều đó thông qua rất nhiều tác phẩm nghệ thuật bao gồm nhiều khía cạnh như văn học, kiến trúc, chùa tháp, điêu khắc hội hoạ và âm nhạc nghi lễ. Lễ nhạc là điều rất quan trọng trong đời sống con người. Vì lẽ đời mà thiếu lễ, thì sẽ hỗn loạn còn thiếu nhạc, thì sẽ khô khan. Bởi vậy các tôn giáo có lễ nhạc cũng không ngoài mục đích này. Vì thế các tôn giáo luôn cần phải phát huy và duy trì lễ nhạc để gìn giữ nếp sống cao đẹp cho đời. Đạo Phật ngoài kho tàng triết lý sâu sắc ra, còn có âm nhạc, nghi lễ để ca ngợi công đức của chư Phật, Bồ-tát và đồng thời là một cách để diễn bày chân lý vô thường, vô ngã và dùng âm nhạc để thức tỉnh lòng người.

Lễ nhạc là gì?

Lễ nhạc Phật giáo là một trong những hình thức nghệ thuật trực tiếp gợi lên cảm xúc và dẫn đến sự đồng cảm. Lễ nhạc được phổ biến rộng rãi trong mọi lĩnh vực sinh hoạt của nhân loại. Âm nhạc không có sự ngăn cách giữa nhân và ngã. Âm nhạc được xem là một thứ ngôn ngữ chung của thế giới hữu tình. Trong Phật giáo, lễ nhạc là một trong sáu món cúng dường. Với âm điệu thiền vị, nhạc khúc du dương nó có tác dụng rất lớn đối với sự chuyển hoá nhân tâm.

Nguồn gốc của lễ nhạc Phật giáo

Tìm về nguồn gốc khởi thủy của lễ nhạc Phật giáo, thì nó được bắt nguồn từ Vệ đà . Đây là một thứ âm nhạc cổ đại trong văn hoá Ấn Độ. Đức Thế Tôn cũng thường dùng Dà Đà để làm phương tiện hoằng dương chánh pháp. Đồng thời Ngài cũng cho các Tỳ kheo chuyên chú vào việc đọc. Vì nhạc khúc du dương và giai điệu thanh tịnh có khả năng chuyển hoá lòng người và khiến cho vọng niệm tiêu tan, cho nên khi Phật còn tại thế sau những buổi thuyết pháp chư Thiên thường trỗi nhạc để cúng dường và ca ngợi công đức của tam bảo. Kể từ đó, âm nhạc đã trở thành một nghi thức không thể thiếu trong các pháp hội Phật giáo. Như vậy Phật giáo Việt Nam ở thời kỳ mới du nhập các vị Sư truyền giáo lấy âm nhạc nghi lễ làm phương tiện chính để truyền đạo. Điều này chúng ta có thể thấy được qua tín ngưỡng tứ pháp của Phật giáo Việt nam và nó vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Lời kinh tiếng kệ được diễn tấu thành những khúc nhạc du dương, lung linh như khói trầm giá trị của nó không chỉ dừng lại ở khía cạnh văn thơ, triết lý mà phần quan trọng đáng kể chính là đạo lực thanh tịnh của những người tu hành.

Lễ nhạc Phật giáo Việt Nam ngày nay

Lễ nhạc của Phật giáo Việt nam ngày nay về hình thức và nội dung đã thua kém so với ngày xưa

Âm nhạc của Phật giáo Việt nam ngày xưa đã đạt đến một trình độ thánh thiện, điều đó có thể tìm thấy qua những tư liệu của các vị Tổ để lại. Nhưng ta có thể thấy lễ nhạc của đạo Phật ngày nay về hình thức cũng như nội dung quả thật đã thua kém tiền nhân rất xa nó gần như không còn bộc lộ được nét sống tâm linh siêu việt như lễ nhạc cổ điển thuở trước. Vì lẽ tâm thức của Tăng sĩ trẻ ngày nay đã phần nào bị thế tục hoá, có thể thấy ngoại cảnh thì tác động quá nhiều mà định lực thì non kém chưa vững chãi. Hơn nữa Hán văn không còn được chú trọng, nên đọc thì có đọc mà hiểu thì không được bao nhiêu. Như vậy thì làm sao có thể thâm nhập chân lý ngay khi chúng ta xướng tụng. Chính vì thế mà vai trò của những người làm công tác nghi lễ ngày nay cần phải biết chuyển hoá như thế nào để vừa có thể duy trì lại truyền thống cao đẹp của Thầy Tổ xưa vừa có thể khế hợp với căn cơ của quần chúng ngày nay.

Loading...

Lễ nhạc cần phải được thiết lập một cách nghiêm chỉnh căn cứ trên truyền thống cũ

Giáo hội phải quan tâm nhiều hơn đến những người có kiến thức uyên thâm về lễ nhạc Phật giáo ở cả ba miền Bắc Trung Nam và phải tạo điều kiện thuận lợi để sưu tầm cũng như khai thác và phát huy cho bộ môn nhạc lễ ngày nay trở lại đúng vị trí của nó. Lễ nhạc cần phải được thiết lập một cách nghiêm chỉnh căn cứ trên truyền thống cũ. Những thanh âm cũng như điệu thức của Thiền gia phải được duy trì và sáng tạo. Việt hoá những văn bản chữ Hán để kết hợp với căn cơ người thời nay. Còn về nhạc cụ có thể phương tiện dùng bằng chất liệu ngày nay đồng thời phải có sự giao lưu giữa ba miền tạo điều kiện gặp gỡ thường xuyên giữa các nhà nghiên cứu có kiến thức uyên thâm và kinh nghiệm hành trì về lễ nhạc Phật giáo. Giáo hội cần phải thành lập một trường chuyên đề về âm nhạc Phật giáo hoặc có thể đưa lễ nhạc Phật giáo thành một môn học chính thức tại các trường Phật học để các Tăng Ni trẻ có điều kiện tiếp xúc hầu có những tư tưởng và cái nhìn đúng đắn về vị trí lễ nhạc trong Phật giáo cũng như phải đào tạo một đội ngũ kế thừa truyền thống quý báu mà Thầy Tổ đã dầy công xây dựng. Những buổi lễ truyền thống Phật giáo hay các buổi lễ tưởng niệm đều phải được sử dụng những nét nhạc cổ điển truyền thống và xướng dòng nhạc này nơi Điện Phật trong những buổi lễ truyền thống.

Ảnh hưởng của lễ nhạc đến văn hoá  Phật giáo

Nói đến âm nhạc Phật giáo là nói đến văn hoá của Phật giáo vì nó phản ánh được đời sống an lạc và giải thoát của Tăng sĩ. Hình thức trong âm nhạc của đạo Phật có thể nói lên được tinh thần thoát tục. Đã đến lúc Tăng Ni trẻ Phật giáo Việt nam  phải bảo tồn những di sản cao quý của Thầy tổ, chớ nên hời hợt và xem thường bảo vật của cha ông, đừng giống như một bác nông phu kém hiểu biết mà sử dụng một cái thúng cổ đựng lúa cho vịt ăn, trong khi đó những nhà bảo tồn di sản văn hoá thế giới đang ra sức tìm kiếm những cổ vật đó để lưu trữ và nghiên cứu tại các viện bảo tàng.

Các hình thức lễ nhạc Phật giáo

Xướng lễ 

Là lối giọng tính chất man mác, tha thiết nhịp điệu đồng độ và cuối mỗi câu đều giãn nhịp với nét giai điệu ngân nga. Nhất thiết cung kính, nhất tâm kính lễ thập phương pháp giới thường trụ Tam bảo là câu xướng lễ rất phổ biến. Về mặt cấu trúc thì xướng lễ là phần mở đầu cho giọng tụng nhưng không đệm mõ chỉ điểm chuông báo khi kết câu.

Tụng 

Là giọng đọc kinh dạng nói và hát có ngữ điệu, nhịp đồng độ, mỗi mõ tương ứng một chữ trong bài kinh. Giai điệu giọng tụng được phân bố trong một âm vực hẹp. Cứ hết một trường đoạn bài kinh lại điểm 1, 2 hay 3 tiếng chuông với những quy định chặt chẽ.

Thỉnh

Là dạng nói hát với tuyến giai điệu lên xuống liên tục như những đợt sóng xô trong một âm vực rộng. Thỉnh được mở đầu và kết thúc bằng những nét nhạc ngân nga tự do đặc trưng. Phần giữa giọng thỉnh có nhịp điệu hướng tới sự đồng độ kiểu giọng tụng, nhưng vẫn trên nguyên tắc tự do không xác định điểm nhấn chia đều. Mõ không đệm ở giữa nhưng được đổ dồn ở đoạn láy đuôi báo kết. Có 2 loại thỉnh. Thỉnh lối hơi phú tươi sáng. Bên cạnh đó còn có giọng thỉnh lối hơi ai  dùng trong đàn cúng chay. Thỉnh thường đi liền với giọng bạch như một dạng liên khúc.

Bạch 

Là dạng nói hát có ngữ khí nhịp điệu tương tự như giọng thỉnh, nhưng khác ở chỗ đường tuyến giai điệu nhẩn nha và bình ổn trong một âm vực hẹp. Có 2 loại bạch hơi phú và hơi ai. Bạch hơi phú được chia tách theo các câu văn. Cứ đọc câu 4 đến 6 từ thì nghỉ một, nếu câu 3 từ thì thêm hư từ í a ở cuối thay cho chữ thứ tư. Còn bạch hơi qi thì khác hẳn, giai điệu đi liền mạch kiểu như giọng thỉnh.

Tấu 

Là giọng thường dùng để đọc sớ, nhịp điệu nhẩn nha, giai điệu ngân nga, hòa nhã. Bên cạnh giọng Tấu phổ biến còn có loại Tấu trạng theo một âm điệu riêng.

Chú

Có thể coi là một lối tụng với quy định giọng đọc thầm thì nhịp điệu càng nhanh càng tốt. Các bài thần chú vốn được quan niệm là chỉ có Chư Phật mới hiểu và không bao giờ dịch nghĩa, giới nhà sư thường gọi là bí mật bất phiên. Chú là phần để người thực hành tâm tưởng đến chư Phật chứ không nhằm đọc cho người xung quanh nghe. Thế nên kỹ thuật niệm Chú, lưỡi thu vào không được để chạm lên hàm trên và hàm dưới miệng phải khép hờ tạo thành một xoang giọng nghe mờ ảo, huyền bí, như thể đọc trong miệng không cho chữ thoát ra cốt sao không để người khác nghe rõ. Mức độ cao nhất là lối mật chú. Khi đó nhà sư lẩm nhẩm tụng niệm chỉ nghĩ đến bài chú với tuyến giai điệu vận hành trong tâm tưởng, tuyệt đối không phát ra âm thanh.

Kệ 

Là lối giọng có nhịp điệu tự do, ngân nga ngâm ngợi trường hơi như lối hát kể. Trong âm nhạc Phật giáo thì kệ là giọng duy nhất dùng thể thơ 7 từ, còn tất cả các giọng khác đều dùng văn xuôi. Có 2 lối kệ là hơi phú và hơi ai. Trong các nghi thức, kệ thường dùng để mở đầu các giọng khác, có giá trị giống như phần vỉa trong chèo hay bỉ trong chầu văn hay quan họ. Nhưng khác với bỉ và vỉa mang nghĩa cấu trúc, kệ là một lối giọng có vị trí riêng với những trường hợp diễn xướng độc lập. Có dạng liên khúc kệ tụng. Nhưng phổ biến nhất là dạng kệ dùng để gối vào canh.

Canh

Là giọng có lối nhịp điệu chậm rãi, dàn trải hết mức. Canh dùng rất nhiều hư từ í, a, ê được kéo dài tối đa để phát triển đường tuyến giai điệu ngân nga đặc trưng. Lối canh sổng hay canh phú dùng cho nghi thức vui tươi hoặc cầu an. Canh thuộc loại nhịp một được coi là phần khó nhất trong tất cả các lối giọng của nhà chùa. Nói cách khác canh là đỉnh cao của nghệ thuật diễn xướng trong hệ thống âm nhạc Phật giáo. Như đã biết người ta gọi việc diễn xướng lối giọng này là tán canh chứ không gọi hát hay xướng canh. Về mặt cấu trúc thì canh chia làm nhiều phần, tương đương với trổ của làn điệu. Xen giữa các phần là một đoạn phân ngắt gọi là đận tương đương với lưu không. Đận là nơi các nhạc cụ đua chen trên nền nhịp điệu rập ràng của cả dàn nhạc.

Thán

Lối giọng bi ai thường dùng để hát bảnvăn tế cô hồn ở phần cuối lễ cúng trai đàn, giải oan hay đàn chay… để giúp vong linh gia tiên và chúng sinh cô hồn được hưởng vật phẩm cúng tế. Giọng thán có nhịp điệu tự do như ngâm ngợi, cuối mỗi trổ, bao giờ cũng có phần láy đuôi đặc trưng dạng điệp khúc. Khi diễn xướng giọng thán, các câu thơ trong trổ thường được các nhà sư hay thầy cúng thay nhau đọc nối tiếp kiểu quăng bắt tung hứng tương tự như tán canh. Nhưng khác ở chỗ thán diễn xướng đơn ca lần lượt chứ không đồng ca như kệ và canh. Đây là phần âm nhạc gây ấn tượng mạnh. Với âm điệu bi thiết của thán, nội dung bản văn tế cô hồn khiến đám đông tham dự không thể không liên tưởng đến những người thân đã khuất trong gia tộc.

Âm nhạc Phật giáo sẽ phần nào phản ảnh của đời sống an lạc, giản dị của một tâm hồn giải thoát, thanh khiết. Nội tâm thì bình tĩnh, ngoại cảnh thì trang nghiêm, nền âm nhạc Phật giáo đã thấm nhuần tinh thần thoát tục không hệ lụy ư phiền. Âm nhạc Phật giáo có bước chuyển biến mới trong những thập niên đầu của thế kỷ hai mươi, khi nền âm nhạc Tây phương thâm nhập và tác động vào nền âm nhạc truyền thống của các nước Á châu. Ở trong một bối cảnh mới, âm nhạc Phật giáo đã bước ra khỏi nhạc lễ truyền thống được sử dụng chủ yếu trong các khoá lễ và một vài lễ hội để phổ cập sâu rộng đến với quần chúng qua hình thức tân nhạc. Với hệ thống thang âm bảy nốt và sử dụng những nhạc cụ có xuất xứ từ Tây phương,  nhạc Phật giáo về hình thức không khác gì mấy so với âm nhạc thế gian, chỉ khác về ca từ và nội dung chuyển tải.

Loading...