Cái sức mạnh được truyền trao trong lễ khai tâm chỉ có hiệu lực trong lĩnh vực tâm linh, và chúng ta không được lợi dụng nó cho những mục đích tư riêng. Lễ Khai tâm như một hình thức tâm linh đầu tiên giúp cho trẻ tự tin hơn, thành kính hơn, nghiêm túc và có trách nhiệm hơn với việc học.

Khai tâm là gì?

Khai tâm là dạy cho đứa trẻ mở cái tâm cho thông, có giữ được cái tâm thông thì trực giác mới sáng suốt và mới có thể nhìn ra lẽ phải trái của sự vật. Nếu để cho tư dục dấy lên hay tình cảm phóng túng thì chắc chắn cái tâm sẽ bị loạn, dù mắt thấy tai nghe cũng không hiểu.

Lễ Khai tâm cho trẻ là một phong tục văn hóa truyền thống của người Việt

Thời xưa, các cụ thường quan niệm rằng đường học tập là con đường lập nên công danh, sự nghiệp cho nên phải được quan tâm ngay từ thuở thiếu thời. Xuất  phát từ đó, gia đình nào có con trai đến tuổi đi học cũng đều được làm lễ Khai tâm trước khi đến trường.  Lễ Khai tâm cho trẻ chuẩn bị bước vào con đường học tập được tiến hành hết sức trang trọng. Nghi lễ Khai tâm được cả gia đình, họ mạc chuẩn bị kỹ từ trong năm và được tiến hành vào dịp đầu xuân.

Ý nghĩa của lễ Khai tâm

Từ những thời xa xưa nhất, Khai tâm là buổi lễ chiếm vị trí then chốt nhất trong các nghi lễ. Từ những ngày đầu của nhân loại, lễ Khai tâm có sức mạnh thôi thúc và chuyển hóa giúp con người học hỏi và thể nghiệm thực tại ở những cấp độ cao hơn. Nó nâng thành viên thanh thiếu niên trong một bộ lạc hay một bộ tộc lên địa vị bình đẳng với các thành viên trưởng thành khác và được mọi người thừa nhận. Nó hướng dẩn các vị giáo chủ, tù trưởng, hay các nhà vua tương lai về uy tín và năng lực thu hút của người lãnh đạo, bảo vệ và tăng cường sức mạnh cho những vị này trong thế giới tâm linh huyền bí mới của họ để họ có thể đương đầu tất cả những nguy hiểm trên con đường phát triển nội tâm của mình. Trong đạo Phật cũng thế. Lễ Khai tâm rõ ràng có vai trò ngay từ lúc đầu. Lễ Khai tâm trở thành nguồn sức mạnh đột phá và khai mở quá trình rèn luyện tâm linh lâu dài của người đệ tử. Qua đó những kinh nghiệm thiết yếu và kiến thức được đúc kết và tập trung lại qua biết bao thế hệ.

Nghi lễ Khai tâm

Nghi lễ Khai tâm được cả gia đình, họ mạc chuẩn bị kỹ từ trong năm và được tiến hành vào dịp đầu xuân. Gia đình em bé đã nhờ thầy xem sẵn một ngày cát để tiến hành nghi lễ Khai tâm cho trẻ. Chủ trì lễ Khai tâm thường là cha đẻ, ông nội, chú, bác của trẻ hoặc một vị cao niên có vai vế trong dòng họ. Dù là ai đi nữa nhưng dứt khoát phải là người đã từng được theo cửa khổng không có tang và đặc biệt là phải đức cao, vọng trọng.  Nếu gia đình đã chọn được thầy học cho trẻ thì sắm lễ vật đến nhờ thầy chủ trì giúp.  Người thầy học đầu tiên của trẻ thường người đã thi đỗ một học vị nhưng không ra làm quan, mà ở lại nơi thôn quê mở trường dạy học. Trước ngày đại cát toàn thể gia đình tất bật sửa soạn lễ gia tiên. Chú bé chừng 5 – 6 tuổi, má bầu bĩnh luôn biết lắng nghe người mẹ hiền vừa dặn. Rồi con trẻ được dắt đến trước ban thờ gia tiên, nhà thờ họ để nghe các bậc bề trên khấn vái về việc học mai sau và chắp tay đón nhận. Sáng hôm sau, con trẻ được đưa đến chùa làng hay chùa ở địa phương mà gia đình cư trú. Bậc bề trên sẽ đưa trẻ ra vườn chùa xin một chiếc lá na do trẻ được tự do lựa chọn. Trẻ được dẫn đến ban thờ Đệ bát La hán.  Sau lời cầu khấn, bậc bề trên hướng dẫn cho trẻ vái lạy Phật rồi đem chiếc lá vừa xin được phiết tay lên cuốn sách của Ngài cầm trên tay phải ba lần để xin chữ một cách rất thành kính. Mọi hành động của trẻ đều được hướng dẫn sao cho thành kính, tránh để chiếc lá bị xây xước hay rách nát. Chiếc lá ấy được ép vào cuốn vở đầu tay của trẻ và được coi như hành trang đi suốt chặng đường học tập sau này. Sau phần nghi lễ, gia đình đưa trẻ về nhà, Mọi người đều tin rằng con cháu mình đã được chuẩn bị đầy đủ để có thể tiến hành học tập có kết quả.

Loading...

Lễ Khai tâm là một kỷ niệm đáng nhớ của mỗi người Việt. Trên mỗi chặng đường học tập sau này. Lễ Khai tâm tạo nên một ấn tượng tốt đẹp cho trẻ thơ, giúp trẻ nhận thức được tầm quan trọng của việc học, bước đầu xác dịnh trách nhiệm của bản thân với gia đình, dòng họ và đất nước. Đó là một phong tục đẹp, cần giữ gìn và phát triển để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam phong phú, giàu bản sắc dân tộc.

Loading...