Mấy ngày nay Maymyo bắt đầu lạnh, có những hôm sương mù tối om cả khu rừng, trời mưa rả rích cả ngày lẫn đêm. Chiều nay, mặt trời đã trở lại những ngôi Thất nhỏ được hiện rõ màu xanh.

Đứng trên cao, cô Tu Nữ đưa tay chỉ cho tôi hướng về những ngọn núi xa xa “Đằng kia là tỉnh Vân Nam, nơi đó là ngôi nhà tôi ở có bố mẹ và một đứa em trai…”. Oh! Thiên nhiên thật hùng vĩ và cũng biết cách phân bố theo đúng Nhân Quả của mỗi người để họ được sinh ra ở đó.

“Vân Nam” cái từ rất quen thuộc mà tôi đã được nghe nhiều lần. Hồi học môn Dược Liệu, Thầy giáo thường giới thiệu cho đám học trò biết đó là tỉnh trồng cây thuốc có dược chất tốt nhất và là nơi cung cấp dược liệu thuốc Bắc cho khắp các nước trên thế giới.

Vân Nam, nằm sát bên biên giới của đất nước Myanmar. Người Myanmar chân chất thật thà thì cả thế giới đều biết và con người ở Vân Nam phần đông cũng vậy. Người Vân Nam có làn da trắng hồng như người Đà Lạt của Việt Nam. Họ không ồn ào như người Quảng Đông, cách cư xử cũng rất khiêm cung nhỏ nhẹ. Có lẽ những nhân tố tốt đẹp ấy tương ứng với vùng đất có điều kiện thiên nhiên ưu ái mát lạnh quanh năm.

Rừng Thiền tôi ở có rất nhiều người TQ và phần đa là người Vân Nam qua đây xuất gia hành Thiền. Lúc mới đến, do tiếng Anh của tôi rất tệ không thể trình Pháp được với Thiền Sư. Tôi nhờ vị Sư Vân Nam dịch từ tiếng Trung sang tiếng Anh. Có nhiều chỗ không nghe kịp tôi nói “Sư dịch chậm thôi. Nhiều chỗ con không hiểu.” Vị ấy hỏi “Cô ở tỉnh nào của TQ?” “Con là người Việt Nam, không phải người Trung Quốc.” Cả nhóm nhìn tôi bằng sự ngạc nhiên. Vị Sư “Trời ơi… Thế mà từ trước cứ nghĩ cô là người Trung Quốc.” (Mắt tui VN có hai mí chứ bộ)

Loading...

Sư khen “Cô phát âm tiếng Trung còn chuẩn hơn người Trung…”

“Thầy giáo đầu tiên dạy con là người Bắc Kinh và Vô Tích…”

Những buổi trình Pháp sau, vị Sư luôn hỏi “Cô có nghe kịp không? Có chỗ nào nghe chưa hiểu không? Không hiểu thì cứ nói Sư dịch lại cho nhé!…”

Lúc mới đến, các cô Tu Nữ cũng cứ nghĩ tôi là người Trung Quốc nên họ lo đi tìm cho từ cái bát ăn cơm, cái ly uống nước, cái khay bưng đồ. Chốc chốc lại chạy qua hỏi thiếu gì không để các cô chia sẻ lại cho. Từ ngày biết tôi không phải người TQ các cô càng quý hơn (vì thấy tôi hòa nhã, chịu học hỏi – họ đánh giá vậy) có gói đồ ăn cũng đem cho. Cái bao tử của tôi như lò thí nghiệm, cái gì không sạch ăn vào là đau bụng tiêu chảy ngay. Lúc còn học ở Sài Gòn, nếu phải ăn cơm ngoài đường thì cũng không dám ăn những chỗ không được vệ sinh. Nhưng ở đây, trái cây và bánh kẹo bên Vân Nam chuyển qua Myanmar rất nhiều. Gần 3 tháng nay cái bụng vẫn chưa đả đảo lần nào, có lẽ trái cây không bị ngâm tẩm như các tỉnh khác.

Tôi rất trân quý tính đoàn kết của người Trung Quốc; nếu có một người hành Thiền đã rất tốt ở một chừng mực nào đó thì vị ấy sẽ dành thời gian để dịch Pháp hoặc chỉ dẫn cho những người mới vào tu biết cách hằng ngày đi gặp Thiền Sư để trình bày những khó khăn vướng mắc, cho nên họ sẽ cùng đồng tiến bộ. Người Việt Nam chúng ta vẫn bị cái nghiệp ăn sâu vào máu đó là “ai biết thân người ấy lo”. Người Việt mình rất giỏi và thông minh nhưng luôn thiếu sự đoàn kết, lo sợ người khác giỏi hơn mình. Tuy không phải là tất cả nhưng nó chiếm phần đa. Nhiều khi tôi cũng cảm thấy buồn buồn…

Mỗi người chúng ta thử kiểm nghiệm xem, đừng nghĩ đem cái tốt giúp người rồi họ giỏi hơn thì mình bị kém. Ví như trong một cái phòng tối được thắp lên bởi một ngọn nến, rồi có nhiều ngọn nến khác cũng được châm từ ngọn nến đầu tiên thì nó có bị tổn hại gì không? Đương nhiên là không rồi. Nhiều ngọn nến sẽ được thắp lên thì cả căn phòng sẽ sáng rực rỡ.

Cũng vậy, chúng ta giúp được ai đó hiểu và biết cách làm như mình thì cái hiểu của mình đâu có bị mất đi. Nếu chúng ta lo sợ ai đó họ tốt hơn rồi mình không còn là ĐỘC NHẤT là đặc biệt nữa thì đó là cái tâm bất thiện. Sống với nó chúng ta thấy mệt mỏi hay an lạc?

Tôi biết cũng có rất nhiều người Việt Nam thích sự cho đi và biết san sẻ giúp đỡ lẫn nhau. Nếu ai đó giỏi hơn mà họ coi thường mình thì đó là nghiệp của họ. Họ bị vướng vào cái tâm cao ngạo thì có gì là vui? Khi nào họ nhận ra từ nội tâm bất an ấy thì họ sẽ biết cách cởi bỏ nó. Còn chúng ta gặp ai, giúp được ai thì giúp bằng khả năng mình có thể là được.

Có bé đó ngày trước là sinh viên hay lên chùa công quả, giờ thì đã xuất gia trở thành Tu Nữ bên Phật Giáo Nguyên Thủy. Nhiều khi mấy cô khác gặp tôi cứ càm ràm “Cô không bảo nó tốt thì tốt vừa vừa thôi, suốt ngày ai cũng nhờ vả nó hết việc này đến việc kia.” Tôi bảo “Kệ nó. Giúp được người khác là tốt mà.”

Có hôm gọi điện tôi hỏi “Nhiều người nhờ vậy con có mệt không?” Hắn bảo “Người ta cần thì người ta mới nhờ mình giúp mà Thầy. Nhiều khi thấy ai ốm đau con chỉ lo họ tủi thân nên con hay tranh thủ giúp và chỉ cho họ biết cách chăm sóc sức khỏe vào buổi tối hoặc buổi trưa. Các cô chắc sợ con mệt nên cứ la con và bảo méc với Thầy…”

Rồi hắn tâm sự “Có những hôm con cũng thấy mệt nhưng lạ là khi bắt chân vào ngồi Thiền thì Tâm nhận biết được đối tượng Thiền ngay Thầy ạ. Con ngồi liên tục 4 – 5 tiếng mà chẳng thấy mệt. Còn ngày nào mà cái tâm nó ích kỷ một chút là lúc lên ngồi cảm thấy xấu hổ phóng dật rất khó để hành Thiền…”

“Đúng rồi, tâm Thiền nó luôn đi kèm với những tâm thiện mà.”

Cuộc sống thì ngắn ngủi vô thường, vậy thì tội gì phải ích kỷ hơn thua cả nhà nhỉ! 😘

Ở đây, tôi thích đi bộ và đứng trên cao ngắm nhìn những cánh rừng bao la nhấp nhô vô tận. Vì nó nhắc cho tôi liên tưởng đến những hình ảnh cao nguyên rộng lớn của Mông Cổ; Đất nước ấy một thời làm cho nhiều quốc gia trên thế giới khiếp sợ… Vậy mà ngày nay cũng chỉ là một vùng đất hoang sơ, người dân chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi du mục vẫn còn rất nghèo và lạc hậu. Có những con người mang dã tâm quyền lực để khuynh đảo cả thế giới như Hitle,… nhưng cuối cùng cũng chỉ là tội đồ của nhân loại.

Có người tham cầu danh lợi, ngày đêm suy nghĩ những mưu đồ, chẳng sợ Thánh Thần chẳng sợ lương tri, ủy thế cậy quyền lừa gạt người khác… Khi nghiệp đến đem theo được những gì?

Ngày nay còn phước thì tưởng mình là nhất. Khi phước hết chỉ còn lại đơn độc một mình và gánh chịu nghiệp xấu ấy mà thôi. Chúng ta cũng hiểu “Thế gian là Khổ, là Vô thường…” chẳng có gì tồn tại mãi mãi; Mong ai đó biết dừng lại, biết lắng nghe tâm mình; Mong ai đó đừng tự lừa gạt mình và người nữa.

Danh lợi kia có đạt được chăng nữa… ngoái đầu nhìn lại cũng chỉ là hư ảo mà thôi.
P/S: “Sức mạnh” nào MẠNH bằng sức mạnh của Nghiệp lực những Nhân Quả đã gieo?

Như Tịnh Giác

Loading...