Sư thầy đại đức Thích Tâm Nguyên thuyết pháp về chủ đề lòng ganh tị đố kỵ của con người tại chùa Hoằng Pháp rất hay và ý nghĩa. Lòng ghen tị của con người bắt nguồn từ tâm ích kỷ, luôn so sánh bản thân mình với người khác.
Người có lòng ganh tỵ là người thường hay nghĩ xấu về người khác, nhìn thấy người khác thành công thì không ghi nhận nỗ lực của họ mà thường cho rằng họ may mắn, hoặc sự thành công đó là do ma mãnh, lừa gạt mà được.
Người khi chấp chứa lòng ganh tỵ rất hay để ý những tiểu tiết, chi ly từng sự việc nhỏ để tìm ra những cái chưa tốt, không hay của người khác… từ đó nói quá lên, khuếch đại lên để “dìm hàng” người khác.
Người khi đã có lòng ghen tị thường có tâm lý là không muốn người khác vươn lên bằng mình, không thích người khác giỏi hơn mình,… từ đó phát sinh ra rất nhiều hành động gây nguy hiểm, nguy hại cho người khác. Có câu “Gieo suy nghĩ gặt hành động; Gieo hành động gặt thói quen; Gieo thói quen gặt tính cách; Gieo tính cách gặt số phận”, cho nên có thể nói chúng ta trở nên như thế nào tùy thuộc vào suy nghĩ của chính mình, cuộc đời của chúng ta chính là kết quả của những suy nghĩ chúng ta có.
Thực tế đã chứng minh nhiều hậu quả nghiêm trọng của lòng ghen tị của con người, ví dụ tiêu biểu nhất phải kể đến là Vụ án Lệ Chi Viên bắt nguồn từ sự ích kỷ của hoàng hậu Nguyễn Thị Anh khiến cho Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc.
Vậy nên, đừng bao giờ so sánh mình với người khác vì nếu bạn thấy mình hơn người ta bạn có thể sinh ra tâm lý cao ngạo, coi thường người khác; nếu bạn kém hơn người ta bạn sẽ sinh ra cảm giác tự ti, đố kỵ với họ.
Đừng ghen tị với người khác vì bạn không biết họ đã mất những gì để có được ngày hôm nay… Ghen tị là một loại cảm xúc có thể dày vò bạn với những giận dữ, hận thù. Bởi vậy sẽ làm cho con người không bao giờ cảm thấy hài lòng với những gì mình đang có.