Phật giáo quan niệm thế nào về vấn đề ly dị? Làm sao chúng ta có thể sử dụng giáo lý của Đức Phật để đối mặt với những trạng thái tâm lý bất ổn nơi con cái và bản thân chúng ta khi ly dị xảy ra?

Đối với Phật giáo, hôn nhân và ly dị là những vấn đề thế tục. Nếu người tại gia muốn lập gia đình, đó là sự lựa chọn của họ. Nếu họ muốn ly dị, đó cũng là lựa chọn của họ.

Tuy nhiên, để tránh ly dị, giải pháp tốt nhất là chuẩn bị thật tốt cho cuộc hôn nhân. Đôi khi các phim ảnh cho chúng ta thấy những hình ảnh không thực tế về những mối quan hệ lãng mạng, dễ dẫn người ta đến việc có những đòi hỏi hay mong đợi vô lý. Tốt hơn hết nên coi hôn nhân như là một sự hợp doanh chứ không phải là sự lãng mạng có thể trường tồn mãi mãi. Hãy bỏ thời gian để tìm hiểu về đối tưọng thật kỹ – quan sát người đó ở trong nhiều hoàn cảnh khác nhau và ở những thời điểm khác nhau – trước khi kết hôn và bắt đầu đời sống gia đình. Sự xung đột là tự nhiên thôi, vì thế hãy phát triển thói quen trao đổi, tạo sự truyền thông tốt và các kỹ thuật để giải quyết những khác biệt cùng nhau. Hãy xem người phối ngẫu của mình là quý báu và nuôi dưỡng những đức tính tốt ở nơi người đó.

Ly dị là điều đau khổ cho tất cả mọi người liên quan, và nó cần có thời gian để lắng đọng. Thông thường có người sẵn sàng làm lại cuộc đời, còn người kia thì không, vì thế sự kiên nhẫn và chịu đựng là rất cần thiết. Nếu hai vợ chồng có con cái, điều quan trọng là không nên nói xấu về người vợ/chồng trước đó của mình, vì điều đó ảnh hưởng xấu đến con cái. Có thể bạn không cần có sự liên hệ lâu dài với người đã chia tay, nhưng con cái của bạn cần có sự liên hệ cả đời với cả hai cha mẹ. Đừng đem con cái vào cuộc, khiến chúng phải đứng về phía người này để chống lại người kia. Thay vào đó hãy hợp tác với người phối ngẫu, người đã chia tay để tạo nên một không khí tốt cho con cái.

Có Phật tử đã nói với tôi rằng việc giữ được năm giới dành cho người cư sĩ và chánh niệm để tránh mười điều ác đã giúp cô rất nhiều trong thời kỳ ly dị. Thay vì uống rượu để làm chai đi nỗi đau, cô đã đối mặt với hoàn cảnh. Thay vì lừa dối và nói quá về những gì người chồng trước của mình đã làm, cô thành thật và công bằng. Chánh niệm để tránh chỉ trích chồng cô với người khác, cô đã gìn giữ ngôn ngữ của mình. Cô thực sự hàm ân và dựa vào sự thực hành giáo lý để đối mặt với những thăng trầm trong giai đoạn ly dị.

Loading...

Vợ chồng xây dựng và duy trì một mối quan hệ lành mạnh hay một cuộc hôn nhân lành mạnh như thế nào?

Nếu bạn đánh giá cao cuộc sống gia đình, và muốn giữ mái ấm gia đình, bạn cần phải trao đổi các vấn đề với người phối ngẫu và chấp nhận rằng có những khó khăn trong cuộc sống hôn nhân. Nếu bạn cần tư vấn, hãy tìm người tư vấn, hoặc là một mình hay cùng với người phối ngẫu. Hãy cố gắng trong việc phát triển mối quan hệ với người bạn đã kết hôn.

Hai vợ chồng cần cố gắng để giữ cho mối quan hệ của mình được tốt đẹp. Bạn cần phải thực sự tạo ra và duy trì một mối quan hệ tốt, chứ không chỉ mong đợi rằng mọi thứ rồi sẽ suôn sẻ vì giờ bạn đã kết hôn. Bạn cần phải học cách diễn tả, trao đổi với người phối ngẫu về những vấn đề đôi khi bạn khó nói hay khó nhận ra, như là lỗi của mình hay những khiếm khuyết về cá tính. Bạn cũng cần học lắng nghe người bạn đời nói gì và thật sự cố gắng để nghe người đó với trái tim của bạn. Hãy cố gắng kiên nhẫn khi người bạn đời của bạn có những khó khăn thay vì phản ứng hay chống đối.

Mối quan hệ giữa hai người tốt đẹp khi chỉ có một bên biết làm thế nào để giữ bình tĩnh, vững chãi và không phản ứng khi người khác hành động đầy cảm xúc. Nếu bạn phản ứng mà không suy nghĩ rõ ràng, sáng suốt khi người bạn đời của bạn làm điều gì đó, thì không có sự trao đổi xây dựng nhiều. Nếu người bạn đời của bạn đang khó chịu về việc gì đó, hãy nghĩ, “Ngay bây giờ, công việc của tôi là lắng nghe và giúp vợ/chồng của tôi trầm tĩnh lại”. Muốn thế, chúng ta không thể bảo người kia phải làm điều gì nhưng phải dành cho người đó không gian để diễn tả điều mà họ đang cảm xúc và trao đổi, chia sẻ về những cảm xúc này một cách hợp lý. Hãy tỏ ra ủng hộ người kia thay vì phản ứng lại với những gì người đó đang phải trải qua. Tương tự, khi bạn cảm nhận một một cảm xúc mạnh mẽ như là giận dữ, hãy biết rằng bạn đang giận và cố gắng để trầm tĩnh lại trước khi nói chuyện với người kia. Khi bạn trầm tĩnh hơn và tâm bạn sáng suốt hơn hãy nói với người bạn đời những cảm xúc của mình và có một cuộc trao đổi xây dựng. Điều đó có nghĩa là nói cho người bạn đời biết bạn đang cảm giác như thế nào thay vì giận dữ và khư khư giữ lập trường của mình.

Ngoài ra cũng cần quan sát bản thân và nếu bạn thấy rằng bạn có những thói quen xấu, hãy nhận thức điều đó, và cố gắng để sửa đổi chúng. Hãy trao đổi với người phối ngẫu, vì người đó cũng là một người bạn cho nên người đó có thể ủng hộ những cố gắng sửa đổi của bạn để trở nên tốt hơn. Tóm lại, hãy cẩn thận đừng tái diễn những thói quen xấu hay tiêu cực mà bạn có thể đã chứng kiến trong mối quan hệ của cha mẹ bạn.

Loading...