Có một vị cao tăng ẩn cư trọng một ngôi chùa cổ nằm trong núi sâu. Nghe danh của ông, mọi người đều từ xa tìm đến, có người muốn được ông chỉ bảo bến mê cuộc sống, có người muốn học bí quyết võ công của ông.
Khi họ vào trong núi sâu, họ thấy cao tăng đang đi gánh nước ở khe núi. Ông gánh không nhiều, hai thùng nước đều chưa đầy. Họ nghĩ, cao tăng có khả năng gánh được thùng to và nên gánh đầy thùng nước mới đúng. Họ không hiểu và hỏi cao tăng: “Tại sao ngài lại gánh ít nước như vậy?”.
Vị cao tăng đó nói: “Gánh nước thực ra không nhất thiết phải gánh nhiều, mà chỉ nên gánh đủ là được. Cứ tham nhiều, sẽ phản tác dụng”.
Mọi người cảm thấy khó hiểu. Cao tăng chọn một người ra, bảo người đó đi gánh hai thùng nước đầy từ khe núi. Người đó gánh rất khó khăn, thùng nước đầy lắc lư, chưa đi được mấy bước thì đã bị ngã, nước đổ hết ra ngoài, đầu gối của người đó cũng bị đau.
“Nước đổ hết rồi, có phải là sẽ phải đi gánh lại không? Đầu gối bị đau, có phải là đi lại sẽ khó khăn hơn không, như vậy sẽ gánh được càng ít nước hơn đúng không?” – Vị cao tăng nói.
“Thế xin hỏi cao tăng, nên gánh bạo nhiêu nước mới là đủ và làm sao biết được bao nhiêu là đủ ạ?”
Vị cao tăng cười nói: “Mọi người xem thùng này”. Mọi người nhìn cái thùng nước, trong thùng có một vạch kẻ.
Cao tăng nói: “Vạch kẻ này là mức độ tối đa, nước không được vượt quá, quá vạch này thì sẽ quá khả năng và nhu cầu của mình. Ban đầu cần phải đánh dấu một đường, nhưng về sau gánh nước nhiều rồi thì không cần phải nhìn vạch kẻ này nữa, tự mình sẽ cảm nhận được nước nhiều hay ít. Vạch kẻ này nhắc nhở mình, bất cứ làm việc gì đều nên hết sức mình và lượng sức mình mà làm”.
Mọi người lại hỏi: “Thế mức độ tối đa nên là bao nhiêu?”.
Cao tăng nói: “Thường là càng thấp càng tốt, vì mục tiêu thấp dễ thực hiện hơn, như vậy sẽ không ảnh hướng đến dũng khí của mọi người, mà còn khiến mọi người càng có hứng thú và nhiệt tình, cứ kiên trì như thế, dần dần sẽ gánh được nhiều hơn, đi được chắc hơn. Bất cứ là cao tăng hay là người bình thường, về khả năng đều sẽ có mức giới hạn, nếu quá mức này, làm những chuyện quá khả năng của mình, dù là người mạnh mẽ thế nào cũng sẽ gục ngã”.
Ý nghĩa của câu chuyện:
Điểm đáng quý nhất của con người là biết lượng sức mình, khó nhất là thật sự hiểu biết, chiến thắng và điều khiển bản thân mình. Tự cho là biết lượng sức mình khác với thật sự biết lượng sức mình. Người bình thường có nhiều người mắc bệnh tự cho là biết lượng sức mình; chỉ có rất ít người sáng suốt mới là những người thật sự hiểu biết bản thân. Cuộc đời như cái cân, đánh giá bản thân quá thấp thì dễ tự ti, đánh giá bản thân quá cao thì lại dễ kiêu ngạo, chỉ có đánh giá chính xác như cân, hiệu chuẩn cái cân thì mới có thể thực sự cầu thị, cảm nhận bản thân, thật sự hiểu biết bản thân một cách chính xác và hoàn thiện bản thân.
Tự biết được bản thân vẫn còn nhiều thứ chưa biết thì mới biết nên tự đi tìm hiểu thêm, chỉ có tự biết là không sợ gì mới dám phấn đấu. Những người thích khoe mình giỏi, đó chính là những khuyết điểm của họ, những người tự biết được khuyết điểm của bản thân, đó chính là ưu điềm của họ. Mức độ tự hiểu biết bản thân càng cao, sự ham muốn tìm hiểu sẽ càng nhiều. Sau khi học hỏi thì mới biết được khuyết điểm của bản thân, học biết rồi thì lại càng muốn biết nhiều hơn nữa. Vì vậy, tự hiểu biết bản thân là động lực của sự học hỏi, học hỏi rồi thì mới có thể càng hiểu rõ bản thân. Tự hiểu biết bản thân rồi sẽ thông qua học hỏỉ để thay đổi bản thân và tăng cường kiến thức bản thân, do vậy thì mới có thể khiến bản thân biết được tự tôn trọng bản thân, tự kiểm soát bản thân và tự lập, tự cường hơn.