Chùa Quang Minh tọa lạc tại số 412 đường Tôn Đức Thắng, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng, cạnh Quốc lộ IA, gần ngã ba Huế. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Lịch sử chùa Quang Minh

Chùa Quang Minh tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 1 ha, quay mặt về hướng Tây, Tiền thân của Quang Minh Tự là một Niệm Phật Đường được xây dựng vào năm 1957.

Sư bà Thích Nữ Diệu Lý đã tổ chức trùng kiến ngôi chùa to lớn, trang nghiêm. Đại lễ khánh thành ngôi chánh điện, tổ đường, Quan Âm các  được tổ chức vào các ngày 26, 27, 28 – 3 – 1994 (ngày 15, 16, 17 tháng hai năm Giáp Tuất; Phật lịch 2537.

Đặc biệt, trong khuôn viên chùa Quang Minh có pho tượng đức Phật Thích Ca lộ thiên nhìn ra quốc lộ. Tượng cao 20m, ngồi thiền định trên tòa sen hình lục giác rộng 8m, bệ xi măng cao 10m. Phật đài được xây dựng từ năm 1964, hoàn thành năm 1969, là pho tượng Phật lộ thiên lớn nhất nước ta bấy giờ.

Nhiều tư liệu cho biết, điêu khắc gia Trần Ngọc Quế đã lấy chân dung 5 vị Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Giác Nhiên, Đôn Hậu, Thiên Hoa, Thiện Hòa để tạo tượng nên pho tượng có nét mặt Việt. Bên trong Phật đài, 5 tầng đều lát gạch bông, đường kính tầng trệt 9,6 m. Tầng 4 có tôn trí một pho tượng đức Phật Thích Ca. Đến tầng 5 là ngang cổ tượng Phật, ở đây có thể quan sát toàn cảnh TP. Đà Nẵng. Thích Ca Phật đài chùa Quang Minh là nơi chiêm bái của hàng vạn du khách, Phật tử hàng năm.

Loading...

Kiến trúc chùa Quang Minh

Ngôi chùa có kiến trúc ban đầu theo kiểu chùa Từ Đàm (Huế) ngay bên quốc lộ 1A này có lẽ sẽ ít được biết đến nếu không có một công trình bên cạnh: Thích Ca Phật đài – dân gian quen gọi là Phật đài Hòa Mỹ.

Đặc biệt, trong khuôn viên chùa Quang Minh có pho tượng đức Phật Thích Ca lộ thiên nhìn ra quốc lộ. Tượng cao 20m, ngồi thiền định trên tòa sen hình lục giác rộng 8m, bệ xi măng cao 10m. Phật đài được xây dựng từ năm 1964, hoàn thành năm 1969, là pho tượng Phật lộ thiên lớn nhất nước ta bấy giờ.

Ông Nguyễn Đương (Năm Đương), sinh năm 1930, nguyên Gia trưởng Gia đình Phật tử rồi Khuôn hội trưởng Khuôn hội chùa Quang Minh, nhà hiện ở gần chợ Hòa Mỹ, nhớ lại, lúc đó ông Thuần lo vận động về tài chính, ông Thuận là kiến trúc sư, chuyên lo xây dựng. Phần vì chiến tranh, phần do kinh phí thiếu hụt nên công trình được xây dựng theo từng giai đoạn và mãi đến năm 1975 vẫn chưa hoàn thiện. Từ tháng 9-1975, Ni sư Thích Nữ Diệu Lý về trụ trì, tiến hành chương trình trùng hưng chùa Quang Minh và khánh thành các hạng mục vào ngày 15-8 năm Giáp Tuất (1994).

Về kỹ thuật dựng tượng, ông Phan Thành Nguyên, nguyên Gia trưởng Gia đình Phật tử chùa Quang Minh, kể rằng: Ông từng qua xem các nhà điêu khắc làm phác thảo Phật đài ở Mỹ Thị, nay thuộc phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn. Theo thiết kế ban đầu, người ta định đúc bê-tông từng phần rời rồi đưa lên lắp ghép thành tượng tổng thể. Nhưng rồi, do lúc đó kỹ thuật còn lạc hậu nên khi triển khai thực hiện đã cho sai số quá lớn. Ông Nguyễn Bỉnh Thuần quyết định chuyển sang kỹ thuật đổ bê-tông trực tiếp tại hiện trường. Việc làm này đòi hỏi tính mỹ thuật, kỹ thuật cao và tất nhiên chi phí cũng lớn hơn so với ban đầu (đây là một trong những nguyên nhân khiến công trình chậm hoàn thành), nhưng công trình lại đẹp và bền vững như ta thấy hiện nay.

Hệ quả của việc thay đổi hình thức thi công này là các mảng bê-tông đúc sẵn không dùng đã trở thành… tường rào cho công trình, sau năm 1975 vẫn còn.

Phật đài có 5 tầng. Tầng 1 đường kính 9,6m, được chỉnh trang thành “Thư viện Phật đài Hòa Minh” 5 năm nay. Bên trái cửa vào là cầu thang, bước hết 29 bậc là đến tầng 2, nơi trưng bày các tượng Phật, tranh thư pháp, hình Bồ Đề Đạt Ma… Đáng để ý là một bức thư pháp thể hiện hai khổ bài thơ Nhớ chùa của Hòa thượng Thích Mãn Giác (người viết thư pháp ghi nhầm tác giả là Hòa thượng Thích Đức Nhuận) như sau:

Tối đến dân quê đón gió lành/ Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh/ Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi/ An ủi dân hiền mọi mái tranh/ Trầm đốt hương thơm bay ngạt ngào/ Thôn trên xóm dưới dạ nao nao/ Dân làng tắm gội lên chùa lễ/ Mười bốn, ba mươi mỗi tối nào.

Bài thơ này Hòa thượng Thích Mãn Giác không làm tặng riêng cho chùa Quang Minh, nhưng có lẽ do nội dung phù hợp với cảnh chùa nơi đây trong những ngày đầu thành lập nên các đạo hữu đã chép lại làm kỷ niệm.

Từ tầng 2, bước hết 26 bậc thang là lên tầng 3, nơi đây trưng bày thư pháp và tranh thủy mặc. Từ đây, thêm 23 bậc nữa là lên tầng 4, nơi tôn trí duy nhất một tượng Phật Thích Ca, bề cao gần chạm trần. Thêm 23 bậc nữa là lên tới tầng 5, tầng cuối cùng, ngang với khuôn mặt của tượng Đức Phật. Tầng trên cùng hiện trống không, chỉ thấy các cấu kiện bê-tông như trụ đỡ, dầm ngang trắng xóa cả không gian. Nơi bậc thang lưng chừng giữa tầng 4 và tầng 5 là một ô cửa tròn, đường kính khoảng 60cm, nhìn từ đây có thể thấy một góc thành phố Đà Nẵng. Các bậc thang được làm bằng kỹ thuật trát đá mài (granito) màu xanh ngọc.

Có dịp đến Đà Nẵng, bạn không nên bỏ qua một chuyến tham quan, vãn cảnh Chùa Quang Minh, để có thể tìm đến chốn thanh tịnh, xua tan đi mọi mệt mỏi, lo toan của cuộc sống và khám phá những nét đẹp về văn hóa, truyền thống nơi đây.

Loading...