Trong một thế giới thay đổi nhanh chóng đã xuất hiện nhiều tổ chức và thể chế xã hội khác nhau với mục tiêu duy trì sự sống của nhân loại trong tinh thần hòa hợp. Nhiều đóng góp đã được thực hiện nhằm củng cố và phát triển thêm phúc lợi cho xã hội loài người. Tuy nhiên, kỷ nguyên hiện đại với sự phát triển nhanh chóng và con người đang phải đối mặt với nhiều thách thức như ô nhiễm môi trường, các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, tăng trưởng dân số, tình trạng khan hiếm thực phẩm và nơi ăn chốn ở và đặc biệt là những vấn đề do con người trực tiếp tạo ra liên quan đến hòa bình và sự cộng sinh của nhân loại. Phật giáo được xem là gắn liền với bất bạo động và hoà bình. Trong hệ thống giá trị của Phật giáo ý niệm này đã biểu hiện rõ nét. Dù nói như vậy không có nghĩa là Phật tử luôn được sống trong an lành, các quốc gia theo Phật giáo đều phải đồng gánh chịu chung cảnh chiến tranh và xung đột khi mà hầu hết các lý do cho các cuộc chiến lại xảy đến từ nơi khác.
Hiểu như thế nào về chiến tranh và hòa bình?
Chiến tranh và hòa bình đó là hai mảng đối lập. Nếu như hòa bình chỉ sự bình an, vui vẻ, không có bạo loạn, đánh nhau hay cướp bóc thì chiến tranh lại vẽ lên một viễn cảnh hoàn toàn trái ngược. Nói đến chiến tranh là nói đến đánh nhau, hỗn loạn, khói súng, máu nước mắt và chính sinh mạng của con người bị đe dọa. Chỉ với mấy từ đó thôi hẳn ai cũng đã có những hình dung cho riêng mình về chiến tranh cũng như hòa bình trên thế giới. Hòa bình là trạng thái của một vùng, một quốc gia hay thậm chí toàn cầu được sống trong sự an toàn, không phải dùng vũ khí, vũ lực để đấu tranh với các nước khác cũng như không có vũ lực quân sự từ các quốc gia khác can thiệp. Hòa bình là khao khát của tất cả các dân tộc chân chính trên thế giới. Được sống trong một đất nước hòa bình thì con người có cơ hội sinh sống và phát triển trong điều kiện tốt nhất, không phải chịu nỗi đau mất mát, phân tán, chia ly như trong chiến tranh. Để có được hòa bình mọi dân tộc trên thế giới chấp nhận hi sinh rất nhiều. Đó cũng là lí do tại sao trên thế giới hiện nay luôn có các tổ chức và cá nhân lên tiếng bảo vệ hòa bình và kêu gọi mọi người ủng hộ hòa bình.
Luận giải của Phật giáo về nguyên nhân của tranh chấp
Đối với Phật giáo thì các nguồn gốc của mọi hành vi tác hại, thí dụ như ham muốn, thù hận được coi như là cội rễ cho mọi sự xung đột của con người. Xung đột khởi đầu từ sự ràng buộc vào vật chất như sự giàu sang, độc quyền kinh tế và ưu thế chính trị. Đức Phật thường đề cập đến những tác dụng xấu khi ta bị ràng buộc vào những định kiến hay giả kiến, những giáo điều kể cả những quan điểm đúng đắn mà cá nhân ta không hề biết được đó là sự thật. Kiểm chứng lối suy nghĩ của mình thời trước đây, Đức Phật cho rằng quan điểm luôn bị giao động như một cây rừng. Cố bám giữ quan điểm thì có thể dễ đưa tới chiến tranh tôn giáo. Thật vậy, ở thế kỷ XX, hàng triệu người chết vì bị ràng buộc vào một ý thức hệ đặc biệt mà họ cố tình biện minh cho hành vi của họ. Hận thù, có lẽ được châm thêm vào lúc có xung đột do chính các phương tiện tuyên truyền bắt nguồn từ sự ràng buộc vào một số vấn đề nào đó. Dù người ta muốn sống trong yên lành nhưng họ không thể đạt được. Càng nghĩ quanh quẩn về một vấn đề gì thì tư tưởng của ta sẽ tập trung vào một chủ đề riêng biệt đưa tới lòng ham muốn và rồi phân biệt giữa hai hạng người muốn và không muốn và cuối cùng là thèm khát và thù hận. Lo sợ và càng thù hận sẽ tác động tới mọi ác nghiệp dù có được biện minh hay không. Những ảnh hưởng xấu của các thành viên khác trong cộng đồng dù là giới lãnh đạo hay thân hữu, đều được coi như là một yếu tố khác đưa tới tranh chấp. Khi một vị vua hành sử không đạo đức thì sẽ ảnh hưởng đến các quan và ảnh hưởng này sẽ lan rộng đến các đạo sĩ và chính các gia đình dân chúng, tỉnh thành và làng xóm. Sự mục nát đến từ thượng tầng rồi sẽ lan toả đến hạ tầng xuyên qua toàn xã hội.
Các giải pháp cho sự xung đột và chiến tranh
Phương tiện kinh tế
Có thể thấy sự nghèo đói là nguồn gốc của tội ác và đạo lý suy đồi, cho nên các biện pháp kinh tế nhằm xoá đói giảm nghèo có thể giúp cho việc ngăn ngừa tội ác. Những yêu sách về kinh tế trong một mức độ nào đó sẽ có thể giúp giải quyết vấn đề về xung đột.
Thương thuyết và nhấn mạnh đến tác hại của chiến tranh
Đức Phật đã có lần nói về ngăn ngừa chiến tranh giữa Sakiya nơi Đức Phật xuất thân và Koliya. Cả hai nơi đều dùng nước của dòng sông chảy qua hai lãnh thổ khi mực nước cạn thì nông dân hai xứ này đều muốn có nước để dùng vào vụ mùa. Họ tranh cãi với nhau và khi các lãnh binh nghe những điều này thì họ chuẩn bị gây chiến. Bằng thiền lực của mình, Đức Phật nói rằng ngài đã cảm nhận được điều này và bay lượn trên giòng sông. Khi thấy ngài thì cả dòng họ của ngài đều buông vũ khí và cúi đầu chiêm bái ngài. Khi Đức Phật hỏi về nguyên nhân tranh chấp thì không một ai hiểu rõ cuối cùng những nhà nông trả lời đây là chuyện nguồn nước. Đức Phật đã khai ngộ cho các lãnh binh thấy là họ phải hy sinh cho giá trị nào đó cao quý hơn thí dụ như sinh mạng của họ, thay vì là nước. Chính vì thế mà họ đã ngưng chiến đấu.
Lập trường đạo đức bất bạo động
Trong chuyện tiền thân Đức Phật, Jataka, thuộc Tiểu Bộ Kinh Bồ tát kể rằng khi xưa ngài là một vị vua nghe được chiến lược của một đạo quân xâm lăng. Khi thủ đô bị bao vây bởi quân xâm lược thì vị vua này ra lệnh mở cổng thành. Quân xâm lược tràn vào vị vua bị truất phế và hạ ngục. Nơi ngục thất vị vua mở rộng lòng từ bi cho vị vua xâm lấn người sẽ hứng chiụ nghiệp báo về những hành vi sai trái của mình và giúp cho vị vua này ngộ được dục vọng đang bùng cháy nơi con người mình. Vị vua đột nhiện ngộ ra rằng bản thân mình đã sai lầm khi hạ ngục vị vua đạo hạnh này. Kết quả mang lại là ông thả vị vua này và vương quốc này lại được sống trong an hoà. Ở đây thông điệp được gởi đến là thái độ đạo đức bất bạo động của vị vua đã cứu biết bao nhiêu sinh mạng của cả hai phía. Phù hợp với phương cách này kinh Pháp cú đã dạy mỗi người hãy chế ngự hận thù bằng tình thương yêu, xoá điều ác bằng cách tạo điều thiện, thay lòng ti tiện bằng bố thí, chinh phục người gian dối bằng sự thật. Dù chiến thắng muôn ngàn quân nơi chiến trường, nhưng người chiến thắng cao cả nhất chính là người chiến thắng bản thân mình.
Suy niệm về cách giảm sân hận và tăng nhẫn nhục
Những giá trị chủ yếu của Phật giáo được người ta biết đến như thánh thiện vĩnh cữu đó là tính từ bi, bác ái, lòng đồng cảm và sự an vui tự tại. Cùng với đặc điểm này cũng phải kể đến lòng kham nhẫn hay chịu đựng. Những giá trị này đều có liên hệ trực tiếp đến việc giảm đi xung đột và chính việc tu tập này có tác dụng đầu tiên làm cho tranh chấp ít có dịp bộc phát.
Kiên trì và hỷ xả
Kinh Phật cũng khuyên về sức mạnh và tiềm năng chuyển hoá của sự kiên trì và hỷ xả. Kinh có kể đến một cuộc cải vã giữa một thần linh và một người khổng lồ đang đói cùng cực. Vepaciti người đầu nhóm khổng lồ bị đánh bại được mang đến trước Saka một vị đứng đầu các thần linh và nguyền rủa ông. Khi Sakka không nổi giận người đánh xe ngưạ liền hỏi từ đâu mà ông có tính chiụ đựng phải chăng là do sợ hãi hay yếu đuối. Ông trả lời không phải cả hai chỉ vì tôi không muốn đôi co với người điên. Ông giải thích trước những lời lẽ của kẻ ngông cuồng với sự câm giận và cải vã kịch liệt thì bản thân mình phải tự kềm chế bình tĩnh chứ không bằng biện pháp trả đũa cứng rắn. Vì thái độ này sẽ không đưa tới một ý nghĩ đối kháng mà chính sự kiên trì là dấu hiệu của một sức mạnh thật sự khác với sức mạnh mà một kẻ điên có được do ngộ nhận. Tệ hại nhất là việc cả hai người cải vã qua lại. Khi bị nguyền rủa ai là người không nguyền rủa lại, thì người đó thắng được hai lần. Ông ta tìm được an lạc nơi chính mình và nơi người khác. Người nào hiểu được cơn thịnh nộ của người khác thì sẽ giữ được sự an bình của chính bản thân mình.
Những hoạt động của Phật giáo đóng góp cho hoà bình trong thế giới hiện đại
Tại Miến Điện Aung San Suu Kyi được nổi danh nhờ tinh thần đối kháng với chế độ quân phiệt theo chủ nghĩa Mác xit dân tộc, mà chế độ này không tôn trọng những chiến thắng vang dội của đảng bà trong những cuộc bầu cử trong năm 1990. Tại Thái, Sulak Sivaraksa đã thành lập những tổ chức phi chính phủ phục vụ hoà bình, nhân quyền phát triển cộng đồng đối thoại liên tôn và chống lại đảo chính của quân đội. Còn tại Việt Nam thầy Thích Nhất Hạnh đã có những nổ lực chống chiến tranh từ năm 1964-75 và trợ giúp người tỵ nạn. Tỵ nạn tại Pháp vào thập kỷ 70 thầy là nhà văn sáng tác rất nhiều về các đề tài Phật giáo và hoà bình nhằm cổ vũ cho phong trào Phật giáo vào đời. Một ngưòi tỵ nạn khác là Đức Lai Lạt Ma, ngài đã trở thành một biểu tượng trên toàn thế giới về giá trị Phật giáo. Là người đứng đầu chính phủ lưu vong tại Tây tạng ngài đã tranh đấu không mệt mỏi để dành lại quyền kiểm soát lảnh thổ cho người Tây Tạng do người Trung Quốc chiếm. Ngài luôn chống đối sử dụng bạo lực và thúc đẩy về tinh thần từ bi và trách nhiệm phổ quát trong một thế giới ngày càng tương thuộc nhau hơn. Các Phật tử đấu tranh cho hoà bình cũng có mặt ở Nhật, Sri Lanka hay Kampuchia.
Đức Phật luôn luôn nhấn mạnh vào tầm quan trọng của cuộc sống bình ổn. Ngài luôn luôn hướng dẫn con người ta hướng đến sự hòa bình. Niết Bàn là mục đích tối cao của tất cả người con Phật. Nơi đó được cho là con đường thánh thiện và bình yên nhất. Khi đức Phật còn là một vương tử trẻ Ngài đã từ bỏ con đường mà có thể dẫn đến chiến tranh và xung đột để đi tìm đến con đường hạnh phúc tối cao cho tất cả chúng sinh.Theo gương đức Phật người phật tử cần đề cao lối sống đạo đức. Họ không bao giờ làm hại người khác, cướp bóc hay tướt đoạt của người khác thứ gì. TrongTrung Bộ Kinh, đức Phật dạy có hai nguyên nhân chính gây ra chiến tranh và xung đột đó là tham ái và đam mê khoái lạc giác quan. Xem xét nguyên nhân của những cuộc chiến tranh và xung đột trước đây cũng như hiện tại ta thấy rằng, tham ái và những nhu cầu vật chất chính là những nguyên nhân chính của những cuộc chiến tranh và xung đột đó. Đức Phật giải thích rằng người nào có khả năng làm chủ các giác quan và loại trừ tham ái thì người đó sẽ không có khuynh hướng đấu tranh hay hay hãm hại kẻ khác. Lời Phật dạy có thể dùng để giải quyết những vấn đề hiện tại một cách vĩnh viễn. Bởi vì Phật giáo giải quyết vấn đề từ căn bản gốc rễ của nó.