Thuở Đức Phật còn tại thế, Ngài có đặt ra một giới luật cho hàng Tăng ni là mỗi năm phải an cư kiết hạ vào mùa mưa. Vì ở Ấn Độ vào mùa mưa, các loại côn trùng sinh sôi nảy nở rất nhiều, mà chúng Tăng đi khất thực sẽ dẫm đạp lên nó, giết hại nhiều chúng sanh nhỏ nhoi, làm tổn thương đến lòng từ bi tế vật của hàng Phật tử, nên chư họ không được phép du hành ra ngoài, mà phải ở yên một chỗ trong thời gian ba tháng để nỗ lực tu tập thiền định và giới định tuệ, cùng nhau sống trong sự hoà hợp và thanh tịnh. Tuy nhiên nếu có những lúc khẩn cấp và cần thiết, chỉ được phép rời trú xứ trong thời hạn không quá bảy ngày, rồi phải trở lại tiếp tục an cư. Đó là nguồn gốc của việc an cư kiết hạ.

Duyên khởi của an cư kiết hạ

Truyền thống này đã có từ thời đức Phật nhưng thực ra pháp an cư không phải đức Phật là người tìm ra mà Ngài đã tùy thuận theo lối truyền thống vốn có của xã hội Ấn Độ đương thời từ đó áp dụng cho hàng đệ tử xuất gia của mình. Từ đó về sau, hàng năm cứ vào ba tháng mùa mưa, chư Tăng tập họp lại cùng một trú xứ để an cư.

Tâm niệm an cư

Tưởng cũng nên biết nghĩa của từ An cư. An là an tịnh nội tâm, còn Cư là kỳ hạn cư trú trong suốt một thời gian nhất định nào đó, mà theo giới luật là ba tháng và chúng Tăng sống yên ổn một chỗ hoà hợp và thanh tịnh để cùng nhau tu học, trau dồi Giới đức, Định học và Tuệ học sau chín tháng đi hoằng pháp độ sinh. Trong khoảng ba tháng an cư, mỗi Tăng đoàn sinh hoạt cộng trú, sẽ cùng nhau sống và nhắc nhở giới luật, sách tấn lẫn nhau. Đến ngày kết thúc, tức vào ngày thứ chín mươi, chư Tăng sẽ hợp lại tại một giới trường và đối chiếu về giới luật mà mình đã thọ trì sau đó mỗi người tự kiểm điểm bản thân qua thấy, nghe và nghi và nếu thấy việc gì đó không đúng, tự mình nói lên hoặc để một vị Tỳ kheo khác nói giúp cho, sau đó nếu thấy rằng bản thân mình có sai phạm thì phải ăn năn sám hối đúng pháp. Sau khi sám hối liền đượthanh tịnh, trong tâm cảm thấy an lạc.

Ý nghĩa của an cư kiết hạ

Có thể nói mỗi mùa an cư chính là khoảng thời gian quan trọng nhất trong năm của hàng Tỳ kheo mà ý nghĩa tu học chính trong môi trường thực sự hoà hợp thanh tịnh. Đây là một Phật sự vô cùng quan trọng và cần thiết của Tăng chúng, thể hiện được lòng từ bi đối với mọi loài chúng sanh và sẽ làm nền tảng đích thực cho sự tu tập của hàng Phật tử tại gia. Đây cũng là thời gian thuận tiện cho giới cư sĩ tại gia có dịp hiểu hơn về Tăng học tập giáo pháp cũng như một cơ hội tạo phước báo nhân thiên qua việc hộ trì chúng Tăng trong suốt mùa an cư. Thể hiện lòng từ bi không nỡ làm tổn hại chúng sinh, đồng thời chú tâm đến việc hướng dẫn dạy dỗ tu học cho hàng Tăng Ni. Nhờ những vị đạo cao đức chỉ dạy trong ba tháng ròng rã, chư Tăng, chư Ni tu hành được trọn vẹn và kết quả tốt. Chính vì thế ngày xưa có một số vị Tỳ kheo qua ba tháng an cư chứng một quả vị. Như vậy mùa này giúp những Phật tử cố gắng tu hành để tiến lên những quả vị hay những công hạnh mà trước kia chưa tiến được.

An cư kiết hạ là dịp thọ tuổi của chúng Tăng

Đức Phật dạy rằng: Bổn phận người xuất gia là phải an cư kiết hạ mỗi năm một lần. Dù đến 60 tuổi cũng vẫn phải an cư kiết hạ. Lời dạy này đã nêu rất rõ sự chú của Ngài đến sự thanh tịnh tu hành, sự hành trì giới luật một cách triệt để. Trong các kinh điển, đôi khi thấy đức Phật tán thán hạnh độc cư và khuyến khích các Tỳ kheo phải sống theo hạnh đó. Nhưng có những trường hợp, Ngài lại khuyên các Tỳ kheo biết hòa hợp chung sống, trao đổi kinh nghiệm tu tập, sách tấn và nương tựa lẫn nhau. Như vậy, bản thân mỗi người sẽ cảm nhận được lời dạy của đức Phật  tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể. Thanh tịnh cũng như hòa hợp là hai yếu tố hình thành nên Tăng đoàn của đức Phật. An cư là dịp để chư Tăng trưởng dưỡng hai yếu tố đó.

Loading...

Ba tháng an cư, cửu tuần tu học đích thực là nguồn năng lực quý báu làm nóng lại và bền vững hơn tinh thần thanh tịnh hòa hợp của Tăng – già. Chúng ta sẽ dễ dàng cảm nhận được sự hưng thịnh của Phật pháp khi chốn Tòng lâm mỗi ngày giới luật nghiêm minh cũng như đêm tọa thiền niệm Phật, trên dưới hòa hợp, tu tập trong niệm đoàn kết an hòa.

Loading...