Không như pháp phục của những tôn giáo khác, chiếc áo Cà Sa của đạo Phật không hề thuần túy và chỉ là chiếc áo che mình mà đã trở thành một hình ảnh mang tính biểu trưng của Phật giáo. Chiếc áo là biểu tượng của đạo pháp cũng như nhà tu hành, do đó nó cũng tượng trưng cho những gì trân quý, cao cả và thiêng liêng nhất. Chiếc áo Cà Sa cũng là biểu tượng của phạm hạnh hay đức độ của con người. Đối với hàng phật tử xuất gia nếu được khoác trên mình chiếc áo Cà Sa để hoằng dương chánh pháp, lợi lạc quần sinh chắc chắn là một hạnh duyên thù thắng mang lại nhiều hạnh phúc cũng như an lành và thành tựu.

Cà Sa là gì?

Cà sa có thể hiểu là chiếc áo đạm bạc mang màu sắc đơn giản nói lên một đời sống khiêm tốn nhất, đơn sơ nhất. Và đôi lúc sự khiêm tốn đến độ không còn dùi để cắm đó cũng chính là một đời sống cao quý và giá trị nhất của những người con Phật. Sau hơn 2.500 năm Phật giáo truyền bá trên khắp thế giới, do nhiều bối cảnh văn hóa cũng như địa dư đã tạo ra những sự khác biệt trong hình thức, nhưng như đã nói, hình ảnh đầu tròn áo vuông chính là một hình ảnh bất biến và bao trùm. Xét trong một mức độ nào đó nó còn nói lên tính chính thống của Tăng đoàn cũng như giáo pháp. Hình ảnh này chắc chắn rất cần thiết trong những thời kỳ mà sự mạo danh và lạm dụng phổ biến như ngày nay.

Nguồn gốc của chiếc áo Cà Sa

Chiếc áo Cà Sa do chính đức Phật chế, được hình thành do lúc ban đầu, Tăng đoàn của Phật áo không khác biệt gì đối với những người tu hành thuộc các truyền thống tôn giáo khác. Vì thế khi xưa vua Tần-bà-sa-la của nước Ma-kiệt-đà là một đệ tử của đức Phật đã ngỏ lời đề nghị với Phật xin cho các đệ tử được ăn mặc khác hơn để mọi người dễ nhận ra. Vào thời điểm ấy, Đức Phật và người con thân cận nhất là A-nan-đà đang du hành phương Nam để thuyết giảng, khi Phật thấy những thửa ruộng lúa hình chữ nhật được chia cắt bởi những đoạn bờ thẳng tăm tắp. Ngài liền bảo A-nan-đà cứ theo mẫu ấy mà may áo cho Tăng đoàn. Chính vì thế mà chiếc áo Cà Sa mang hình những thửa ruộng và được chắp nối vào nhau bằng những mảnh vải như hình những thửa ruộng được ngăn cách bởi những đoạn bờ. Cũng do đó trong kinh sách tiếng Hán, chiếc áo Cà-Sa còn được gọi là cát triệt y hay điền tướng y tức là áo theo hình thửa ruộng.

Công dụng của chiếc áo Cà Sa

Chiếc áo Cà Sa dùng để che thân hay đắp cũng như gối đầu hoặc đôi lúc gấp lại và ngồi lên đó như một tọa cụ. Kinh Bát-nhã có kể chuyện Đức Phật cùng với các đồ đệ sau khi khất thực về, ăn xong thì chính Ngài tự lau rửa bình bát, sau đó tự tay xếp áo Cà-Sa và làm tọa cụ và ngồi lên đó để thuyết giảng. Có khi thì các đồ đệ lấy áo của mình xếp chồng lên nhau để Phật ngồi.

Màu sắc của chiếc áo Cà Sa

Màu sắc của chiếc áo Cà Sa không nhuộm hẳn bằng màu nào cả và đặc biệt tránh không dùng năm màu chính là xanh, vàng, đỏ, trắng và đen chính vì vậy chiếc áo được pha trộn nhiều màu để tạo ra một màu sắc thật giản dị để hợp với những người tu hành. Áo gồm nhiều mảnhvì đó là những mảnh vải nhặt được và khâu nối với nhau. Ngày nay thì chiếc áo Cà-Sa cũng phần nào có sự cải biến cũng như từ cách may cho đến màu sắc.

Loading...

Ý nghĩa của chiếc áo Cà Sa

Xét theo góc độ ý nghĩa vật chất thì chiếc y cà sa được may bằng cách ráp nối những mảnh vải vụn lượm lặt lại với nhau. Và hơn thế, khi các chư tăng nhận phẩm vật cúng dàng của phật tử, tùy khả năng để có thể mang lại lợi ích và không lãng phí. Đó cũng chính là sự đúc kết kinh nghiệm của các hành giả tu lâu năm trong các tu viện thanh tịnh phải tự lo lượm vải khâu may y phục cho bản mình. Điều đó cũng nói lên ý nghĩa khiêm nhường và giản dị của chiếc áo Cà Sa. Người xuất gia khoác lên người chiếc áo cà sa đơn thuần cũng là để tự kiểm chứng chính mình, giúp họ luôn giữ giới cũng như nhắc nhở bản thân không được tà dâm, sát sinh chiếc áo ấy đem đến sự an lạc và biết phát lộ lòng từ bi, giúp tăng trưởng trong tâm thức sự can đảm, tinh tấn, sức mạnh cũng như trí tuệ để vượt qua những chướng duyên trên con đường tu tập.

Chiếc áo Cà Sa qua thời gian cũng như không gian đã có những thay đổi để phù hợp với điều kiện môi trường khí hậu hay phong tục tập quán của mỗi quốc gia nhưng chắc chắn những biến đổi đó không làm mất đi giá trị biểu trưng và hình tượng tiêu biểu của đạo Phật. Chiếc áo Cà Sa chắc chắn vẫn luôn giữ được truyền thống và phong cách hàng ngàn năm của Phật giáo.

Loading...