Tín ngưỡng thờ Mẫu được hiểu theo một nghĩa hẹp hơn đó chỉ là dạng hình thức tín ngưỡng với tên gọi là Mẫu Tam phủ – Tứ phủ, hình thức thờ cúng những vị Mẫu cai quản trong vũ trụ.

Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau về tín ngưỡng thờ Mẫu, tuy nhiên phần lớn người Việt Nam cho rằng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian với những lý do:

1. Thờ Mẫu được hình thành trong chế độ Mẫu hệ, nó bắt nguồn từ thờ nữ thần.

2. thờ Mẫu thiếu những tiêu chí cơ bản để cấu thành một tôn giáo như sáng thế luận, giáo luật, giáo lý, giáo hội, hệ thống tổ chức…

3. Trong thờ Mẫu yếu tố niềm tin còn dựa vào sự cảm nhận của chủ thể (mỗi người tin theo cách khác nhau), chưa mang tính hệ thống.

Loading...

4. Trong các văn bản pháp luật của Nhà Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ thừa nhận có 6 tôn giáo ở Việt Nam hiện nay là: Phật giáo, Công giáo, Hồi giáo, đạo Tin Lành, đạo Hòa Hảo, đạo Cao đài.

“Mẫu” là xuất phát từ Hán-Việt, còn thuần Việt là Mẹ, Mụ. Nghĩa ban đầu Mẫu (mẹ) đều chỉ người phụ nữ sinh ra con. Mẫu (mẹ) còn có ý nghĩa tôn vinh, tôn xưng như Mẫu nghi thiên hạ, Mẹ Âu Cơ, Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn.

Mẹ Âu Cơ và truyền thuyết đẻ bọc trăm trứng
Mẹ Âu Cơ và truyền thuyết đẻ bọc trăm trứng

Một số nhà nghiên cứu cho rằng tục thờ Mẫu có nguồn gốc từ thời Tiền sử khi người Việt thờ các thần linh thiên nhiên như: trời, đất, sông nước, rừng núi….Tín ngưỡng thờ Mẫu là sự tôn vinh các vị thần được cho là có khả năng siêu phàm, có thể điều khiển được thiên nhiên vốn mang tính quy luật. Trong quá trình mưu sinh tìm nguồn sống, con người luôn vẫn phải dựa vào thiên nhiên vì thế họ đã tôn thờ các hiện tượng tự nhiên như đấng tối cao là Mẫu và thờ Mẫu, mong muốn Mẫu sẽ là người bảo trợ và che trở cho đời sống con người, là cứu cánh của mọi khổ đau bất hạnh.

Nguồn gốc của tín ngưỡng thờ Mẫu

Cho tới nay, tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta chưa biết chính xác có từ khi nào. Các nhà nghiên cứu cho rằng tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ III hoặc thứ II trước công nguyên. Và thờ Mẫu có nguồn gốc ở miền Bắc.

Các vị được thờ trong các đền, chùa, miếu, điện; đặc biệt là có Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thờ trong một loại hình kiến trúc riêng là Phủ: Phủ Dầy, Phủ Tây Hồ. Vào đến miền Nam, “Ðạo” này đã hoà nhập “Mẫu” với các nữ thần trong tín ngưỡng địa phương: Thánh Mẫu Thiên Y A Na (Huế), Thánh Mẫu Linh Sơn (Tây Ninh).

Theo GS. Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu bắt nguồn từ thờ nữ thần (thần Lúa) và thờ mẫu thần (bà Ỷ Lan), nó mang tính bản địa, cái đó có từ thời nguyên thủy. Phát hiện khảo cổ học hiện nay người ta đã đào được tượng của nữ thần, tượng của phụ nữ với những đặc tính nữ tính rất rõ rệt. Những yếu tố bản địa phải đến thế kỷ thứ XV-XVI khi đạo thờ nữ thần, mẫu thần bản địa Việt Nam tiếp xúc với đạo giáo Trung Hoa, chúng ta đã tiếp nhận một số đặc điểm nào đó và từ đó mới hình thành nên đạo mẫu tam phủ, tứ phủ. Do vậy mà Đạo Mẫu có 3 lớp: Thờ Nữ thần; Thờ Mẫu thần; Thờ Mẫu tam phủ – tứ phủ và Mẫu tam phủ – tứ phủ là đỉnh cao của thờ Mẫu, chính là sự hòa trộn giữa cái tín ngưỡng thờ Nữ thần và Mẫu thần bản địa với ảnh hưởng của đạo giáo Trung Hoa.

Trên một đất nước đa dân tộc và tồn tại nhiều loại hình tôn giáo, tín ngưỡng, khi muốn nhận diện, phân biệt nhất là đối với những hình thức tín ngưỡng bản địa còn mang nhiều dấu vết nguyên thuỷ của cư dân nông nghiệp, ta không thể tránh khỏi những khó khăn.

Với đạo Mẫu cũng vậy, sự nhận diện dễ dàng cũng không thể có được, bởi những nơi thờ riêng, vì bề ngoài nó cũng giống như một ngôi chùa, một ngôi đình, hay một ngôi đền bất kỳ nào khác. Điện thờ Mẫu có ở khắp mọi nơi trên đất nước, từ đồng bằng lên miền núi, và cả ở trong khu cư trú của cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Có nơi nó tồn tại là một đền phủ nguy nga, có nơi nó chỉ là một ban thờ khiêm tốn đặt tại một góc trong một ngôi chùa, một điện thờ nhỏ trong từng gia đình. Cho nên người ta chỉ nhận diện được nơi thờ Mẫu khi quan sát từng nét riêng trong từng chi tiết của kiến trúc tổng thể của điện thần, và nhất là ở sự bày bố điện thờ, và những nghi thức cầu cúng. Chính những nét riêng ấy đã làm nên những đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu (xuất phát từ quan niệm nguyên thủy: mọi vật đều sinh ra từ Mẹ) khiến cho tín ngưỡng này là một hình thức tín ngưỡng thuần phác, đặc biệt của dân tộc Việt.

Loading...