Người ta vẫn thường nói Phật có tâm bồ đề. Thế nào gọi là “tâm bồ đề”? Trong “Trang Nghiêm luận” có nói: “Gốc của tâm bồ đề là tâm đại bi.” Mọi công đức của Phật đều tới từ tâm đại bi. Khi sức mạnh của tâm đại bi càng lớn thì trách nhiệm gánh vác mọi thứ và đấu tranh với dục vọng vì chúng sinh cũng càng mạnh mẽ; khi cảm giác trách nhiệm này càng mạnh mẽ thì sức mạnh mang tới cho tâm bồ đề càng kiên định, càng kiên cố. Thế nên nguồn gốc của tâm bồ đề bắt nguồn từ tình yêu đối với chúng sinh và lòng đau xót không nhẫn tâm nhìn thấy chúng sinh chịu đau khổ, tức là nó được tâm từ và tâm bi sinh ra.

Trong kinh Phật có một câu chuyện: Thời xa xưa, một cánh rừng sâu nọ bỗng nhiên bị cháy, một lượng lớn cây bị thiêu rụi, chỗ ở của không ít động vật cũng bị hủy hoại, chúng chạy tứ tán khắp nơi. Trong rừng có một con chim trĩ, nó đem thân mình ra dùng sức lực nhỏ bé của mình mong dập được trận hỏa hoạn này. Nó bay đến con sông ở xa, ngâm mình vào nước, làm cho lông toàn thân ướt đẫm rồi lại bay về cánh rừng cứu lửa.

Nó cứ lặp đi lặp lại, bay tới bay lui, không cho thế là khổ, nhưng cuối cùng chỉ như muối bỏ bể, cũng không có ích gì, nó vẫn kiên trì làm thế, mong dập được lửa.

Lúc này, Thiên đế thấy nó không nề hà gian khổ, bèn hỏi: “Ngươi tại sao lại làm thế?”

Chim trĩ trả lời: “Tôi chỉ muốn dập trận lửa này, để các động vật trong rừng lại có chỗ an thân mà thôi! Cánh rừng chính là nơi các động vật nương nhờ vào mà sống. Tôi tuy bé nhỏ nhưng có sức lực, cho dù sức lực này rất yếu ớt nhưng cũng được tính là một phần sức mạnh. Đã có sức lực tại sao lại không cố gắng để cứu giúp?”

Loading...

Thiên đế lại hỏi: “Sức của người yếu như vậy, chắc chắn không thể dập được trận hỏa hoạn này, vậy người định làm đến bao giờ?”

Chim trĩ trả lời: “Tôi cứ bay tới bay lui lấy nước dập lửa, đến khi nào tôi không bay được nữa, chết đi rồi thì tôi mới ngừng.”

Sự dại dột cương quyết lao mình vào lửa không tính đến lợi ích, giá trị, được mất này chính là tâm bồ đề bắt nguồn từ tâm đại bi. Chim trĩ chính là loài chim có tâm bồ đề, tình yêu của nó với người khác đã vượt xa được tình yêu của nó với bản thân. Nó dùng tâm bồ đề của mình cứu người khác, trong đó nổi bật lên sự lương thiện khiến cho chúng ta cảm động.

A Na Luật là một nhà tu hành tịnh tiến, ông chuyên tâm thông đọc kinh văn, thường đọc suốt đêm không ngủ. Do mỏi mệt quá độ nên mắt bị mù. Ông tuy rất đau lòng nhưng vẫn không nhụt chí, ngược lại càng phấn đấu học tập. Một hôm, quần áo của ông rách một lỗ lớn, ông bèn tự mình vá lại. Sau đó chỉ bị tuột, mắt ông lại không nhìn thấy nên trông rất nhếch nhác. Đức Phật biết nỗi khó khăn của A Na Luật, bèn vào trong phòng ông, giúp ông xâu kim.

“Là ai giúp tôi xâu kim vậy?” – A Na Luật hỏi.

“Là Phật giúp ông xâu kim.” – Đức Phật vừa trả lời vừa giúp ông vá miếng rách. A Na Luật cảm động rơi nước mắt.

“Thông cảm với người khác, giúp đỡ người khác là trách nhiệm chúng ta nên có.” Đức Phật giáo dục các đệ tử nói. Đức Phật tự mình làm gương, đã để lại cho các đệ tử một tấm gương sáng. Các đệ tử biết rồi, cực kì cảm động đều cố cắng khuyến khích, giúp đỡ lẫn nhau để phục vụ chúng sinh.

LUẬN GIẢI

Thương xót và lương thiện đều bắt nguồn từ tâm bồ đề thánh khiết. Để mọi chúng sinh hữu tình có thể tránh xa nỗi thống khổ và những chướng ngại do nỗi thống khổ để lại, Phật đã tự mình tìm hiểu nỗi thông khổ này, đã thể nghiệm nỗi khổ từ nội tâm, từ cá nhân mình từ đó mới sinh tâm thương xót bất nhẫn đối với chúng sinh.

Đừng cho là việc thiện nhỏ mà không làm. Đối với những người bình thường như chúng ta nên sinh tâm bi thương xót bất nhẫn này, đầu tiên phải tự mình hoàn toàn yêụ người khác, hơn nữa phải yêu người khác hơn chính bản thân mình thì chúng ta mới có thể sinh tâm đại bi mạnh mẽ. Có tâm ái như vậy, người với người sống với nhau hòa hợp, hài hòa hơn, thế giới cũng càng thêm tốt đẹp.

Loading...