Đi lễ chùa được xem là một nét văn hóa tâm linh đẹp của người Việt Nam. Nhưng đi chùa như thế nào cho đúng, cúng lễ như thế nào là phải đạo, thì không phải ai cũng biết. Con người ai ai cũng mong có thể có được nhiều lộc lá, nhiều bình an, may mắn, sức khỏe khi đi lễ chùa, nhưng trước khi có được điều đó, họ cần phải biết nhưng quy tắc cơ bản khi lễ bái, mà một trong số đó là việc sắm lễ đi chùa.
Những điều cần nhớ
Lúc sửa soạn để đi lễ chùa hay mua lễ vật, mỗi người cần hiểu rõ và thực hiện theo những quy tắc đã có sẵn, để vừa tạo sự tôn nghiêm, thanh tịnh cho chùa, vừa giúp người đó có được sự toại nguyện với những khẩn cầu.
Thứ nhất, khi đi dâng hương lễ chùa, không được sắm lễ mặn, chỉ được sắm lễ chay. Lễ mặn chỉ được sắm trong trường hợp ở chùa đó có thờ Thánh, Mẫu và chỉ được dâng lễ mặn tại nơi thờ tự đó. Tuyệt đối bạn không được đưa lễ mặn lên đặt ở chính điện, phật điện của chùa.
Mọi người đi chùa thường có thói quen sắm vàng mã, tiền âm, nhưng không phải ở chỗ nào bạn cũng được đặt lễ này. Thông thường nó chỉ được đặt ở điện thờ Thánh, Mẫu, Đức Ông.
Các loại hoa dùng để lễ phật nên là hoa sen, hoa mẫu đơn, hoa ngâu, hoa huệ. Bên cạnh đó mỗi người trước ngày lễ phật cần phải thực hiện ăn chay, kiêng giới, làm việc thiện.
Những điều cần chú ý
Khi đã bước chân vào đến cửa chùa, hãy nhớ những điều nên và không nên làm để giữ được không khí tôn nghiêm, thanh tịnh của chốn chùa, đồng thời thể hiện được tấm lòng thành kính của mình.
Đầu tiên phải luôn nhớ rằng chùa là chốn tôn nghiêm, nên cần phải đi đứng ăn nói nhẹ nhàng, có văn hóa, trang phục khi vào chùa cần kín đáo, nghiêm chỉnh.
Không nên mang theo những vật dụng cá nhân như túi xách, gậy gộc, mũ áo….vì sẽ dễ làm cho công quả tiêu tan. Trong khi cúng bái tuyệt đối không quỳ giữa chính điện vì đó là vị trí của trụ trì, phật tử đi cúng bái nên quỳ chếch sang một bên.
“A di đà phật” là câu nói được dùng để chào hỏi, thay cho xưng tên với các vị cao tăng, sư thầy trong chùa, cũng là câu chào khi mình ra về.
Khi bày lễ nên chú ý để phần biệt các ban chính phụ của chùa để bài trí lễ phù hợp, tránh nhầm lẫn. Đồng thời phải tuân thủ quy trình cúng bái theo tuần tự để có được nguyện cầu như ý.
Có thể nói sắm lễ cúng bái cũng thể hiện cho tấm lòng thành của mỗi người khi đi lễ chùa, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là cái tâm hướng phật của mỗi người, tấm lòng luôn tin tưởng và hướng phật, thì sẽ được chứng giám va ban phước lộc.