Là phật tử quy y Tam Bảo, hàng ngày chúng ta cần cúng dường Tam bảo để tự nhắc nhở tâm quy y. Ngoài ra đây cũng là một phương pháp tích lũy công đức rất thù thắng. Không phải vì không cúng dường Phật sẽ bị đói khát Ngài vốn không cần phẩm của chúng ta. Chỉ là nhờ vào Phật mà khi dâng phẩm cúng dường, chúng ta tích lũy được nhiều công đức.
Cúng dường Tam Bảo nghĩa là gì?
Cúng dường nghĩa là cung cấp và nuôi dưỡng. Chúng ta cung cấp và nuôi dưỡng Tam bảo để nó được trường tồn làm lợi ích cho chúng sanh. Phải cúng với lòng thành kính, tôn trọng, tuyệt đối tránh thái độ kiêu căng, cầu phước.
Vì sao phải cúng dường Tam Bảo?
Mỗi người hãy luôn nhớ ơn Tam bảo là Phật, Pháp, Tăng. Nhờ có Đức Phật đã tìm ra được con đường để giải thoát con người khỏi bể khổ trầm luân trong vòng sinh tử luân hồi. Sau khi Phật đã nhập Niết Bàn rồi, nhờ có giáo lý của Ngài còn để lại, đời nọ truyền qua đời kia, con người nhờ đó mà biết chân lý, theo đó tu hành để giải thoát khổ đau. Còn Tăng là những người đã hy sinh cao cả, là giềng mối giữ cho đạo Phật được trường tồn và ngày càng hưng thịnh. Do đó người Phật tử cúng dường Tam bảo để đền đáp ân đức họ đã ban cho, cúng dường cũng như bố thí để tâm người Phật tử được thăng hoa, vun bồi công đức, xả ly của cải.
Cúng dường Tam Bảo như thế nào cho đúng ý nghĩa?
Cúng dường Phật bảo
Xây dựng Chùa chiền, thỉnh tượng cúng Chùa, đúc chuông, dâng hoa, trầm, hương, đèn, nến cũng như đóng góp tiền bạc để có điều kiện làm những việc trên hoặc cúng vào quỹ của Tam bảo đó là người Phật tử bày tỏ sự biết ân cũng để hoằng dương đạo Phật.
Cúng dường Pháp bảo
Nhờ giáo lý của đức Phật, mà mỗi người biết được đâu là khổ, đường nào tu học để được phước báo cũng như giải thoát và đáp lại ân đức ấy, người Phật tử phải đem giáo lý của đức Phật đến cho những người khác biết để họ có lòng tin và tu học.
Cúng dường Tăng bảo
Chư Tăng là những người thay thế Đức Phật mà truyền lại giáo pháp cho chúng ta, vì vậy mỗi người phải cung cấp và nuôi dưỡng họ. Thái độ cúng dường phải thành kính, trân trọng, không tự cao và phân biệt vị Tăng ở chùa nào hay xứ nào cả; vị nào ở trong hàng ngũ Tăng đoàn thì chúng ta cứ cúng dường. Nên chọn những thứ có thể dung cho đời sống tu học chân chánh của các vị chư Tăng, hạn chế việc chiều theo những sở thích riêng tư của vị này vị kia mà cúng dường những thứ sai Chánh pháp, nếu làm như vậy chính người cúng sẽ mất đi phước báu và người thọ nhận cũng mang tội.
Nói về phẩm cúng dường
Phẩm cúng dường không cần món đắt tiền, nhưng đã cúng thì phải tùy khả năng mà chọn những gì tốt nhất, đẹp nhất và nhiều nhất để cúng. Cúng trái cây thì đừng mang cúng loại trái cây đã hỏng chính mình chê không ăn. Làm như vậy không hề được. Hay như những người Tây tạng khi cúng đèn bơ nhưng đợi khi bơ hư mốc đi không còn ăn được nữa tới lúc đó mới mang ra cúng Phật là không được. Nếu ta cúng như vậy không những khó có được công đức mà lại còn để lại nhiều ác nghiệp. Mỗi phẩm cúng dường đều phải là những món thanh sạch và tươi tốt nhất.
Cúng dường có mấy cấp
Cúng dường có 3 cấp là phẩm vật cúng dường như dâng Phật, Bồ Tát và chư Tăng những vật chất như thực phẩm, hoa, áo quần, vật dụng rồi đến Kính tín cúng dường là dâng lên tấm lòng thành kính và niềm tin tuyệt đối vào Phật. Phần kính tín cao hơn phẩm vật cúng dường. Và cuối cùng là hạnh cúng dường biến giáo lý của Phật thành hành động lợi ích cho chúng sanh. Đây là cúng dường cao nhất.
Khi cúng dường tâm phải thanh tịnh
Cúng dường được công đức hay không còn tùy nơi tâm người mỗi người cúng ra sao. Vậy phải cúng với tâm như thế nào mới được nhiều công đức? Nếu cúng Tam Bảo với cái tâm chỉ biết cầu cho mình được giàu sang, cho mình hết bệnh tật hay điều này điều kia được như vậy…cúng dường với cái tâm mong cầu hồi báo sẽ làm hao tổn công đức. Mỗi khi cúng dường Tam Bảo không nên suy nghĩ tính toán thiệt hơn chỉ cần có tấm lòng luôn hoan hỷ và chí thành, một khi đã cúng dường rồi đừng bao giờ bận tâm mình đã cúng được ít hay nhiều . Ta hãy nhớ lòng chí thành luôn quan trọng hơn tất cả.
Cúng dường Tam Bảo phải trở thành một phần trong công phu tu tập hàng ngày. Mỗi người Phật tử phải phát tâm, hể có dịp thì cúng dường Tam bảo, thì luôn nhớ việc cúng dường luôn có phước báo cho chính bản thân mình, nó cũng là phương pháp tập để mình có thể xả ly tiền tài của cải, có như vậy mới mau thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử.