Nhiều người thường cho rằng Phật giáo là một tôn giáo cho nên không có quan hệ nào với vấn đề kinh tế nhưng đó là một nhận định sai lầm, bởi vì con người là một hợp thể do ngũ uẩn tạo thành chia làm hai phần là vật chất và tinh thần. Vì vậy con người không thể chỉ dựa vào tinh thần không thôi mà có thể tồn tại được, nhưng con người cũng không thể chỉ là động vật thuần nhất về kinh tế vật chất. Điều không thể nghi vấn là con người muốn sinh tồn cần phải có đầy đủ những nhu cầu vật chất căn bản nhất. Phật giáo không hề bài trừ vấn đề kinh tế nhưng nói sự phát triển tinh thần mà không chấp nhận điều kiện vật chất thì không phải là chủ trương và cái nhìn của Phật giáo. Phật giáo nhấn mạnh sự phát triển toàn diện của con người cần hội đủ những vấn đề về phát triển tinh thần, sự tráng kiện của thân tâm cùng sự bảo đảm về điều kiện kinh tế.

Phật giáo phản đối cái nghèo

Với cái nhìn của Đức Phật, trong một hoàn cảnh nhất định cần có đầy đủ những nhu cầu tối thiểu về vật chất quan trọng hơn là niềm tin tín ngưỡng. Đức Phật luôn biết rất rõ khi con người đang bị đói khát thì không thể nói đến vấn đề tín ngưỡng được. Không những thế sự nghèo khó luôn gắn chặt với bạo lực và tội phạm. Sự thiếu thốn về văn minh vật chất làm cho nghèo khổ phát sinh, từ trong nghèo khổ mà trộm cắp hoành hành. Hơn nữa giết người, bạo lực và những dục vọng biến thái cũng từ đó phát sinh, thậm chí còn dẫn đến sự leo thang của tội ác hay niềm tin tôn giáo bị phá vỡ và sự ổn định của trật tự xã hội sẽ không giữ được. Từ những điều trên chúng ta biết rằng Phật giáo không chấp nhận sự nghèo khó không phải là càng nghèo càng quang vinh. Phật giáo nhấn mạnh đến tinh thần đồng thời cũng đề cao sự quan trọng của vật chất. Đạo Phật không bài trừ kinh tế vì trong kinh điển Phật giáo đã đề cập rất nhiều đến vấn đề kinh tế. Tuy nhiên chúng ta cần phải dụng tâm thu thập phân tích từ các lời dạy của Ngài trong hệ thống kinh điển và tổng hợp để hình thành nên một khái niệm về kinh tế học của Phật giáo.

Kinh tế dưới góc nhìn Phật giáo

Trong bối cảnh của suy thoái kéo dài của nền kinh tế và những hệ lụy tới ngành nông nghiệp của thế giới thì bất chợt ai đó đã băn khoăn phải chăng đã đến lúc chúng ta nên nhìn lại thành tựu tăng trưởng vượt bậc trong suốt thời gian qua, nhìn lại cách chúng ta tư duy về nền kinh tế và lối sống của mình. Các quốc gia theo đạo Phật thường khẳng định rằng họ muốn trung thành với di sản mà cha ông để lại, song họ cũng kiên định phát triển kinh tế theo lối tư duy kinh tế hiện đại với biện giải rằng không hề có bất cứ mâu thuẫn nào giữa giá trị tín ngưỡng và sự tiến bộ kinh tế. Phật giáo không bao giờ đi ngược lại với sự thịnh vượng về vật chất. Vật cản đối với sự giải phóng không phải là sự giàu có hay việc tận hưởng những thú vui mà là sự bám giữ lấy của cải và sự khao khát những thú vui ấy. Vì vậy, điều chủ chốt trong kinh tế học Phật giáo là tính giản dị và sự hòa hảo.

Chủ trương của Đức Phật là làm sao phát triển kinh tế mà không làm tổn hại đến người khác

Giai đoạn dân số được phát triển với đời sống con người được tập hợp thành bộ tộc thì vấn đề bắt đầu xảy ra vì đã xuất hiện sự tranh chấp về những nguồn lợi thiên nhiên. Từ đó mới hình thành các quốc gia ở thời kỳ phong kiến, khi muốn thể hiện sức mạnh của họ hay muốn làm bá chủ các nước khác thì vấn đề phát triển kinh tế quốc gia tất yếu được coi là quan trọng.Vì vậy mà Đức Phật luôn suy tư để tìm cách sống có thể đem lại sự an lành cho mọi người và tất cả các loài. Chủ trương của Ngài là làm sao phát triển đời sống của cá nhân mà không làm tổn hại đến người khác, làm sao phát triển đời sống kinh tế của con người mà không làm tổn hại đến các loài sinh vật khác.

Xây dựng cuộc sống vật chất và tinh thần tốt đẹp cho mọi người, mọi loài, ở khắp mọi nơi trên quả địa cầu này luôn luôn là mục tiêu hướng đến trong mọi sinh hoạt của hành giả Phật giáo Đại thừa. Đức Phật dạy Ngài chỉ là bậc đạo sư chỉ dạy đường đi và phương hướng cho chúng ta còn chúng ta phải tự mình bước đi. Từ kinh nghiệm tức thời cũng như các triển vọng dài hạn, thì với Đạo Phật luôn cho rằng vấn đề kinh quan trọng hơn bất cứ giá trị tinh thần hay tôn giáo nào, bởi đây không phải chỉ là vấn đề lựa chọn giữa sự phát triển hiện đại hay sự trì trệ truyền thống mà là lựa chọn để có con đường phát triển đúng đắn.

Loading...
Loading...