MỆNH của một con người (hay có khi còn gọi là “mạng”) giống như một cái khuôn riêng cho mỗi người. Khi được sinh ra từ một giai đoạn nào đó – suy hay vượng – của cha mẹ sẽ tạo ra cho người con một cái vỏ để sẵn sàng chứa đựng nhận thức, chứa đựng sinh lực của người con đó. Rồi qua thực tiễn học tập, rèn luyện, giao tiếp, người ta tiếp thu những kiến thức sống, với tính năng động của hoạt động ý thức mà chỉ con người mới có, con người vận dụng nó làm vốn sống cho mình. Cái khuôn mệnh của người nào to sẽ chứa được nhiều kiến thức hơn, khuôn mệnh của ai nhỏ thì sự thành đạt cũng chỉ dừng ở một chừng mực nhất định. Người xưa có câu “Chữa được bệnh, không chữa được mệnh” là vì vậy.
QUY TẮC HỢP – KHẮC – HÌNH – HẠI CỦA THIÊN CAN VÀ ĐỊA CHI
Tứ trụ là 4 điều kiện về thời gian để nhận biết về mệnh của một con người, đó là năm sinh (cầm tinh con gì – theo tuổi âm lịch), tháng sinh, ngày sinh và giờ sinh.
Các quy tắc hợp – khắc – hình – hại của thiên can và địa chi là xem xét trong phạm vi tứ trụ của một con người (chứ không phải người này với người kia là hợp hay khắc !).
ÂM DƯƠNG VÀ NGŨ HÀNH CỦA THIÊN CAN
Có 10 thiên can: GIÁP – ẤT – BÍNH – ĐINH – MẬU – KỶ – CANH – TÂN – NHÂM – QUÝ.
- Can dương: GIÁP – BÍNH – MẬU – CANH – NHÂM
- Can âm: ẤT – ĐINH – KỶ – TÂN – QUÝ
Ngũ hành của thiên can:
- GIÁP – ẤT thuộc MỘC.
- MẬU – KỶ thuộc THỔ.
- BÍNH – ĐINH thuộc HOẢ.
- CANH – TÂN thuộc KIM.
- NHÂM – QUÝ thuộc THUỶ.
ÂM DƯƠNG VÀ NGŨ HÀNH CỦA ĐỊA CHI
12 địa chi: TÝ – SỬU – DẦN – MÃO – THÌN – TỊ – NGỌ – MÙI – THÂN – DẬU – TUẤT – HỢI
- Chi dương: TÝ – DẦN – THÌN – NGỌ – THÂN – TUẤT
- Chi âm: SỬU – MÃO – TỊ – MÙI – DẬU – HỢI
Ngũ hành của 12 địa chi:
- DẦN – MÃO thuộc MỘC
- TỊ – NGỌ thuộc HOẢ
- THÌN – TUẤT – SỬU – MÙI thuộc THỔ
- HỢI – TÝ thuộc THUỶ
- THÂN – DẬU thuộc KIM
QUY TẮC SINH – KHẮC CỦA CAN
Trong tứ trụ, xem ngũ hành của các can (can năm, can tháng, can ngày và can giờ sinh) để biết sinh hay khắc.
Nếu khắc tức là người có tứ trụ đó hay gặp những chuyện không may trong cuộc sống, gọi là HUNG; nếu sinh tức là hay gặp may mắn, dễ thành đạt trong cuộc sống, gọi là CÁT.
Sự “tương sinh” giữa hai can bên cạnh nhau có lực mạnh hơn hai can cách nhau (Thí dụ: can năm sinh can tháng, can tháng sinh can năm hay can tháng sinh can ngày, can ngày sinh can giờ, hay can ngày sinh can tháng, can giờ sinh can ngày là sự tương sinh của hai can bên cạnh nhau, còn như can năm sinh can ngày hay can năm sinh can giờ, can tháng sinh can giờ hay can ngày sinh can năm là sự tương sinh của hai can cách nhau vì có một can ở giữa). Khi có sự tương sinh, can sinh thì khí bị giảm, mà can được sinh thì khí sẽ mạnh thêm.
Khắc cách can mà can ở giữa hóa khắc thì không còn gọi là khắc nữa. (Ví dụ: can Bính HỎA khắc can Canh Kim, nhưng ở giữa có can thuộc THỔ sẽ là cho Bính Hỏa “xì hơi” (yếu đi để sinh THỔ), sau đó THỔ lại sinh Kim, như vậy là liên tục sinh, không còn là khắc nữa. Trong khi có “tương khắc”, cả hai can đều bị tổn thương, can bị khắc tổn thương nhiều hơn can khắc.
Trong khắc có hợp cũng không còn là khắc nữa (Thí dụ: Bính HỎA khắc Canh KIM, nhưng trong Tứ trụ có can Tân, mà Bính – Tân hợp thành THỦY, mà THỦY thì khắc HỎA, do đó Bính HỎA khắc không khắc nổi Canh KIM nữa).
THIÊN CAN HỢP HÓA:
– Lấy can ngày làm chủ – can tháng hoặc can giờ (hai can kế bên) là hợp, còn chi tháng nếu là ngũ hành giống nhau thì mới gọi là hợp hóa.
– Can của năm và tháng cùng hợp, chi của năm cùng ngũ hành nên được hóa (thí dụ: Năm Canh, tháng Ất hợp thành KIM, chi năm là Thân Kim – hợp hóa).
– Can ngày hợp với can tháng, hoặc can ngày hợp với can giờ, chi tháng không hóa, nhưng ngũ hành mà nó hóa ở trong ba chi còn lại hợp thành cục hoặc hội cục thì cũng có thể nói đến sự hợp hóa (thí dụ : Ngày Canh, tháng Ất hợp thành KIM, chi tháng không phải tháng Thân hoặc tháng Dậu nhưng 3 chi của Năm – Ngày – Giờ hợp thành Thân – Tý – Thìn hoặc Thân – Dậu – Tuất thì sự hợp đó có hóa)
Ngũ hợp của thiên can hóa ngũ hành:
- Giáp hợp với Kỷ hóa thành THỔ
- Ất hợp với Canh hóa thành KIM
- Bính hợp với Tân hóa thành THỦY
- Đinh hợp với Nhâm hóa thành MỘC
- Mậu hợp với Quý hóa thành HỎA
(*) Giáp hợp Kỷ hóa THỔ: Là sự hợp trung chính. Chủ về yên phận thủ thường, trọng chữ tín. (Nhưng nếu trong mệnh cục không có THỔ mà có “thất sát” thì người đó thiếu tình nghĩa, gian giảo nhiều, không biết liêm sỉ, tính thô thiển).
1. Can ngày Giáp hợp Kỷ:
- Nếu gặp Ất MỘC (các can còn lại có Ất) thì thê tài ngầm hao tổn.
- Nếu gặp Đinh HỎA (các can còn lại có Đinh) thì được lộc cũng như không.
- Nếu gặp Tân KIM (các can còn lại có Tân) thì cao sang, nhà cao cửa rộng.
- Nếu gặp Mậu THỔ (các can còn lại có Mậu) thì nhà cửa lộng lẫy, giàu sang.
- Nếu gặp Quý THỦY (các can còn lại có Quý) thì cuộc đời dần dần hạnh phúc.
- Nếu gặp Canh KIM (các can còn lại có Canh) thì nhà hưng thịnh.
- Nếu gặp Bính HỎA (các can còn lại có Bính) thì hưởng lộc dồi dào.
(*) ẤT hợp Canh hóa KIM: Đó là sự hợp chủ về nhân nghĩa. Người đó cương nhu đều có, trọng nhân nghĩa. (Nhưng nếu trong Tứ trụ có “thiên quan” hoặc vận kém (sinh vào năm TUYỆT của cha mẹ) thì tính tình cố chấp, không nhân nghĩa).
2. Can ngày Ất hợp Canh (can ngày là Ất, các can còn lại có Canh):
- Nếu gặp Bính HỎA thì cuộc sống khó khăn.
- Nếu gặp Nhâm THỦY thì vinh hoa.
- Nếu gặp Đinh HỎA thì cuộc sống vui vẻ, tươi đẹp như mùa xuân.
- Nếu gặp Kỷ THỔ thì vàng bạc đầy nhà.
- Nếu gặp Tân KIM thì cuộc đời như cỏ mùa thu gặp sương gió.
- Nếu gặp Giáp MỘC thì lúa gạo đầy kho.
3. Can ngày Canh hợp Ất:
- Nếu gặp KIM (Canh , Tân) thì sẽ bị hao mòn dần.
- Nếu gặp Bính HỎA thì ốm đau.
- Nếu gặp Đinh HỎA thì như rồng gặp mây.
- Nếu gặp Quý THỦY thì ruộng vườn trôi nỏi và sống thọ.
- Nếu gặp Nhâm THỦY thì tài lộc ngày càng tiến.
- Nếu gặp Mậu THỔ thì không giàu sang cũng sẽ nổi tiếng.
(*) Bính hợp Tân hóa THỦY: Là sự hợp uy nghiêm, trí lực dồi dào. (Nhưng nếu trong Tứ trụ có “thất sát” hoặc vận kém – sinh vào năm TUYỆT của cha mẹ – thì tính tình thô bạo, vô tình vô nghĩa).
4. Can ngày Bính hợp Tân:
- Nếu gặp Mậu THỔ thì công thành, danh toại.
- Nếu gặp Ất MỘC thì quyền cao chức trọng.
- Nếu gặp Quý THỦY và Kỷ THỔ thì cửa nhà khang trang, giầu có nổi tiếng.
- Nếu gặp Nhâm THỦY và Thìn THỔ thì tai họa, đại bại.
5. Can ngày Tân hợp Bính:
Nếu gặp Mậu THỔ, Canh KIM thì công thành danh toại.
(*) Đinh hợp nhâm hóa MỘC: Là sự hợp chủ về nhân nghĩa, người như thế có tính hiền từ và tuổi thọ cao. (Ở phụ nữ nếu trong mệnh có “Thủy cục” vượng quá làm “xì hơi” Mộc thì đó là sự hợp dâm loạn. Nếu sinh vào năm TUYỆT của cha mẹ thì phá nhà vì tửu sắc).
6. Can ngày Đinh hợp Nhâm:
- Nếu gặp Bính HỎA thì hàng năm nhàn nhã.
- Nếu gặp Tân KIM thì hay gặp may mắn, phú quý, song toàn.
- Nếu gặp Mậu THỔ thì cuộc sống an nhàn.
- Nếu gặp Quý THỦY thì lẻ loi nơi chân trời góc biển.
- Nếu gặp Ất MỘC thì cả đời không có tài lộc.
- Nếu gặp Canh KIM thì cuộc đời không có danh vọng.
- Nếu gặp Giáp MỘC thì tài lộc dồi dào, chức phận thanh cao.
- Nếu gặp Kỷ THỔ thì công danh thành đạt, tài lộc dồi dào.
7. Can ngày Nhâm hợp Đinh:
- Nếu gặp Giáp MỘC thì thường hay thất bại.
- Nếu gặp Tân KIM thì điền trang bát ngát.
- Nếu gặp Bính HỎA thì trở thành anh hùng hào kiệt.
- Nếu gặp Quý THỦY thì buôn bán vất vả.
- Nếu gặp Kỷ THỔ thì có chức có quyền.
- Nếu gặp Mậu THỔ thì bồng bềnh trôi nổi.
- Nếu gặp Canh KIM thì mọi việc không thành.
- Nếu gặp Ất MỘC thì dễ bị chết yểu.
(*) Mậu hợp Quý hóa HỎA : Đó là sự hợp vô tình, giống như người diện mạo tuấn tú nhưng trong lòng không có tình nghĩa. Nếu là nam giới thì hay lang thang chơi bời, nhưng nếu là nữ giới thì lại dễ lấy được chồng đẹp trai, tuấn tú.
8. Can ngày Mậu hợp Quý:
- Nếu gặp Ất MỘC thì cuối đời có thể thành đạt.
- Nếu gặp Nhâm THỦY thì tự lập làm giàu.
- Nếu gặp Bính HỎA thì khó nhọc mà không có phúc lộc.
- Nếu gặp Canh KIM thì mọi việc thường dễ dàng suôn sẻ.
- Nếu gặp Kỷ THỔ thì vợ con bị tổn hại.
- Nếu gặp Tân KIM thì là người thông minh, nhiều mưu lược.
9. Can ngày Quý hợp Mậu:
- Nếu gặp Bính TÂN thì cuộc đời nhiều thành đạt, mà cũng nhiều thất bại.
- Nếu gặp Giáp MỘC thì suốt đời vất vả, lao tâm, lao lực.
- Nếu gặp Đinh HỎA thì kho tàng đầy ắp.
- Nếu gặp Canh KIM thì nhiều ruộng vườn, của cải.
- Nếu gặp Ất MỘC thì quyền cao chức trọng.
- Nếu gặp Nhâm THỦY thì tài lộc song toàn.
- Nếu gặp Tân KIM thì tài lộc lúc được, lúc mất.
- Nếu gặp Kỷ THỔ thì tiền đồ học hành thăng tiến.
Thiên can một âm hợp một dương mà hóa ra ngũ hành, từ đó có thể nhận biết sự mạnh – yếu – vượng – suy của mệnh, nó có vai trò quan trọng làm tăng thêm sự sinh phù hay khắc chế cho nhật nguyên (hay một bản mệnh nào đó).
ĐỊA CHI HỢP HÓA:
(*) Lục hợp của địa chi hóa ngũ hành:
- Tý hợp với Sửu thành THỔ
- Ngọ hợp với Mùi thành THỔ
- Dần hợp với Hợi thành MỘC
- Mão hợp với Tuất thành HỎA
- Thìn hợp với Dậu thành KIM
- Tị hợp với Thân thành THỦY
(*) Địa chi tam hợp hóa thành ngũ hành:
- Thân – Tý – Thìn hợp thành Thủy cục.
- Hợi – Mão – Mùi hợp thành Mộc cục.
- Dần – Ngọ – Tuất hợp thành Hỏa cục.
- Tị – Dậu – Sửu hợp thành Kim cục.
Khi giữa các địa chi trong tứ trụ có lục hợp hoặc tam hợp cục là chủ về người đó có dung nhan đẹp, tính cách thanh lịch, thần khí ổn định, yêu cuộc sống, lòng dạ thẳng thắn, linh lợi, thông minh hoạt bát.
Hợp cục là Cát thần thì tốt. Hợp cục là Hung thần thì xấu.
Nếu Can thì KHẮC nhưng Chi lại SINH thì tuy gặp Hung nhưng được cứu. Nếu Can thì SINH nhưng Chi lại KHẮC thì là trước tốt, sau xấu.
NHỮNG QUY TẮC XUNG – HÌNH – HẠI CỦA ĐỊA CHI
Trong tứ hành xung:
- Tý – Ngọ và Tị – Hợi là sự xung khắc của Thủy – Hỏa
- Dần – Thân và Mão – Dậu là sự xung khắc của Kim – Mộc
- Thìn – Tuất – Sửu – Mùi giống nhau về ngũ hành nên chỉ nói xung, không nói khắc.
- Tý hình Mão, Mão hình Tý – là hình phạt vô lễ.
- Dần hình Tị, Tị hình Thân, Thân hình Tị – là hình phạt do đặc quyền đặc lợi dẫn đến.
- Thìn – Ngọ – Dậu – Hợi hình phạt lẫn nhau là tự hình.
VẬN của mỗi người là sự chuyển động của Mệnh trong quá trình sống. Trong suốt quá trình đó Mệnh của con người chịu tác động của rất nhiều quy luật tâm sinh lý, nhiều khi có cả sự tác động của các quy luật tự nhiên.
Tứ trụ là MỆNH, hay từ Bát Quái để tìm ra MỆNH, còn vận trình là VẬN. Mệnh và Vận hợp lại là VẬN MỆNH cả cuộc đời một con người.
Mệnh và Vận kết hợp với nhau sẽ biết được Cát – Hung – Họa – Phúc. Mệnh và Vận như thuyền với nước, gắn chặt với nhau. Nước có thể chở thuyền đi, cũng có thể lật thuyền.
Mệnh của ai đó có thể có được nhiều cung tốt, nhưng người đó sinh vào năm TUYỆT của cha mẹ thì dù VẬN tốt đến mấy thì VẬN MỆNH cũng không khá hơn được, người đó vẫn có thể bệnh tật hoặc công danh sự nghiệp không ra sao, rồi tuổi thọ cũng sẽ bị ảnh hưởng (đoản thọ).
Có 2 quy luật sinh tồn của con người mà người xưa đã tìm ra đó là VÒNG TRÀNG SINH và THẬP BÁT CỤC.
Trong khoa học hiện đại có một cách tính vận hạn là dựa vào NHỊP SINH HỌC.
Nhịp sinh học (tiếng Anh : biorhythm) là một chu trình giả thiết về tình trạng sức khỏe, năng lực sinh lý, cảm xúc, hoặc trí thông minh của mỗi cá nhân.
(*) Ba đường nhịp sinh học chính là:
- SỨC KHỎE: Có chu kỳ 23 ngày (theo dõi tình trạng thể chất và sức khỏe).
- TÌNH CẢM: Có chu kỳ 28 ngày (theo dõi năng lượng ổn định và tích cực của tinh thần, cách nhìn về cuộc sống cũng như năng lực cảm thông và xây dựng mối quan hệ với người khác).
- TRÍ TUỆ: Có 33 ngày (bằng lời nói, bằng khả năng tính toán, khả năng tưởng tượng, khả năng sáng tạo cũng như năng lực để áp dụng lý trí phân tích thế giới xung quanh).
(*) Bốn đường nhịp sinh học phụ là:
- Trực giác: Đường này có chu kỳ 38 ngày và nó ảnh hưởng đến nhận thức, linh cảm, bản năng và “giác quan thứ sáu”.
- Thẩm mỹ: Đường này có chu kỳ 43 ngày và nó mô tả sự quan tâm đến cái đẹp và sự hài hòa.
- Nhận thức: Đường này có chu kỳ 48 ngày và nó thể hiện khả năng cảm nhận được cá tính riêng.
- Tinh thần: Đường này có chu kỳ 53 ngày và nó mô tả sự ổn định bên trong và thái độ thoải mái của bạn.
Muốn tính vận hạn của một người bằng nhịp sinh học phải biết ngày sinh, sau đó lập biểu đồ (đồ thị theo hình sin), những điểm gặp nhau của nhiều chu kỳ là điểm xấu, ngày hôm đó dễ gặp những chuyện không may, đặc biệt xấu về sức khỏe.
Nắm vững những quy luật đó người ta có thể tự hiểu biết về mình và dự báo cho mình những thời kỳ tốt xấu về công việc, về tình cảm và về sức khỏe. Hiểu biết là cơ sở cho lòng tin và nghị lực sống một cách có ý nghĩa nhất trong cuộc sống hiện đại.
TÓM LẠI,
Bạn nào đã có chút kiến thức về triết học Phương Đông chắc rất dễ hiểu những điều mình viết. Mình muốn nói rằng các quy tắc Hợp – Khắc – Hình – Hại của Địa Chi và Thiên Can là nói trong phạm vi tứ trụ (4 điều kiện về thời gian : Giờ, Ngày, Tháng, Năm sinh của một con người), từ việc Khắc hay Hợp ấy mà chi phối tính cách, sự thành đạt… của mỗi con người, chứ không phải “tôi tuổi Sửu, anh tuổi Tuất là xung khắc, không làm ăn được với nhau” hay “tôi mạng HỎA anh mạng KIM là tôi khắc anh, làm hại anh”. Để rồi thuộc lòng những quy tắc ấy, thấy ai trong vòng xung khắc của mình là có ấn tượng không tốt. Nhất là trong hôn nhân, sự khắc trong hôn nhân chỉ là khắc khẩu mà thôi, tức là quan điểm nhìn nhận một sự việc không giống nhau hay sở thích không giống nhau dẫn đến tranh luận mà thôi. Chính vì hiểu không đúng bản chất của sự việc dẫn đến mất lòng tin rồi đa nghi trong các quan hệ công việc và cả trong quan hệ tình cảm – tình bạn, tình yêu, thậm chí cả trong tình cảm gia đình (cho rằng vợ khắc chồng, con khắc cha là hãm nhau về đường này đường kia là không đúng).
Mình đã viết một bài “Quan niệm Hợp – Khắc giữa vợ – chồng, cha mẹ – con cái”, mình đúc rút ra một chân lý: những đứa con khắc cha mẹ, chẳng qua số của người con đó là tự lập, thường rất thông minh, nhưng rất vất vả, và cuối cùng chính những người con khắc ấy lại là người lo cho cha mẹ, lo cho gia đình nhiều nhất. Mời các bạn xem tiếp: Quan niệm về Hợp – Khắc giữa Vợ và Chồng, Cha Mẹ với Con Cái.
Tác giả: Nguyễn Bá Minh