Tại điện Mẫu, người ta tiến hành những nghi thức thờ cúng thánh Mẫu, cùng các chư vị thần thánh để cầu mong lấy phúc, lộc, sức khỏe, tiền tài. Ở mặt sinh hoạt này đạo Mẫu đã khẳng định tính đặc thù của mình.
Ở bất cứ nơi thờ Mẫu nào, trước ban thờ Mẫu bao giờ cũng treo tầng tầng lớp lớp những đồ vàng mã, nhưng phổ biến và không thể thiếu là nón (tu lờ, quai thao, nón chóp), hài, thuyền rồng, đèn lồng đủ loại đủ màu, với nhiều kích cỡ khác nhau. Sở dĩ có treo những đồ vật ấy vì trong đạo thờ Mẫu, từ thánh Mẫu tới hàng quạn, hàng chầu, ông Hoàng, các Cô, Cậu đều gồm các vị thần linh có gốc gác từ mọi miền đất nước, chốn núi rừng, nơi ven biển. Điều này cũng thể hiện ngay trong những bộ xiêm y rực rỡ mặc trong những điệu múa thiêng khi làm lễ trước điện.
Trước điện Mẫu, không biết từ bao giờ đã ra đời một lễ thức khá đặc biệt, độc đáo, mà ngày nay nhiều công trình nghiên cứu đã khẳng định nó là loại hình nghệ thuật diễn tuồng dân gian gồm âm nhạc, hát văn và múa thiêng, tập trung lại trong một hình thức sân khấu tâm linh đặc thù, đó là hầu bóng.