Hầu đồng là nghi thức cúng lễ trong đạo Mẫu đã hình thành một hình thức sân khấu tâm linh diễn xướng văn hóa đặc sắc gắn với đạo thờ Mẫu và thờ Tứ phủ. Khởi nguồn từ đồng bằng Bắc Bộ, phát triển mạnh mẽ nhất vào những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, không chỉ là một tín ngưỡng văn hóa dân gian, hầu đồng thực sự đã đi vào nghệ thuật truyền thống. Cùng làn điệu Chầu văn và các tiết mục múa đặc trưng, những buổi trình diễn hầu đồng đã tái hiện chân thực cung cách hầu đồng của người Việt xưa. Trải qua bao thời gian, tục thờ mẫu và nghi lễ hầu đồng vẫn tồn tại đến ngày nay như một bảo tàng sống của truyền thống văn hoá Việt Nam.

Hầu đồng
Hầu đồng

Một trong những lễ thức quan trọng của các lễ hội theo tín ngưỡng đạo Mẫu là Hầu đồng. Hầu đồng hay lên đồng là hình thức nhập hồn tự nguyện và nhập hồn nhiều lần trong một buổi lễ, trong khung cảnh thờ cúng, âm nhạc, hát tụng dưới những chiếc bóng đèn tự sáng, nhằm mục đích chữa bệnh, tẩy trừ rủi ro, mưu cầu phúc lợi và phán truyền về định mệnh của con người. Nghi thức đặc trưng của thờ Mẫu trong đạo Tam phủ, Tứ phủ này có thể coi là một hiện tượng sinh hoạt văn hóa tâm linh mang đậm tính nguyên hợp đã và đang tồn tại trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt.

Lễ hầu đồng thường được diễn ra ngay trước các cửa đền, cửa phủ nơi thờ Thánh, thờ Mẫu, trước sự hiện diện của các ngài. Tham gia lễ diễn xướng dân gian có nhân vật chủ yếu là cô đồng hoặc cậu đồng. Đó là những người được coi là có căn hòa nhập được với cõi thiêng tứ phủ của Đạo Mẫu với các Mẫu hoặc với các ông Hoàng, bà Chúa, những vị danh thần, hoặc phàm là các cô bé, cậu bé để trình diễn trước chúng sinh. Quá trình thực thi nghi lễ nhập hồn các vị Thánh Mẫu, các Đức Ông, các Quan, các Chầu vào các thanh đồng theo tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ được diễn xướng lần lượt được gọi là ba mươi sáu giá đồng…

Các nghi lễ Hầu đồng diễn ra thường năm không chỉ là điểm đến dành riêng cho các con nhang đệ tử mà còn thu hút đông đảo khách thập phương nước cùng theo về để vãn cảnh chùa, để thỏa mãn nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo.  Có thể nói, đó là một bức tranh đẹp biểu hiện tình đoàn kết các tôn giáo, dân tộc, đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt tự cổ chí kim.

Có thể nói rằng, chưa ở đâu trên thế giới lại có một hình thức tiếp cận Thánh xướng tâm linh đặc biệt và độc đáo đến như vậy. Văn hóa Hầu đồng chứa đựng trong bản ngã một sức mạnh vô hình, thiêng liêng, mang nhiều ý nghĩa nhân văn cao đẹp, đáp ứng đời sống văn hóa tâm linh của phần lớn bộ phận trong cộng đồng dân tộc. Đây là một di sản cần được bảo tồn và phát triển, góp phần tôn vinh thêm nữa một nét văn hóa độc đáo Việt Nam.

Loading...
Loading...