Chùa Từ Tôn tọa lạc tại số 3 đại lộ Đồng Khởi, phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông. Chùa nằm đối diện Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai và Trường chuyên Lương Thế Vinh, cạnh Đài phát thanh và truyền hình Đồng Nai.
Vài nét về chùa Từ Tôn
Chùa Từ Tôn do Thượng tọa Thích Phước Tú thành lập vào năm 1970 trên khu đất rộng 3.000m2.
Hai chữ Từ Tôn biểu hiệu của chùa không chỉ đơn thuần được ghép bởi hai chữ đầu và cuối của hai tổ đình: Từ Đàm và Thuyền Tôn, nơi thượng tọa Thích Phước Tú xuất gia, tu học mà còn nói lên nỗi lòng vọng nhớ quê hương của người con xa quê hương hoằng hóa đạo pháp.
Ngoài ra, tên chùa Từ Tôn còn mang một ý nghĩa sâu xa đó là “danh hiệu của các vị bồ tát, của lòng từ bi, hỉ xả” cũng là tôn chỉ, mục đích của chùa trong quá trình dướng dẫn phật tử tu học. Tôn chỉ mục đích đã được cố hòa thượng Thích Thiện Siêu viết thành 4 câu đối tặng chùa dịp khai sơn (1970) được thể hiện ngay cổng tam quan ra vào chùa.
Trên 2 cột của cửa chính là cặp liễn:
- “Đại từ, đại bi mẫn chúng sanh, ứng hóa tùy duyên thân kỳ thân nhị địa kỳ địa” (có nghĩa: tâm nguyện từ bi thưởng chúng sanh rộng lớn, nên tùy duyên ứng hóa đủ nhiều thân hình trong nhiều cõi).
- “Đại hỷ, đại xả, tế hàm thức oai đức tự tại thánh trung thánh nhị thiên trung thiên” (có nghĩa: Huệ lực vui vẻ bao la, độ sanh muôn loài bền chí ở cõi thánh lẫn cõi phàm).
Ở 2 bên cổng phụ:
- Cổng phụ bên trái tôn trí câu: “Từ thị quán chúng sanh ư trí ư ngu thị đồng nhất từ” (có nghĩa là: con mắt chùa Từ Tôn rải khắp tình thương, thấy rõ chúng sanh, dù trí dù ngu đều đồng một hướng).
- Cổng phụ bên phải tôn trí câu: “Tôn phong thành phạm vũ, thị không thị sắc nhập bát nhị môn” (có nghĩa là: Phong độ đại chúng chùa vượt hẳn, tam đồ giải phóng sắc không đi vào cửa phước trí).
Kiến trúc Từ Tôn
Du khách đến thăm chùa Từ Tôn qua khỏi tam quan sẽ vào một không gian thoáng đãng, tĩnh lặng, hòa lẫn vào cảnh sắc thiên nhiên tươi mát một màu xanh của cây lá.
Ngoài sân, trước chánh điện là tượng Quan Thê Âm Bồ Tát lộ thiên sừng sững, uy nghi với khuôn mặt từ bi phúc hậu, tay cầm bình cam lộ cứu khổ chúng sanh.
Chùa Từ Tôn là một kiến trúc uy nghi, hoành tráng, được tạo dựng bằng nguyên vật liệu bền vững: tường gạch xi măng, cột chống đỡ bê tông cốt thép, mái cổ lầu, nền lát gạch bông.
Điểm nổi bật của ngôi chùa Từ Tôn là nghệ thuật trang trí ở mặt tiền, giữa 2 mái chùa, bờ nóc, và nội thất chánh điện.
Mái chùa Từ Tôn có 2 mái kiểu “chồng diêm” còn gọi là “cổ lầu”. Tám mái và tám góc là các đầu đao cong lên như hình mũi hài, trang trí hình: long, lân, quy, phụng (tứ linh), chất liệu làm bằng xi măng, ngoài cẩn mảnh sành, sứ, nhiều màu óng ánh, nhìn rất sống động, trong tư thế bay lên chầu về 4 phương phật. Mái trên tạo dáng hình chữ nhật tượng trưng cho con thuyền Bát Nhã. Bờ nóc là cặp “lưỡng long chầu Bát chánh đạo”, nhiều năm qua vẫn thi gan cùng gió mưa, sống động trên mái chùa. Giữa hai bờ mái là những bức tranh diễn tả cuộc đời của đức Thích ca Mâu ni từ khi suất gia cho đến khi thành đạo.
Nội thất Chánh điện là một không gian rộng rãi, thoáng mát, cột âm tường. Bên ngoài là hành lang chạy xung quanh, mỗi mặt có 4 cột xi măng cốt thép tròn, giả gỗ, đường kính 40cm. Hệ thống con sơn hình điếu đỡ xà kèo, mái chùa. Các tấm bao lam trên xà ngang, giữa hai cột ở nội thất chánh điện được trang trí các đề tài “tứ linh”, chất liệu bằng xi măng, cẩn mảnh sành, sứ nhiều màu, lồng ghép vào các hoa văn sen dây (liên hoa), chữ vạn cách điệu, uyển chuyển, hài hòa, uốn cong ôm các bàn thờ Phật. Phía trên bao làm là các bức hoành phi dạng cuốn thư, cẩn mảnh sành, sứ có nội dung: “Đại hùng Bảo điện”, “Phật nhật Tăng huy”, “Pháp luân Thường chuyển”, mang ý nghĩa: đạo pháp luôn tỏa sáng, giáo pháp được truyền bá khắp nơi nơi. Xung quanh tường nội điện là những bức tranh diễn tả cuộc đời của đức Phật từ khi sinh đến khi nhập Niết bàn. Đặc biệt, trên hai cột trước Bảo điện (bàn thờ Phật), được đắp nổi 9 con rồng, gọi là: “Cửu long bái Phật”, hay “Cửu long phún thủy” (theo truyền thuyết khi đức Phật sinh ra có 9 con rồng phun nước tắm cho ngài), thân có vẩy, cẩn mảnh sành óng ánh chầu về bảo điện.
Tượng phật trong chánh điện chùa Từ Tôn được bài trí theo hệ phái Bắc Tông. Gian chính giữa thờ Tam Thế Phật (Đức Di Đà, Quan Âm, Thế Chí), 2 gian bên thờ “Thiên Thủ Thiên Nhãn” – Phật bà Quan Âm nghìn tay nghìn mắt và đức Phật Dược Sư.
Cách bố trí tượng thờ ở đây rất chuẩn mực và khoa học, tạo cho chánh điện vừa uy nghi, hoành tráng lại vừa thâm nghiêm cổ kính. Có thể nói hình ảnh, nội điện của các ngôi chùa nổi tiếng ở cố đô Huế đều được tái hiện một phần trong nội thất chánh điện chùa Từ Tôn.
Chùa Từ Tôn thờ theo trường phái truyền thống “tiền Phật hậu Tổ”. Sau bàn thờ phật là bàn thờ Tổ Sư Đạt Ma cùng di ảnh của cố hòa thượng Thích Thiện Siêu và cố ân sư Thích Trí Thủ. Hai gian bên thờ vong linh phật tử. Đặc biệt, bề mặt mỗi bàn thờ ở hậu Tổ có những vần thơ lục bát ghi nhớ “công cha nghĩa mẹ” do Thượng tọa trụ trì sáng tác.
Nhìn chung, ngôi chùa Từ Tôn mới được trùng tu, kiến tao vào những năm của thế kỷ XX, nhưng những đường nét kiến trúc cổ đặc trưng của mái chùa xưa xứ Huế, cùng những mảng hoa văn trang trí bằng nghệ thuật cẩn miểng, sành nổi tiếng bao đời đã được thể hiện hài hòa, uyển chuyển, sắc sảo, tinh tế trong ngồi chùa Từ Tôn trên mảnh đất Biên Hòa – Đồng Nai.
Cùa có đại hồng chung nặng 500kg, đúc tại Huế, âm thanh trầm hùng vang lên mỗi khi chiều tà buông xuống. Thượng tọa trụ trì đã ngẫu hứng làm bài thơ sau:
Âm thanh sánh bằng chuông Thiên Mụ
Diệu dụng tương đồng Võ Đế chung
Chúng sanh nghe đặng tâm an ổn
Hương linh thừa lực đắc siêu sanh
Biên Hòa thành phố “Từ Tôn Tự”
Đêm vắng, chuông chùa nhẹ ngân vang
Hỡi ai còn đắm trong cõi mộng
Xin hãy về đây với đạo vàng.
Tồn tại giữa trung tâm thành phố ồn ào, náo nhiệt, bao năm qua, chùa Từ Tôn vẫn giữ được cái tĩnh lặng của chốn thiền môn. Bước chân vào đây, ta như về với chốn bình an, nghe không gian, thời gian lắng lại, thuần khiết và thánh thiện, văng vẳng tiếng chuông chùa lòng người như tĩnh lại, gội rửa bụi trần thế tục, tĩnh tâm, tránh xa những điều dữ, điều ác, trở về với nhân tâm thánh thiện như mong ước của đức Phật Tổ Như Lai.