Sách Đại Nam Nhất Thống Chỉ chép: “Thôn Đường An, xã Yến Vỹ, huyện Hoài An về phía nam: Vua Lê đến đây cho khắc ba chữ “Bạch tuyết môn”.
Gần đấy có cung Bảo Đài theo đường đi lên động cửa động có khắc ba chữ lớn “Ngọc Long động”, trong động có một thạch nhũ to và cao trắng xóa như tuyết gọi là cây trường tuyết Từ bến đò thôn Phú Yên đi bằng đường thủy tới chùa Bảo Đài khoảng 1500 m. Dòng suối Tuyết Sơn trong xanh chảy giữa một vùng đầm lầy. Một bên là những quả núi với nhiều hình thù kỳ thú: Núi Thuyền Rồng; núi Chim Phượng Hoàng; Núi Ba Tòa; nổi bật lên là hình tượng Phật thiên tạo mặc áo cà sa đứng trên đỉnh núi với dáng vẻ từ bi mộ đạo… Còn một bên là cánh đồng mênh mông với những gò nấm thiên nhiên xanh mướt cỏ cây.
Chúa Trịnh Sâm là người nổi tiếng hay chữ và sành sỏi các thú du ngoạn đã phong tặng cho nơi đây là cảnh “kỳ sơn tú thủy” (núi nước đẹp lạ). Theo truyền thuyết phong thủy, địa lý nơi đây có đất quần ngư, câu ca dao cổ còn gắn với truyền thuyết lưu lại trong xã:
“Đường An có đất quần ngư
Ai mà để được thượng thư đời đời. ”
Khi thuyền cập bến Tuyết Sơn, du khách lên bờ đi khoảng 200 m thì tới chùa Bảo Đài, chùa Bảo Đài – Quần thể di tích chùa Hương tọa lạc dưới một chân núi thấp. Theo văn bia động Tuyết Sơn nơi đây xưa kia là một vừng hoang vắng đời vua Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa thứ XV (1694) bà quận chúa Hoàng Thị Ngọc Hương về dựng chùa Bảo Đài mở động Tuyết Sơn làm nơi thờ Phật. Chùa Bảo Đài được xây dựng theo kiến trúc cổ Việt Nam đời Lê — Trịnh. Trải qua nhiều thế kỷ, chùa đã được tu sửa lại nhiều lần. Hiện nay, chùa Bảo Đài được làm theo kiến trúc nhà Nguyễn.