Thiên Trù-Bếp trời, chẳng biết các thiên tướng nhà trời có phải xuống đây đặt bếp hay không, nhưng các đoàn hành hương mỗi khi đến đây đều phải lo ăn uống cho thật no, nai nịt gọn gàng chuẩn bị cho cuộc hành hương vào chùa trong. Trước chuyến đi ai cũng đi vòng, quanh chùa Thiên Trù thắp vài nén hương cầu Phật phù hộ cho chân cứng đá mềm rồi khỏi hành đến chùa Trong- Động Hương Tích, nơi quan trọng nhất, thiêng liêng nhất, đẹp nhất của Hương Sơn.
Chỉ biết đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đã có am thờ dựng trên đất Thiên Trù. Một bia văn nói đến niên đại sớm hơn nữa. Theo tài liệu “Hương Sơn Thiên Trù thiên phú” (?) thì: Chùa Hương được xây dựng từ đời Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hoà (1680-1705). Bia văn chùa ghi: Nền đất, bậc đá, kim dung bảo điện tạo lập năm 1686. Pho tượng Quán Thế Âm của chùa chính đúc vào năm 1767. (Tài liệu của giáo sư Louis Bezacier ghi: Chùa dựng hậu bán thế kỷ XVII)
Hội chùa Hương được khách thập phương từ trong nước cũng như từ ngoài nước về tham dự. Lễ này bắt đầu đón khách thập phương từ ngày rằm tháng giêng và cứ thế kéo dài cho đến ngày rằm tháng ba âm lịch. Tuy nhiên, khách vãn cảnh chùa để tìm những hương sắc nổi tiếng thì quanh năm suốt tháng tưởng không bao giờ dứt cả. Hội chùa Hương được đánh giá là lễ hội và diễn xướng về tôn giáo được ngưỡng mộ hơn hết. Đã vậy, không gian của cảnh quan chùa Hương rất rộng lớn bên cạnh vùng sông Đáy bao la. Tuy nhiên lễ chính thức thì được cử hành từ ngày 15 cho đến ngày 20 tháng 2 âm lịch.
Theo những chi tiết được ghi trong Tự Phả của chùa Trong thì ngày 19 tháng 2 âm lịch chính là ngày sinh và ngày 18 tháng 2 âm lịch là ngày hoá của bà Chúa Ba (mà dân chúng thường quan niệm là hóa thân của đức Quan Thế Âm Bồ Tát), cho nên trong hai ngày này không khí trong suốt dặm đường dài từ ngoài vào trong náo nức hơn bao giờ hết. Hàng năm ngày 6 tháng giêng là lễ Mở cửa rừng, sau khi chuẩn bị xong mọi cuộc chỉnh đốn cần thiết để đón khách thập phương.
Lễ Mở cửa rừng
Lễ này được khai sinh từ năm 1762, còn được gọi là Lễ Khai Sơn do Thiền Sư Huệ Đăng tổ chức hồi đó. Lễ được tiến hành ở đền Trình (tức là Ngũ Nhạc). Ngôi đền Trình vì điạ thế cho nên không lớn lắm, được kiến trúc (1755) theo kiểu chữ “tam”, với vị thế phong thủy mang hình ảnh của “thượng sơn lâu đài, hạ sơn lưu thủy”, có đủ sơn triều, thủy tụ, tiền án, hậu chẩm. Đền toạ lạc phía trước núi và được gắn một phần sâu vào lưng núi.
Tương truyền thì vùng đất này trường kia thường có nhiều cọp dữ về, cho nên tại đó lại có thêm đền thờ Sơn Thần (Thần hổ), theo tập tục tín ngưỡng thời nguyên thủy. Về sau thì Sơn Thần đã được chuyển hoá dần để trở thành Nhân Thần và được ghi chép theo Thần phả đầy đủ.
Thần phả tại đây còn cho biết thêm rằng; Hùng Lang, một trong những vị tướng của Thánh Dóng đã vào đây tổ chức phục kích và giết được Thạch Linh, tướng của nhà Ân. Như đã nói, lễ Mở cửa được tổ chức vào 5 giờ sáng ngày mồng sáu tháng giêng, với một nghi lễ khác đặc biệt: sau lễ Mộc dục thì tiếp theo lễ tạ chúa Rừng (Ông Hổ), lễ Thần núi, lễ Cầu mùa, rồi đến lễ Cầu an. Vì tính chất của những lễ này liên quan đến sinh hoạt của dân chúng trong vùng cho nên dân trong bốn xã lân cận đều đến tham dự rất đông đúc. Sau ngày lễ này thì dân chúng trong vùng mới được phép vào khu rừng phía sau để săn bắn hay khai thác những thổ sản.
Lễ Nhập đền
Vì đền Trình là ngôi đền đầu tiên nằm trong hệ thống những đền chùa trong toàn cảnh Hương Tích, cho nên khi lễ Mở cửa rừng được cử hành thì đó cũng là lễ Khai trương cho toàn chùa chiền vùng này. Dân chúng khắp nơi chờ đợi sẵn sau ngày lễ để có thể đi vào các tuyến đến những ngôi chùa danh tiếng trong vùng này.
Lễ hội
Lễ hội chùa Hương được trải dài trọng mùa Xuân từ sau ngày Mở Cửa Rừng cho đến cuối tháng ba. Rồi sau đó những ngày lễ Phật Đản, lễ Trung Nguyên, lễ Trùng Cửu, lễ vía Liễu Hạnh Thánh Mẫu, lễ Bà Chúa Thượng Ngàn, lễ Vân Hương Thánh Mẫu, bất cứ lễ hội nào cũng được thập phương đến cúng bái. Trong những ngày đó, từ bến Yếnthuyền tấp nập chen chúc nhau đi vào, từ bến Trò thuyền ra; khách lên, khách xuống hết chùa này sang động khác, trên bến dưới thuyền nườm nượp. Những nơi có lên đồng bóng thì con công đệ tử ở lại lâu hơn, và trong những trường hợp này thì lễ hội lại càng nghiêm trang, đa dạng hơn. Đi lần từ bến Trò, dọc theo những con đường đất để leo lên chùa Thiên Trù (bếp trời) miên man nào là nhang đèn, vàng mã, những hàng quán nhỏ bán trầm hương, trầu cau, quán cơm, thậm chí có những ngôi quán bán loại “gậy lụi” để khách hành hương dùng đểchống leo núi chùa Hương.
Con đường từ chùa Ngoài vào chùa Trong vào khoảng 2km, nhiều dốc cao, mấp mô; tuy nhiên không vì thế mà khách hành hương bỏ cuộc. Họ nối đuôi nhau thành một suối người liên tục, từng lớp, từng nhóm từng đôi, từng đoàn, lên lên, xuống xuống. Khách thập phương chỉ mong tham quan lễ bái cho cùng khắp các chùa chiền trong vùng; mỗi khi vào hội, mọi chùa, đền, hang, động thì mọi người như bừng tỉnh hẳn. Họ chuẩn bị những lễ vật cúng bái rất tươm tất, xin xăm bói quẻ cầu mong gặp nhiều may mắn, an khang, thịnh vượng. Dù những ngôi chùa xa xuôi, trong hang động, nhưng toàn thể hương án, điện thờ, đồ thờ đều được lau chùi sạch sẽ, đèn nến sáng trưng, khói hương nghi ngút.
Đi chùa Hương là để lễ Phật và như vậy, đất Hương Sơn như bao nhiêu khách thập phương gọi cảnh quan toàn vùng là “đất Phật”. Những vị tăng sĩ đảm trách công việc trông nom hương khói, cúng bái trong chùa là chư Hoà Thượng hay Thượng Tọa dù trong thời chiến hay thời bình. Hương Sơn tiếp nhận khách thập phương cho nên nguồn tín ngưỡng nơi đây mang tính chất dân gian; sự pha trộn giữa Phật Giáo và Lão Giáo không thể nào tránh được, theo nhu cầu thờ phượng của quần chúng.
Trong chùa, ngoài việc thờ Tam Tôn, Tam Thế Phật, cũng đã tiếp nhận thêm những tín ngưỡng cổ của địa phương; chẳng hạn như nhiều ngôi chùa của quần thể này có tục dùng bái giới tự nhiên (thờ thần đá, tín ngưỡng phồn thực), tín ngưỡng thờ Thần bản mệnh, đạo Tứ Phủ. Đi lễ chùa ở đây, sẽ gặp sự hỗn dung của các cách thờ cúng dân gian. Tại ngôi chùa chính, bức tượng đức Quan Thế Âm Bồ Tát Chuẩn đề có nhiều đường nét điêu khắc theo kiểu dáng nghệ thuật đời Hậu Lê, bên cạnh đó là một hệ thống các tượng Phật như ở nhà Tam Bảo thuộc chùa Ngoài.
Trong động chúa Tiên có 5 pho tượng bằng đá: đó là tượng Cửu Thiên Huyền Nữ, tượng Phạm Thiên, Đế Thích, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát. Sự hỗn dung trong tín ngưỡng này khiến cho thập phương cảm thấy gần gủi hơn trong tín ngưỡng và lễ bái, cầu khẩn.
Nếu không phải vượt mấy ngàn bực đá cheo leo vào cõi Phật, làm sao ta được rưng rưng chợt hiểu lòng từ bi vô bờ của Ngài, đã phải tu hành khó nhọc biết bao, vậy mà khi thành chính quá, Ngài lại nguyện ở lại độ cho chúng sinh cũng thành Phật.
Hương Tích cũng có nghĩa là dấu thơm, một dấu thơm còn lại mãi trong lòng những ai đã đến đây dù chỉ một lần trong đời…