Trong tâm thức dân gian của cư dân nông nghiệp, dòng sông, con suối, hồ nước… tức là những nơi có nước mang tính nữ (Âm). Vì vậy hầu hết các điện Mẫu thường được xây dựng cạnh sông, cạnh suối, cạnh hồ, cạnh cửa biển… và các cửa điện Mẫu bao giờ cũng được đặt quay về phía nguồn nước, những nơi tụ thủy tụ phúc, những mong làm ăn phát đạt.

Cho nên, nếu như không chọn được cái thế đất lành tự nhiên có sông hồ ôm bọc… thì trong khuôn viên dựng điện Mẫu, người ta sẽ phải làm hồ, ao, giếng để dựng lại một không gian cần phải có, ứng với thuật phong thủy của người xưa.

Cũng để tạo tính âm, nhiều điện Mẫu ở vùng cao thường được dựng trong các hang động, hoặc xây dựng thêm nhiều các hòn non bộ, với những ngọn đá lô xô mọc lên từ đất hoặc dầm chân trong nước.

Cấu trúc không gian trong các điện thờ Mẫu, vị trí chư vị thần thánh được bài trí sắp xếp theo ba tầng: tầng trên không, tầng ngang trên ban, bệ thờ và tầng trệt. Đây là một điều rất riêng vì không có tôn giáo tín ngưỡng nào bài trí như vậy.

Ở tầng không là sự hiện diện của đôi mãng xà (còn gọi là Ông Lốt) tượng trưng cho quan lớn Tuần Tranh. Một con màu trắng, một con màu sẫm quấn trên xà ngang phía trái, bên trên ban thờ.

Loading...

Ở tầng ngang trên ban, bệ thờ, có khi chỉ có một bàn, có khi là một dãy bàn từ ngoài vào cao dần (tùy từng nơi), là nơi ngự của các thánh Mẫu (cũng có khi chỉ một tượng Mẫu) và các chư vị thánh.

Ở hạ ban (tầng trệt) bao giờ cũng thờ ông Năm Dinh hay thánh Ngũ hổ tướng quân, với biểu trưng là tượng, hoặc bức tranh hổ; phía trước có đặt một bát hương.

Cấu trúc ở tầng ngang của nơi thờ Mẫu đơn giản nhất cũng bao gồm các ban thờ sau:

1. Hậu cung (nơi đặt ban thờ Tam tòa thánh Mẫu) chính giữa, ở vị trí cao nhất là tượng bà chúa Liễu Hạnh mặc sắc phục đỏ (có nơi màu vàng) đó là Mẫu Thượng thiên.

Thấp hơn về bên hữu là Mẫu đệ nhị, sắc phục trắng – Mẫu Thoải
Tương ứng về phía tả là Mẫu đệ tam, sắc phục xanh – Mẫu Thượng ngàn.

2. Phía trước hậu cung Tam tòa thánh Mẫu là một ban thờ lớn, ban thờ này gồm ba lớp thừa tự, tính từ hậu cung trở ra.

– Lớp một: Giữa là vua cha Ngọc Hoàng, bên tả là vị Nam tào, bên hữu là vị Bắc đẩu.

– Lớp hai: gồm năm vị quan lớn (gọi là Ngũ vị thái tử).

Đệ nhất: áo đỏ, quan Thượng thiên
Đệ nhị: áo xanh, quan Giám sát
Đệ tam: áo trắng, quan Thủy phủ
Đệ tứ: áo vàng, quan Khâm sai
Đệ ngũ: áo đen (tím, lam), quan Tuần Tranh.

Năm màu áo này tượng trưng cho màu của ngũ hành: Kim (trắng), mộc (xanh), thủy (đen), hỏa (đỏ), thổ (vàng).

– Lớp hạ: gồm hai ông hoàng Bảy và ông hoàng Bơ, với sắc phục thường là màu tím và màu trắng.

3. Hai bên tả hữu của ban thờ nói trên là ban thờ đức thánh Trần Quốc Tuấn (bên tả) ban thờ Chúa Sơn trang (bên hữu)

4. Ngoài cùng là những ban thờ thần hoàng thổ địa, thủ đền tại vị, ban thờ Cô, Cậu…

Loading...