Mỗi người có quan niệm và lời giải thích riêng không đồng nhất về lễ bái Phật. Tuy nhiên tra cứu về nguồn gốc và ý nghĩa thì bái Phật thể hiện sự tôn kính tột cùng vì thế gian thường cho cái đầu là cao thượng hơn cả. Nhưng đem so bàn chân đức Phật thì còn thấp bé hơn nhiều. Lễ bái có ý nghĩa là báo ơn, tạ ơn với cung cách quy ngưỡng hướng về cũng như noi gương đức hạnh cao quý và ý chí siêu thoát của các bậc tôn kính để tu tập. Người lễ bái mong cầu sau này kế thừa xứng đáng sự nghiệp của tiền nhân trên con đường giác ngộ khổ đau sanh tử. Lễ bái là một nét đẹp văn hóa có ý nghĩa giáo dục sâu sắc cho nên trong mỗi người Phật tử luôn phải giữ gì nghi thức cao đẹp này.
Lễ là gì?
Lễ, theo tự điển tiếng Việt là phép tắc phải tuân theo khi thờ cúng tổ tiên hoặc giao tế trong xã hội. Nói một cách rộng rãi dễ hiểu hơn đây là những quy tắc nhất định của cung cách, đi đứng, nói năng trong quan, hôn, tang, tế, nhằm thể hiện sự cung kính và bao gồm cả những phép lịch sự chào hỏi nhau để biểu lộ sự thân thiện quen biết. Nó còn là một phương tiện đặc biệt để gây tình cảm.
Bái là gì?
Bái là sự cung kính biểu hiện ở thân tướng nghĩa là quỳ lạy, bằng cách hạ mình xuống trước những bậc Hiền đức mà mình tôn kính.
Thế nào là lễ bái?
Lễ bái là một đạo nghĩa nhằm tiêu biểu cho ý chí tôn kính và để tỏ lòng tri ân ngõ hầu trở thành những con người hữu ích trong xã hội hay để làm tròn bổn phận của con cháu tông môn và để xứng đáng là đệ tử các bậc Thánh đức. Lễ bái còn là một nghi thức tín ngưỡng thường thấy ở một số tín ngưỡng tôn giáo phương Đông. Khởi nguyên, lễ bái biểu thị sự phục tùng và tôn kính tuyệt đối với các uy lực siêu nhiên hay đấng thần linh mà con người tôn thờ.
Tại sao lại có các nghi thức lễ bái trong Phật Giáo?
Sự suy tư và chiêm nghiệm trong Phật Giáo là nhằm vào chủ đích giúp khơi động lòng từ bi, sự kính trọng và lòng biết ơn đấy cũng là những gì thật thiết yếu trong phép thiền định mà nhiều người đều biết và thường xuyên mang ra luyện tập. Mục đích của các nghi thức lễ bái lại là để mang con người trở về với cội nguồn của họ nhằm cắt đứt mối dây trần thế và xóa bỏ các thói tục thường tình.
Ý nghĩa của lễ bái trong Phật Giáo
Đối với bất cứ một nghi thức lễ bái nào thì thân xác luôn phải hòa nhập với từng ngôn từ khi thốt lên có nghĩa là mỗi cử chỉ phải phù hợp với từng lời nói. Tất cả đều hòa nhập với nhau để trở thành một nếp sinh hoạt đồng nhất. Sự suy tư và lý luận mang tính cách phân tích sẽ tuyệt nhiên không còn cần đến nữa. Điều quan trọng hơn hết chính là sự chính xác và nghiêm túc trong từng cử chỉ. Không cần phải tìm cách để sáng tạo ra thêm một thứ gì nữa cả mà chỉ cần đơn giản thực thi những gì cần nên làm. Do đó vai trò của nghi thức trước hết là giúp chúng ta hòa nhập với một thứ quy củ nào đó nhằm giúp chúng ta biết đặt chân trên mặt đất này và đồng thời kết nối với cái bao la của toàn thể vũ trụ và giúp cho tất cả mọi người chung quanh cũng được hưởng lây cái bầu không khí đó. Sự lễ bái cũng là phương pháp tu để diệt trừ sự cống cao, ngã mạn hay bản chất con người chúng ta lúc nào cũng luôn tự cao tự đắc, vênh váo nghênh luôn cho cái tôi của mình là trung tâm vũ trụ.
Tác dụng và lợi ích của sự lễ bái
Người lễ bái, thường chiêm ngưỡng dung nhan và tướng hảo của đức Phật liền khởi niệm hoan hỉ và phát tâm mơ ước mong cầu. Nhờ nhân duyên đó, họ qua kiếp sau có thể hưởng được tướng mạo đoan trang tốt đẹp.
Lễ bái không phải là hành động thấp hèn làm mất phẩm cách con người hay gợi lên dấu ấn phong kiến. Trái lại lễ bái chính là một đạo nghĩa, một nghĩa cử rất cao đẹp của những người sống có văn hóa. Đối với tổ tiên, người hiếu hạnh cần phải lễ bái để tỏ lòng cung kính. Đối với Thánh hiền, tín đồ chân chánh cần phải lễ bái để thể hiện đức tính khiêm cung trong tu tập đạo lý giác ngộ. Lễ bái nhằm giao cảm với bề trên và tạo nên chất liệu để xóa bỏ mọi dị biệt ngăn cách chia rẽ trong đoàn thể và tạo ra sự lễ phép và thân thiện không chia rẽ nhằm thêm bạn bớt thù tạo ra một xã hội thanh bình an lạc.