Cúng Việc Lề là nghi thức cúng truyền thống được hình thành trong quá trình khai phá, khẩn hoang vùng đất Nam bộ của người Việt. Tín ngưỡng này không có ở miền Bắc và không rõ ràng ở miền Trung. Cúng Việc Lề khá phức tạp và đa dạng vì ở Nam bộ thì tín ngưỡng này bao hàm nhiều nội dung được đan ghép vào nhau. Người dân Nam bộ quan niệm về tín ngưỡng này khá rõ ràng, rạch ròi.

Cúng Việc Lề là gì?

Cúng Việc Lề là cúng các vị thủy tổ dòng họ của những lưu dân từ đàng ngoài vào khẩn hoang lập làng từ vài thế kỷ trước. Mang tính cách riêng tư của từng dòng họ cho nên mỗi dòng họ tự quy ước với nhau về ngày cúng và thức cúng như là một hình thức ghi gia phả sống. Xưa kia do chiến tranh loạn lạc, bắt bớ và truy nã nên nhiều gia đình, dòng họ phải thay tên đổi họ và đốt bỏ gia phả để tránh liên lụy do đó ngày cúng được quy định trong Cúng Việc Lề thì người cùng dòng họ có thể nhận biết được nhau trên bước đường lưu lạc.

Nguồn gốc tục Cúng Việc Lề

Tục Cúng Việc Lề xuất phát từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Cúng Việc Lề đan xen nhiều nội dung rất phức tạp. Trước là Cúng Việc lề, sau đó là cúng cầu an rồi cúng đất và cúng thí thực. Trong đó, riêng mâm Cúng Việc Lề không bày trên bàn mà thường bày dưới đất. Đây chính là yếu tố khác biệt của Cúng Việc Lề với một đám giỗ kỵ thông thường. Đặc điểm cơ bản nhất của tín ngưỡng này là tính chất riêng tư của từng dòng họ được thể hiện qua ngày cúng và vật cúng mà chỉ có người trong họ mới biết.

Lễ vật Cúng Việc Lề

Đồ để Cúng Việc Lề thường gồm có: cháo, gạo, muối, trầu cau, gà, bình hoa, trà, rượu. Bên cạnh đó, còn có các lễ vật cúng khác nhau tùy theo dòng họ. Việc bày đồ cúng như vậy cũng mang một quy ước trong nghi lễ phù hợp với từng tộc họ. Đó là một ký hiệu văn hóa được thể hiện qua đồ cúng như là một sản phẩm của văn hóa, một biểu tượng của văn hóa chứa đựng những thông điệp của các thế hệ trong quá khứ, để sau này con cháu nhận ra người thân, họ hàng của mình.

Thành phần tham dự lễ Cúng Việc Lề

Loading...

Thành phần tham dự lễ Cúng Việc Lề gồm ông tộc trưởng làm chủ tế và các họ tộc trong chi phái nhỏ của dòng tộc tham dự. Vị trí đứng bái của các thành viên trong ban tế lễ được qui định rõ ràng. Trưởng tộc là người chủ tế đứng ở bàn thờ giữa và còn có hai người là bồi tế.

Ý nghĩa tục Cúng Việc Lề của người Việt

Tục Cúng Việc Lề của người Việt cho thấy rằng, tuy sinh sống ở vùng đất mới nhưng họ vẫn luôn nhớ về cố hương, cội nguồn, muốn tìm kiếm lại lai lịch đích thực của mình nhưng không cần dựa vào những tiêu chuẩn của xã hội và giai cấp mà nó dựa vào huyết thống và di truyền sinh học, đúng hơn là di truyền văn hóa. Đây là việc làm mang tính giáo dục trong gia đình để kỷ cương, nề nếp gia phong truyền thống được bảo tồn, lễ nghi trật tự được tôn trọng. Từ niềm tin và ý thức của gia đình, gia tộc cội nguồn của mình trong đời sống tâm linh nên có vai trò góp phần trong tổ chức cố kết cộng đồng và là sức mạnh cho cộng đồng. Nhờ yếu tố ý thức về cội nguồn để củng cố nâng cao giá trị đạo lý trong xã hội, để khi tiếp xúc với nền văn hóa khác không làm mất đi giá trị văn hóa của chính gia tộc hay dân tộc mình. Bên cạnh đó, tục Cúng Việc Lề còn thể hiện đạo hiếu. Vì tín ngưỡng này được cộng đồng người Việt ở miền Trung và ở Nam bộ coi như một tiêu chuẩn quan trọng về đạo đức truyền thống của gia tộc nên con cháu luôn tỏ lòng hiếu thuận, tưởng nhớ công ơn tổ tiên, đó chính là tinh thần đạo hiếu.

Cúng Việc Lề là tín ngưỡng đặc thù của địa phương Nam bộ và được hình thành từ thời khẩn hoan đến nay đã trên dưới 300 năm. Hiện nay, tại vùng ngoại thành, thành phố Hồ Chí Minh cũng như các vùng nông thôn Nam bộ thì tín ngưỡng này còn được lưu giữ khá đậm nét ở nhiều dòng họ lớn như một sinh hoạt văn hoá đặc thù có tác dụng gắn kết cộng đồng cũng như củng cố tình thân gia tộc, dòng họ, bộc lộ sự đồng cảm và lòng nhớ ơn của con cháu đối với nguồn cội, tổ tiên và công cuộc mở đất của các bậc tiền thân.

Loading...