Thắp hương là việc làm quen thuộc trong văn hóa thờ cúng của người Việt. Vào những ngày rằm, mồng một hàng tháng, hoặc các dịp giỗ, Tết,… hầu hết các gia đình Việt Nam đều thắp hương (nhang) lên bàn thờ cúng Phật, cúng gia tiên, các vị thần linh (thần tài, thổ địa,…) hoặc thắp hương khi đi đến các đền, chùa, miếu, phủ,… để cầu nguyện mong cho bản thân và gia đình sức khỏe, hòa thuận, bình an và may mắn. Đây không phải là hành động mê tín dị đoan mà là một nét đẹp văn hóa tâm linh, góp phần bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc Việt.

Tuy nhiên các bạn có bao giờ để ý rằng khi thắp hương cầu khấn chúng ta chỉ thắp số lẻ như 1, 3, 5, 7, 9, 11,… mà không bao giờ là số chẵn chưa?

Cô dâu chú rể lễ gia tiên
Cô dâu chú rể lễ gia tiên

Nén hương được đốt lên nhằm gửi gắm những thông điệp của người trần gian đối với đất trời, với các vị thần, Phật và ông bà tổ tiên,… giống như một nhịp cầu kết nối hai thế giới hữu hình và vô hình với nhau. Tuy nhiên xét về mặt tâm linh mà nói thì vẫn có rất nhiều người hiểu một cách mơ hồ, nhất là về ý nghĩa của việc thắp hương. Cách thắp hương (nhang) như thế nào cho đúng, phù hợp với văn hóa và phong tục Việt Nam là điều cần biết đối với tất cả mọi người, nó cũng thể hiện sự hiểu biết, trình độ văn hóa của mỗi người.

Nguồn gốc của việc thắp hương

Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa và khảo cổ học thì chúng ta chưa thể khẳng định được cái nôi của tục thắp hương cho tổ tiên, thần linh… là ở đâu. Tuy nhiên, từ những tư liệu khảo cổ học cho thấy, tục thắp và dâng hương cho tổ tiên, thần linh có từ cách đây gần 6.000 năm.

PGS.TS Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết: “Trong một khu mộ thuộc thời đại đá mới ở vùng Punjab, Ấn Độ người ta đã phát hiện được những lọ gốm bên trong có tro than của một loại chất đốt có mùi thơm. Đây có lẽ là dấu tích sớm nhất về tục đốt hương dành cho người quá cố. Khu mộ có niên đại cách ngày nay 5.700 năm. Ngoài ra, trong các đền thờ của vua chúa Ai Cập cổ đại có tuổi gần 5.000 năm cũng phát hiện được nhiều hình chạm khắc tường miêu tả cảnh dâng hương lên các vị thần. Từ những tư liệu này, các nhà khảo cổ học đã đi đến kết luận đây chính là dấu hiệu của việc thắp hương thờ cúng người chết và thần linh”.

Loading...

Ở Trung Quốc, trong một khu mộ thời Chiến Quốc (cách đây 2.500 năm) ở tỉnh Chiết Giang, người ta đã phát hiện những chiếc đỉnh gốm, bên trong bị ám khói do một loại thực vật có hương thơm bị đốt. Còn ở Việt Nam, trong truyền thuyết vùng đất Tổ Phú Thọ có nhắc đến việc các Vua Hùng có nghi thức dâng hương khấn trời đất, thần linh trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Điều này đưa đến giả thuyết rằng, tục thắp hương của người Việt cổ đã có cách đây khoảng gần 4.000 năm.

Đến năm 618, vào đời nhà Đường có một vị Tăng từ Ấn Độ đem hương trầm sang Trung Quốc. Từ đó hình thức thắp hương trầm được phát triển mạnh mẽ và hưng thịnh nhất vào đời nhà Minh, sau đó được truyền bá đến các nước láng giềng. Trong đó Nhật Bản là nước phổ biến nhất, thậm chí họ còn sáng chế thêm nhiều cách đốt hương mới và một trong những sản phẩm hương trầm quen thuộc nhất là nén trầm hình tròn đầu nhọn vào thế kỷ 17 cho đến bây giờ vẫn còn được sử dụng.

Thắp mấy nén hương mới là đúng?

Không phải ngẫu nhiên mà người ta lại chọn các số lẻ bắt đầu từ 1, 3, 5, 7, 9,… để thắp hương hoặc cũng có khi họ đốt cả nắm hương chứ không chọn số nén hương chẵn (2, 4, 6, 8,…) trừ khi thắp hương cho người mới chết thì mới thắp 2 nén hương.

Hướng dẫn cách thắp hương
Hướng dẫn cách thắp hương đúng nhất

Lý giải của PGS. TS Trình Năng Chung: “Theo thuyết âm dương lưỡng hợp, số lẻ tượng trưng cho cõi dương, số chẵn tượng trưng cho cõi âm. Số dương nhỏ nhất là 1, số âm nhỏ nhất là 2, cộng hai số nhỏ của âm và dương bằng 3 – Đây là con số tượng trưng cho sự hòa hợp giữa âm và dương, là sự phát triển bền vững trường tồn, may mắn, thuận lợi. Trong đó, bội số của 3 là 9, tượng trưng cho đỉnh cao hạnh phúc, an lành viên mãn. Do vậy, khi dâng hương lễ bái cúng tổ tiên, Thần, Thánh, Phật,… người ta thắp hương theo con số lẻ là 1, 3, 5, 7, 9. Tuy nhiên, khi thắp hương người ta thường thắp 3 nén, vừa đủ gói trọn triết lý sâu xa con số 3 như trên đã diễn giải. Trong thực tế, có người thắp 1 nén hương khi thờ cúng cũng được, nhưng đây chưa phải là con số đẹp, mà phải là 3 nén. Điều cốt yếu là chính ở lòng thành người thắp và dâng hương. Tuy nhiên trong tang ma khi thắp hương cho người chết thì có sự khác biệt vì theo quan niệm dân gian cho rằng, người mới chết chỉ được thắp 2 nén hương, bởi từ lúc chết đến 3 ngày sau, linh hồn vẫn còn ở lại chốn trần gian. Vì vậy, 3 ngày sau khi chết người ta mới thắp 3 nén hương với ý nghĩa rằng, linh hồn người chết đã được siêu thoát”.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lê Quang Khang giải thích việc người Việt Nam thường thắp ba nén hương như sau: Ba nén nhang thể hiện ý nghĩa là Tâm nhang (lòng thành), Giới nhang (theo lời răn dạy của Phật thánh tổ đường) và Định nhang (tuyệt đối không thay lòng đổi dạ). Ngoài ra, số lượng hương khi thắp khác nhau đều có ý nghĩa nhất định như:

  • 1 nén hương: Tượng trưng cho lòng thành kính, thường thắp để cầu khấn bình an, cầu làm ăn, tài lộc.
  • 2 nén hương: Cầu siêu thoát cho người đã khuất, thường thắp số lượng như vậy trong khoảng thời gian còn để tang, sau đó thắp lại số lẻ như thường.
  • 3 nén hương: Có nhiều ý nghĩa về thờ phụng, có thể Tam bảo (Phật – Pháp – Tăng); Tam giới (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới); Tam thời (Quá khứ – Hiện tại – Tương lai); Tam vô lậu học (Giới – Định – Tuệ) của nhà Phật. Điều này lý giải vì sao ở sân chùa thường có 3 đỉnh hương to.
  • 5 nén hương: Tượng trưng cho Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ hoặc 5 phương trời đất.
  • 7 và 9 nén hương: Tượng trưng cho vía của mỗi người, cầu xin may mắn từ bề trên.

Tuy nhiên, 9 nén hương hay 1 nén hương cũng giống nhau về ý nghĩa, đó chính là lòng thành. Nén hương cũng có thêm một ý nghĩa đặc biệt khác nữa, đó là thắp hương để nhớ đến sự vô thường. Trong từ Hán-Việt, vô thường tức là không vĩnh viễn – tất cả đều giả tạm, cho nên lúc nén hương tắt cháy thì cũng tượng trưng cho đời người tắt cháy, ngắn ngủi vô thường như thời gian của nén hương… Tàn tro của hương nhắc nhở chúng ta chớ để thời gian trôi qua, uổng phí tháng ngày.

Thắp hương khi đi lễ chùa
Nhà chùa thường không đặt ra luật lệ nào đối với chúng sinh khi dâng hương cửa Phật

Nói về sự khác biệt trong quan niệm thắp 3 nén hương khi cúng tổ tiên, thần, thánh… Đại đức Thích Tâm Kiên, Trụ trì chùa Một Cột giải thích rằng: Đối với nhà Phật, việc thắp hương có đôi chút khác biệt so với chúng sinh. Theo đó, người đến chùa thắp hương có thể thắp 1, 2 hoặc 3 nén… cũng được. Sở dĩ có điều này là do nhà Phật quan niệm việc thắp hương là xuất phát từ cái tâm của con người, chỉ cần tâm hướng Phật thì tấm lòng được thanh thản… Vì điều này nên nhà chùa thường không đặt ra luật lệ nào đối với chúng sinh khi dâng hương cửa Phật.

Thầy Thích Tâm Kiên cho rằng: Mặc dù nhà Phật không đặt ra luật lệ chặt chẽ đối với chúng sinh khi lên chùa thắp hương, nhưng xét quan niệm văn hóa truyền thống thì người dân nên thắp 3 nén hương khi lên chùa là đẹp nhất, nó tượng trưng cho sự kết nối giữa người trần với Đức Phật, giúp tâm hồn thanh tịnh, trong sáng hơn.

Hiện nay, khi đi lễ chùa, ta thường thấy biển “mỗi người chỉ nên thắp một nén hương”, đây là cách mà các đền chùa tránh lãng phí, tránh gây ô nhiễm, cháy nổ…

Trong Phật giáo, một nén hương gọi là Tâm Hương, tuy bé nhưng lại bao gồm ý nghĩa năm sắc hương:

  1. Giới hương (tự nhắc nhở mình hướng thiện để tâm luôn trong sáng);
  2. Định hương (giữ cho lòng yên ổn không bị cái xấu);
  3. Tuệ hương (làm cho trí não luôn sáng suốt để thu nhận được những điều tốt đẹp, thiện lương);
  4. Tri kiến hương (giúp ta vững tin phát triển năng lực, trí tuệ);
  5. Giải thoát hương (giúp ta buông xả mọi ưu phiền cũng như những ham muốn tội lỗi).

Theo thầy Thích Tâm Kiên: Trong quy định của nhà Phật có 5 loại hương chính là giới hương, định hương, tuệ hương, giải thoát hương và giải thoát tri kiến hương. 5 loại hương này được phân theo cấp độ cao thấp khác nhau. Thấp nhất là giới hương dùng để tâm hồn con người tự trút bỏ những ác ma, tham sân, si… cao nhất là giải thoát tri kiến hương, đây là loại hương chỉ có những người tinh thông giáo lý nhà Phật, một lòng hướng Phật mới có được và loại hương này chỉ có trong tâm mỗi người chứ không thể tìm thấy ở ngoài. Thầy cũng khuyên rằng không nên thắp hương giả (nhang điện) cắm vào lư hương.

Tóm lại, thắp hương là một cử chỉ chứa đầy tinh thần, nét văn hóa của người Việt. Mùi hương là mùi thơm quen thuộc trong hàng triệu triệu gia đình Châu Á, là mùi thơm đặc biệt của ngày đầu năm đi chùa lễ Phật, hay các buổi lễ tưởng nhớ gia tiên. Chính vì thế, chúng ta cần bảo tồn nét văn hóa đẹp này và tránh lạm dụng đốt quá nhiều hương làm ảnh hưởng đến môi trường và làm xấu đi hình ảnh vốn đẹp đẽ lâu nay.

Loading...