Nghiên cứu hình thức mai táng của người dân Việt Nam có một ý nghĩa rất quan trọng trong khảo cổ học. Tư liệu về mộ táng không chỉ cung cấp một số lượng phong phú các di vật được người xưa chôn theo người thân quá cố của mình gọi là đồ tuỳ táng, điều quan trọng hơn nữa là qua hình thức mai táng và các đồ vật tuỳ táng chúng ta có thể nghiên cứu được trình độ phát triển kinh tế xã hội.

Mai táng là gì?

Mai táng là biện pháp xử lý xác người chết với nhiều hình thức khác nhau. Hiện nay trên thế giới có rất nhiều hình thức mai táng như địa táng, hỏa táng, thủy táng, không táng, huyền táng, điểu táng… nhưng ở Việt Nam phổ biến hiện nay là địa táng và hỏa táng còn huyền táng, không táng, thủy táng chỉ có trong quá khứ hoặc rất hiếm ở các dân tộc ít người hoặc gặp trường hợp bắt buộc phải sử dụng.

Các phương thức mai táng ở Việt Nam

Địa táng

Địa táng là một hình thức mai táng của loài người. Trong các hình thức mai táng thì địa táng là hình thức phổ biến rộng rãi hơn cả. Hình thức này có ở Việt Nam từ rất lâu đời. Gồm có nhiều kiểu quan tài, phổ biến nhất là quan tài hình vò và hình thuyền có trong nền văn hóa cổ Sa Huỳnh, Đông Sơn và trãi khắp vùng Đông Nam Á.

Huyền táng

Hay còn gọi là tục táng treo. Một kiểu chôn người chết không phổ biến rộng rãi như địa táng nhưng xuất hiện rất nhiều trong thời xưa. Theo cách này, người ta để thi thể người chết lộ thiên hoặc để nằm trên một tấm phên. Có thể thấy ở Việt Nam hiện nay vẫn còn một số di chỉ về hình thức huyền táng này nhưng chủ yếu ở các dân tộc thiểu số miền núi và trung du.

Thủy táng

Là hình thức thả trực tiếp xác người chết xuống sông, biển, hồ… hiện nay hình thức này không còn vì gây ô nhiềm môi trường. Điều quan trọng là nó liên quan nhiều đến điều kiện cũng như môi trường sống hay ý nghĩa tâm linh của những cư dân sử dụng hình thức này. Thủy táng không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà khá phổ biến ở những cư dân ven biển hay các đảo nhỏ ở vùng Đông Nam Á. Hình thức này cũng xuất hiện trong tác phẩm văn học hay bộ phim mùa len trâu do Nguyễn Võ Nghiêm Minh làm đạo diễn với hình ảnh thủy táng người cha của Kìm giữa đồng nước mênh mông. Điều này phần nào thể hiện cách thức mai táng chịu ảnh hưởng rất nhiều của điều kiện tự nhiên.

Loading...

Hỏa táng

Còn gọi hoả thiêu. Đây là phương pháp xử lí thi hài bằng cách đốt cháy thành tro và tro của hài cốt tuỳ theo phong tục của cộng đồng. Ở Việt Nam, trước đây tục hỏa táng không phổ biến lắm chủ yếu ở người Khơ Me theo đạo Phật. Hiện nay một số nơi ở nước ta như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu áp dụng hỏa táng. Trong những tư liệu khảo cổ học cũng cho thấy tục hỏa táng đã có trong nền văn hóa Sa Huỳnh vì tìm thấy những mộ chum chứa tro cốt. Hiện vẫn chưa khẳng định được đây xuất phát từ tín ngưỡng bản địa hay du nhập từ bên ngoài.

Thiền táng

Thiền táng hay tượng táng là một loại hình rất hiếm hiện nay chỉ được tìm thấy ở Trung Quốc và Việt Nam. Đặc biệt chỉ thấy ở những nhà sư Phật Giáo. Các tượng nhà sư vẫn còn nguyên vẹn xương cốt, nội tạng được đặt trong tư thế thiền định. Đây là một hình thức táng vẫn đang dược nghiên cứu vì sự đặc biệt của nó.

Phương thức mai táng cùng với những tục lệ đi kèm thể hiện rất nhiều điều về nền văn hóa của một dân tộc không chỉ khía cạnh tinh thần mà cả vật chất. Nhờ việc nghiên cứu những ngôi mộ xưa mà các nhà khoa học đã biết và hiểu được nhiều điều về cuộc sống của tổ tiên chúng ta. Suy cho cùng sống chết là một vấn đề muôn thửơ mà con người quan tâm. Mai táng ngày nay không chỉ mang yếu tố tâm linh mà còn phải phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội. Tuy nhiên, trong tâm thức người Việt vẫn luôn mong muốn có mồ yên mã đẹp nhưng trong thời buổi dân số tăng nhanh, môi trường ô nhiễm như hiện nay thì hỏa táng đang là hình thức mà nhiều người nhắm đến và được dự báo là sẽ phát triển trong tương lai, với nền văn minh công nghiệp. Ngoài ra, gần đây có một số thông tin về việc các nhà khoa học đã có thể tạo kim cương từ tro hỏa táng. Hiến xác phục vụ cho nghiên cứu khoa học cũng là một biện pháp đang được hướng đến nhiều trong thời đại ngày nay.

Loading...