Trong tiềm thức của người dân Nam Bộ thì Ông Địa luôn được coi là một phúc thần ngoài việc bảo hộ ruộng vườn, đất đai thì còn có vai trò trong việc đưa đón Thần Tài tới nhà tức là giúp cho gia đình đó được phát tài, còn kiêm cả việc phù hộ gia chủ của gia đình bệnh tình mau lành hay tìm lại được đồ mất. Vì thế nên vào sáng sớm, lúc mở cửa tiệm hay cửa nhà thì gia chủ thường tặng thưởng cho Ông Địa điếu thuốc để trên tay cùng với ly cà phê bên cạnh. Thậm chí nhiều khi còn có thêm bánh bao hay thịt heo quay… Tín ngưỡng của dân gian coi việc thờ cúng Ông Địa là mong được buôn may bán đắt. Nhưng thực ra theo truyền thuyết trong tôn giáo ở Á Đông thì Ông Địa là một vị thần chịu trách nhiệm cai quản địa phương, cũng có thể là vị thần nhận việc bảo hộ cho các gia đình. Nếu được thăng cấp thì Ông Địa sẽ là thần bảo hộ cho người hiền lành, lương thiện hoặc các bậc tu hành khi họ cứu thế độ dân. Nếu theo những nghĩa này thì có thể thấy Ông Địa là vị thần mang theo sứ mạng tâm linh.

Sự tích Ông Địa

Trong đời sống trước đây của dân tộc Việt thì phần lớn dựa vào nông nghiệp, mà nông nghiệp thì lại phụ thuộc rất nhiều các điều kiện tự nhiên như đất đai, thời tiết, khí hậu… trong đó có thể nói đất đai được xem là yếu tố cơ bản cấu tạo nên vạn vật giúp cho người ta có được cuộc sống ấm no và sung túc. Vì vậy thần Đất hay Thổ Điạ là một trong những vị thần được cư dân nông nghiệp luôn để tâm đến trước nhất. Như chúng ta đã biết Nam Bộ là một vùng đất mới vẫn còn là một vùng đầm lầy là nơi rừng hoang cỏ rậm, thú dữ tràn đầy… Mọi thứ ở đây hoàn toàn lạ lẫm đối với họ, từ tiếng chim kêu đến tiếp cọp rống đều gây cho họ một cảm giác lo sợ. Người dân lúc đó nghĩ vùng đất Nam Bộ này từ khu rừng, con sông, vùng đất… đâu đâu cũng có các vị thần cai quản. Để được yên ổn làm ăn thì họ phải khấn vái cho các thần để các thần phù hộ cho họ có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc và bình an. Chính vì vậy mà Thổ Địa luôn được họ tôn thờ. Họ xem Thổ Địa như là một vị thần bảo hộ cho một mảnh vườn, thửa ruộng của họ…Về hình tượng Ông Địa ở Nam Bộ thì dù là tượng hay tranh vẽ đều là một người trung niên mập mạp, bụng bự, vú lớn và miệng luôn cười hể hả, tay cầm quạt mang đầy chất phong thịnh. Và nó cũng mang sự hài hước. Đây cũng là một đặc trưng trong tính cách của người Nam Bộ.

Tại sao nên thờ Ông Địa

Ông Địa có thân hình khá mập mạp và khuôn miệng luôn cười tươi tương tự như Phật Di Lặc. Người ta thường thờ Ông Địa vì nhìn ông gần gũi hơn với người nông dân. Được mọi người thờ cúng để cầu mong được mùa, gặp nhiều thuận lợi trên con đường làm ăn buôn bán. Trước đây thì người ta thường chỉ thờ Ông Địa vào những dịp tết chứ không  thờ thường xuyên như bây giờ. Nhưng ngày nay, khi phong thủy trở nên phổ biến thì hầu hết các cơ sở kinh doanh buôn bán đều thờ vị thần này để mong gặp được những điều may mắn, tốt lành, làm nông thì được mùa còn kinh doanh, buôn bán thì luôn buôn may bán đất. Đây là lý do vì sao mà vị thần này được thờ nhiều ở nước ta.

Nụ cười ô địa thể hiện cho điều gì?

Có câu chuyện cười trong dân gian kể rằng có người lái buôn nọ nhiều lần gạt ông Địa, vì ông Địa vốn rất dễ dãi và dễ bị châm chọc. Hôm đầu tiên bắt đầu đi buôn, anh ta vái xin ông Địa thương mà phù hộ cho trót lọt thì sẽ cúng ông Địa con 2 chân. Nghe qua, ông Địa tưởng là sẽ được cúng con gà, con vịt. Nhưng rồi sau đó anh ta lật kèo hẹn lần sau nếu làm ăn thuận lợi sẽ cúng con 4 chân. Nhưng rồi con 4 chân anh ta cũng không cúng, mà tiếp tục hẹn lần sau. Lần này anh ta không khất nữa, mà cúng thiệt con 8 chân, đó là con… cua luộc. Thấy mình thua trí gã lái buôn vì vậy lúc nào ông Địa cũng cười. Chỉ cười thôi chớ chẳng giận hờn ai. Hình tượng ông Địa trong dân gian rất đa dạng. Đầu tiên là các ông Địa được người dân tưởng tượng ra và nắn bằng đất sét để thờ. Nghĩ sao nắn vậy, thô sơ không ông nào giống ông nào nhưng nhiều ông Địa rất độc đáo. Dù  là Địa trong múa Lân hay Địa trong chặp bóng tuồng Địa tất thảy đều vui vẻ đặc trưng là nụ cười. Ngày xưa tượng ông Địa không sản xuất hàng loạt theo kiểu đúc khuôn mà là được nặn tay bằng đất sét, hoặc đục đẽo bằng gỗ hay tô đắp bằng vữa hồ. Mỗi tượng một vẻ và cái đẹp là nụ cười với miệng rộng hoác đến mang tai. Dù tượng làm bằng nhiều chất liệu khác nhau từ đất sét, gốm đất nung sơn màu đến gốm sứ men màu thì việc trau chuốt cái miệng cười của Địa sao cho có duyên luôn là yêu cầu quan trọng đối với nghề làm tượng Địa. Nụ cười Ông Địa bắt đầu từ tín lý đất thuộc hành Thổ một hành luôn có chức năng điều hòa các hành khác. Theo đó Thổ Địa là vị thần chỉ có chức năng ban phước đem tài lộc cho gia chủ mà hầu như không bao giờ giáng họa cho một ai. Thậm chí, sau một vài hôm cúng kiếng tử tế mà buôn bán cứ ế ẩm thì tín đồ của Địa múc một thau nước và lấy tượng Địa trấn nước một hồi để cho Địa biết điều mà tích cực siêng năng hơn trong việc phù hộ cho gia chủ.

Thờ thổ địa trong văn hóa phật giáo

Trong kinh điển của đức Phật để lại thì chưa thấy nhắc đến danh xưng của các vị thần này. Nhưng ngoài chư Phật, Bồ tát trong giáo lý Phật đà cũng có nhắc đến các vị chư Thiên, La -sát với những nhiệm vụ khác nhau.Có vị ủng hộ thọ mạng của con người, có vị chăm nom tài sản, con cái, nhà cửa, đường sá, có vị góp phần hưng long Chánh pháp làm cho Phật pháp được trường tồn… Điều này được ghi rõ trong kinh điển Đại thừa. Vì thế đối với các vị thần có tên ông Địa hay thần Tài có thể là những vị thiện thần có năng lực trợ giúp cho cuộc sống của con người. Nếu như thờ Thần Tài mà có thể phù hộ cho mình được giàu có tiền tài dư thừa thì chắc chắn mấy nhà sản xuất ông Thần Tài chắc là họ phải giàu to cần gì phải khổ cực kiếm tiền mỗi ngày. Nói thế để Phật tử thấy rằng tuy có những người này đã quy y Tam Bảo nhưng có thể do họ có lòng tin Tam Bảo và tin nhân quả không được vững chắc. Đây cũng là bệnh chung của đa số Phật tử chưa có đủ niềm tin nơi Tam Bảo và lý nhân quả nên mới có tình trạng thờ ông này ông kia. Tuy nói như vậy nhưng với Phật giáo trong một chừng mực nào đó nếu như sự hiện diện của chư vị ấy trong nhà làm cho ta có cảm giác bình yên, thanh thản thì Phật giáo không cứng nhắc cản ngăn. Vì thế nếu từ trước đến nay, nhà nào chưa hề và chưa bao giờ thờ vị thần này mặc dù vẫn tin tưởng oai lực của chư vị thiện thần hộ pháp thì cũng không nên miễn cưỡng thờ tự.

Loading...

Ngày xưa Ông Địa được thờ cúng vào những ngày Tết. Tuy nhiên hiện nay đa phần các gia đình làm kinh doanh, buôn bán thường thờ cúng chu đáo cho ông mỗi ngày với mong muốn được thần phù hộ cho việc kinh doanh thuận lợi, buôn may bán đắt làm ăn phát đạt và thịnh vượng.  Hình tượng ông Địa rất đa dạng có hàng trăm ông Địa nhưng rất khó tìm được ông Địa giống nhau. Có nhiều tượng ông Địa rất xưa nhưng không đẹp. Ông Địa đẹp có trong dân gian nhưng rất hiếm vì không làm theo khuôn đúc nên chỉ độc bản. Đa số ông Địa đều cười. Ngoài ra, tượng ông Địa bằng đồng cũng là loại hiếm ngày xưa chỉ có ở các ngôi chùa. Khi đúc tượng Phật còn dư đồng thì các chùa đúc thêm tượng ông Địa.

Loading...