Căn cứ theo tinh thần của luật nhân quả và nghiệp báo, những gì đang có trong đời sống hiện tại của chúng ta là do hạt giống đã được gieo từ nhiều đời kiếp trước không phải chỉ mới tạo ra ở trong đời này. Trên thực tế, hiện có rất nhiều người vẫn còn thắc mắc và không thể giải thích sâu xa về vấn đề đạo lý nhân quả, bởi vì họ chỉ nhìn nhân quả trên phương diện một đời mà không biết rằng mọi sự vật hiện tượng ở trên đời đều có tương quan mật thiết với nhau trong suốt ba đời quá khứ, hiện tại và tương lai.

Nghiệp báo nhân quả là gì?

Nghiệp báo nhân quả thuộc về tâm thức, nó vô hình không thấy được nhưng nó điều khiển cả vật chất lẫn tinh thần. Có thể thấy nghiệp quả trong phạm vi vật chất như giàu nghèo hay về  phạm vi tinh thần như vui sướng, buồn khổ. Một nghiệp tốt mang lại kết quả tốt cũng như một nghiệp xấu mang lại kết quả xấu ở ngay kiếp này hay ở kiếp mai sau và muốn thoát khỏi luân hồi thì chắc chắn phải thoát khỏi nghiệp báo nhân quả.

Nhân quả thông suốt cả ba đời

Vì hiểu nhân quả thông suốt cả ba đời cho nên chúng ta không còn oán trời trách đất hay hận đời theo sự hiểu biết cạn cợt, ngắn ngủi ở trước mắt để sinh ra nhiều bất mãn hay chán nản mà lìa tu bỏ đạo. Người hiểu đạo thì phải có được cái nhìn thấu suốt trước và sau như vậy. Hơn nữa, nhân quả tuy có xa gần sai biệt khác nhau nhưng những gì đã gây tạo thì dù trải qua muôn đời vạn kiếp vẫn không mất. Có khi gieo nhân đời này, nhưng phải đến đời sau hoặc nhiều đời về sau nữa mới nhận lãnh quả báo. Có khi gây nhân đời này và hưởng quả ở ngay trong đời này, thậm chí là chỉ trong khoảnh khắc. Ví dụ, vì một lý do nào đó mà chúng ta la mắng một người khác thì lập tức họ cự cãi trở lại, thậm chí là dùng đến chân tay. Đó chính là nhân quả hiện đời.

Nguồn gốc nghiệp quả

Mọi người phải chịu trách nhiệm về những hành động từ ý nghĩ, lời nói đến việc làm của mình, muốn sướng hay khổ hoàn toàn do mình tự tạo chứ không do một ai khác có quyền định đoạt sướng khổ cho mình vì vậy, muốn không bị tham sân si tà kiến thúc đẩy tạo nghiệp, bản thân chúng ta phải biết làm chủ lấy mình, không để những tư tưởng ý kiến vô căn cứ lung lạc ý chí của chúng ta. Mỗi chúng sinh đều có quyền làm chủ lấy mình, khi họ quyết định tạo nghiệp thiện hay ác, nghiệp đã tạo rồi thì họ không còn quyền định đoạt số phận của mình được nữa, mà nghiệp quả sẽ định tương lai cho họ được tốt hay xấu ngoại trừ họ tạo một nghiệp khác mạnh mẽ trái ngược lại mới có thế sửa đổi được nghiệp đã gieo ấy. Một trong muôn nghìn nguồn gốc của tạo nghiệp là ngòi bút. Ngòi bút dạy bảo người làm điều tốt nhưng nó cũng hướng dẫn người làm ác.

Tác động của nghiệp báo

Nghiệp có năng lực mạnh lúc chết và liền sau khi chết phải thụ sinh vào cõi lành hay cõi dữ tùy theo nghiệp. Thường thường thì tư tưởng cuối cùng của một người ảnh hưởng bởi phẩm hạnh của người ấy trong suốt đời sống nhưng cũng có khi hoàn cảnh ngoại lai ảnh hưởng đến người ấy lúc lâm chung và làm cho tư tưởng người ấy có thể biến đổi. Tư tưởng cuối cùng ấy tạo điều kiện cho sự tái sinh kế tiếp và phải nhớ đời sống hàng ngày không hề ảnh hưởng đến sự tái sinh, nhưng nó vẫn không mất và sẽ xuất hiện vào lúc khác, những sự thay đổi này đã giải thích vì sao trong một gia đình mà các người con tính nết không giống nhau.

Loading...

Cách trả nghiệp quả

Cách trả nghiệp báo nhân quả không nhất thiết phải là người mình hại kiếp sau người đó hại lại mình mà có thể là một người khác hại lại mình. Ví dụ như  có thể trở thành người trong gia đình. Nên nhớ sẽ có sự khác biệt giữa lòng quyến luyến với lòng từ bi, lòng quyến luyến là do ái dục điều khiển. Nó sẽ không còn hay mất luôn khi có sự thay đổi. Nghiệp báo nhân quả là con đường vô hình, không thấy nên nhiều người không tin. Đúng, vì chúng ta không mắt thấy tai nghe, và khi nào mắt thấy tai nghe chúng ta mới tin.

Nhân quả nghiệp báo là có nhưng nếu tu hành giữ giới làm lành tránh ác, nghiệp ác sẽ rửa được cho tới khi tu hành đắc đạo, nghiệp báo sẽ hết luôn mọi người từ vô thủy tới giờ đã tạo biết bao nhiêu tội lỗi, gây biết bao nhiêu nghiệp chồng chất. Vì thế cho nên, kể từ ngày hôm nay ta bắt đầu làm nhiều việc thiện, giữ giới trong sạch từ thân miệng ý đều phải kiểm soát trong mỗi ngôn ngữ cử chỉ hành động đó là ta đã bắt đầu tích chứa đầy nước công đức trong một dòng sông, dù nghiệp ác cũ có nhiều nặng như cả tấn muối cũng không thể làm mặn một dòng sông đầy nước công đức.

Loading...