Người xưa cũng nói, trải qua lịch sử từ xưa đến nay, những gia đình, quốc gia hưng thịnh đều là biết cần kiệm, còn suy vong đều là vì xa xỉ, phóng túng, không kiềm chế nổi dục vọng của mình.

Trong cuốn sách cổ có tên “Chính yếu luận” có ghi lại rằng: “Tu thân trì quốc dã, yếu mạc đại vu tiết dục. Truyện viết: ‘dục bất khả túng’. Kiệm giả tiết dục, xa giả phóng tình. Phóng tình giả nguy, tiết dục giả an”. Tạm dịch là: Tu thân trị quốc, phải hết sức tiết dục. Dục không thể phóng túng, người phóng túng tình cảm sẽ nguy, người tiết chế được tình cảm sẽ an.

Đoạn văn trên cũng chỉ ra rằng, trong tu thân và trị quốc thì không có gì trọng yếu hơn là tiết chế dục vọng. Trong cuốn “Lễ ký”, Khổng Tử cũng viết: “Dục vọng bất khả phóng túng” (Ý là: dục vọng, ham muốn không thể phóng túng).

Tranh vẽ Khổng Tử
Tranh vẽ Khổng Tử

Nhìn chung, từ xưa đến nay, người đứng đầu một gia đình, một đất nước đạt được thành công, không ai là không phải dựa vào cần kiệm, tiết chế. Còn “vong quốc bại gia” thì hầu hết đều là vì xa xỉ, buông thả dục vọng. Người cần kiệm tiết chế dục vọng, người xa xỉ phóng túng dục vọng. Người phóng túng dục vọng sẽ gặp nguy, người tiết chế dục vọng sẽ an.

Cần kiệm, tiết chế lòng tham là một loại mỹ đức. Điều này đối với tu thân, tề gia, trị quốc là điều kiện tất yếu cần có. Đối với một cá nhân mà nói, cần cù tiết kiệm, không xa hoa phung phí chẳng những giúp tu dưỡng bản thân mà còn là phương pháp quản gia. Đối với một đất nước mà nói, để sinh tồn và phát triển tất yếu phải tiết kiệm. Đây mới là con đường sung túc lâu dài.

Loading...

Hãy cùng nhìn lại những tấm gương điển hình về cần kiệm, tiết chế dục vọng mà đạt được thành công trong lịch sử dưới đây:

Hán Văn Đế

Hán Văn Đế (202 – 157 TCN), tên thật là Lưu Hằng. Ông là vị Hoàng đế thứ 5 của nhà Tây Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông trị vì từ năm 180 TCN đến năm 157 TCN, tổng cộng 23 năm. Trong 23 năm trị vì đất nước, toàn bộ cung điện, vườn ngự uyển, ngựa, quần áo và đồ trang sức, đồ dùng không hề tăng thêm. Nhưng có điểm nào không phù hợp với dân chúng, ông liền tiến hành cải sửa, làm lợi cho dân.

Hán Văn Đế từng dự định xây dựng một sân thượng. Ông cho gọi thợ thủ công đến để tính toán chi phí. Sau khi tính toán, số chi phí cần thiết lên đến năm mươi cân vàng. Hán Văn Đế nghe xong liền nói: “Năm mươi cân vàng tương đương với gia sản của mười gia đình giàu có. Vậy thì xây dựng nó để làm gì?“

Trang phục của Hán Văn Đế là bằng vải thô, màn trướng cũng không được thêu gấm… Điều này thể hiện ông là vị Hoàng đế đôn hậu, chất phác, vì thiên hạ mà làm tấm gương sáng. Toàn bộ Bá Lăng cũng đều được lợp bằng ngói, không được sử dụng vàng, bạc, đồng, thiếc để làm trang trí. Đồng thời không được xây dựng phần mộ quá cao lớn vì phải tiết kiệm, không được phiền nhiễu đến dân chúng.

Hán Văn Đế đối đãi dân chúng cũng rất khoan dung độ lượng. Ông từng hạ chiếu cứu tế những người góa vợ, góa chồng, trẻ mồ côi, những người cô độc và người nghèo khổ. Ngoài ra đối với những người trên 80 tuổi, ông cũng hạ chiếu ban phát cho lương thực hàng tháng… Bởi vậy mà ông được người đời tôn sùng là vị vua tài đức sáng suốt, một vị đế vương mẫu mực của lịch sử Trung Hoa.

Gia Cát Lượng

Khổng Minh Gia Cát Lượng
Khổng Minh Gia Cát Lượng

“Cúc cung tận tuỵ, đến chết mới thôi” là một câu nói nổi tiếng trong đời Gia Cát Lượng trong cuốn tiên tri Mã Tiền Khoá của ông, đã thể hiện sự trung thành và nghĩa khí hơn người của một Thừa tướng nhà Thục Hán, làm cảm động thế nhân muôn đời.

Gia Cát Lượng cho đến chết cũng cần kiệm. Theo di ngôn của ông, thi thể ông được mai táng ở Định Quân sơn, huyện Hán Trung. Trong phần mộ của ông chỉ có cỗ quan tài, quần áo ông mặc thường ngày, ngoài ra không còn vật phẩm nào khác.

Khi còn sống, Gia Cát Lượng đã để lại cho con trai ông là Gia Cát Chiêm một bức thư dạy con rằng phải lấy tĩnh tu thân, lấy cần kiệm để dưỡng đức, sống đạm bạc để chí hướng được minh sáng. Bức thư này của ông chính là “Giới Tử thư” nổi tiếng được lưu truyền ngàn đời nay. “Lấy tĩnh tu thân, lấy cần kiệm để dưỡng đức” cũng trở thành thiên cổ danh ngôn được người đời ca ngợi.

Gia Cát Lượng là nhân vật lịch sử Trung Hoa mà hầu hết được người đời biết đến. Ông là một trong những nhân vật trung thành, bậc trí giả tiêu biểu trong văn hóa truyền thống của Trung Hoa. Gia Cát Lượng cả đời cần kiệm, phẩm chất cao quý đã được ghi vào sử sách, lưu truyền ngàn năm.

KẾT LUẬN

Người có đức hạnh sẽ tận lực thực hành cần kiệm, khắc chế ham muốn. Nó là một loại phẩm hạnh đáng quý tốt đẹp mà bậc hiền tài xưa tôn sùng. Xa xỉ, phung phí sẽ làm tổn hại đức và gia đình suy yếu.

Người xưa tin rằng, toàn bộ tài sản của con người có được trong cuộc đời này là vì phúc báo mà có, chúng cũng là đã được định sẵn từ trước. Một người có nhiều của cải, hơn nữa phải có đức hạnh thì của cải ấy mới được lâu dài.

Người nghèo nếu như cố gắng cần kiệm, khắc chế tham dục, làm nhiều việc thiện thì cuộc sống cũng sẽ đổi khác, được tôn trọng và đặt định tương lai tốt đẹp cho bản thân mình.

Loading...