Cùng với Phật, Nho giáo đã ảnh hưởng khá lớn tới đời sống tinh thần trong đó có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Nó ảnh hưởng trong cả một quá trình lịch sử lâu dài và phức tạp. Ảnh hưởng ấy được biểu hiện rõ trên hai phương diện: tục thờ cúng mang yếu tố cộng đồng và nó được biểu hiện ở những nghi thức thờ cúng và tang tế.
Sở dĩ người Việt chấp nhận Nho giáo vào tục thờ cúng tổ tiên của mình là bởi vì ý thức cội nguồn trong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt, mối giao hòa tâm linh trong niềm tôn kính và tiếc thương cao độ với người đã khuất khi gặp trong Nho giáo chữ “hiếu, kính, nhân”… Và khi thâu tóm Nho giáo vào lĩnh vực này người Việt đã tìm đến chỗ dựa tinh thần, hành động.
Nội dung và nghi lễ thờ cúng của người Việt mang đậm tinh thần Nho giáo. Bị thẩm thấu và khúc xạ qua yếu tố văn hóa bản địa, tinh thần Nho giáo và sự biến đổi phù hợp với tâm thức người đọc. Người Việt thờ cúng tổ tiên không khiên cưỡng nặng nề mà nó mang tính dung dị, đời thường giàu tính thực tiễn. Ở những gia đình không có con trai con gái được quyền thừa tự, được phần hương hỏa để thờ cúng tổ tiên. Trong dân gian lưu truyền câu ca đề cao tính bình đẳng của người phụ nữ trong việc thờ cúng:
Phụ mẫu em cũng như phụ mẫu chàng
Hai bên phụ mẫu tạc bốn chữ vàng thờ chung.
Tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt xuất phát từ ý muốn thực hiện lời dạy của Khổng Tử, lấy chữ “hiếu” làm đầu. Khổng Tử viết: “Kính kỳ sở tôn, ái kỳ sở thân, sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn, hiếu chi giã”.
Nghĩa là: Kính những người cha mẹ đã tôn trọng, yêu những người cha mẹ đã yêu mến, thờ cha mẹ lúc đã chết như khi đang còn sống, lúc mất rồi cũng như lúc còn sống, ấy là hiếu đến rất mực vậy (Trung dung).
Chịu ảnh hưởng của Nho giáo sâu sắc song tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt vẫn có nét đặc thù mang bản sắc văn hóa Việt Nam.