Trong bối cảnh xã hội hiện nay, sự lắng nghe lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Chính sự tràn lan của các phương tiện nghe nhìn, con người cùng một lúc tiếp cận nguồn thông tin đa chiều và hỗn loạn. Rồi các áp lực khác cũng như hiện tượng khủng hoảng đạo đức lối sống, kỹ năng lắng nghe, thấu hiểu và phân định chất lượng thông tin lại càng cần thiết. Tuy nhiên đó chỉ là sự lắng nghe đơn thuần, sự lắng nghe để thấu hiểu chính người khác mới chính thật là thể hiện của năng lực tâm lý, tấm lòng.
Lắng nghe là gì?
Những gì mà bạn nghe được từ cuộc sống được gọi là nghe thấy. Đó là quá trình sóng âm đập vào màng nhĩ và chuyển lên não. Quá trình lắng nghe thì nối tiếp ngay sau quá trình nghe thấy và cần sự tập trung và chú ý rất cao để biến đổi sóng âm thanh thành ngữ nghĩa. Như vậy lắng nghe là quá trình tập trung chú ý để giải mã sóng âm thanh thành ngữ nghĩa. Nói cách khác đó chính là quá trình nghe một cách tập trung để hiểu người khác muốn nói gì.
Lợi ích của việc biết lắng nghe
Điều này giúp chúng ta kiểm soát bản thân cũng như hành vi để trước hết giảm thiểu những khổ đau, ách nạn cho mình, đồng thời tránh tối đa sự gây não hại, đem lại sự khổ đau cho người khác. Sự lắng nghe còn giúp mỗi người có thể nhận biết thế giới sự vật hiện tượng, cả những biểu hiện muôn hình vạn trạng trong cuộc đời này là duyên sinh, luôn biến động và không có gì là vững chắc. Nhận biết như thế để tỉnh giác, không bám víu vào bất cứ đâu, càng không bám víu vào danh lợi, cả sự thất bại lẫn niềm vinh quang, tự tại trong các ràng buộc và tương quan duyên sinh giữa cuộc đời này. Hơn nữa lắng nghe còn giúp bản thân mỗi người thấu hiểu cuộc đời, kết nối truyền thông, nhận biết những nơi cần giúp đỡ để có động thái kịp thời và phù hợp, đem đến niềm vui, sự an lạc và hạnh phúc cho tha nhân, lợi ích cho cộng đồng.
Vậy nên lắng nghe như thế nào?
Kiên nhẫn lắng nghe từng lời người khác nói ngay cả khi bạn không hoàn toàn đồng ý với ý kiến của người khác.
Lắng nghe một cách chủ động
Nên nhớ rằng ta đang lắng nghe. Hãy hướng sự chú ý vào người nói và làm cho họ thấy rằng dường như lúc này chỉ có một điều khiến bản thân quan tâm đó chính là những điều họ đang nói.
Bày tỏ sự tôn trọng với người nói là việc làm cần thiết
Xem xét những ý kiến của người khác thật kĩ lưỡng. Không nên đánh giá thấp hay tỏ ra coi thường những gì mình đang nghe, vẻ mặt cũng không được lộ sự thiếu tôn trọng. Dĩ nhiên ta không nhất thiết phải đồng ý với mọi việc mà họ nói, nhưng hãy đợi cho đến lúc họ trình bày hết quan điểm của mình. Đây chính là cách thể hiện sự tôn trọng của bạn với người đối diện và cả với chính mình, và có như vậy thì những lúc khác, lời nói của bạn mới thật sự có người lắng nghe một cách nghiêm túc.
Bản thân có thắc mắc về những gì đã nghe
Những người biết lắng nghe luôn để đối phương làm chủ tình hình. Cách tốt nhất là ghi nhớ câu hỏi đó và sau khi người nói đã nói hết những điều họ muốn thì chính ta hãy đặt câu hỏi. Trong lúc lắng nghe, bản thân cũng không nên suy nghĩ xem đến phiên mình ta sẽ nói gì. Vì nếu như vậy thì chính ta sẽ không tập trung vào những gì người kia đang nói. Sự tập trung vào những gì người khác đang nói chính là cơ sở tốt nhất để bạn có thể phản biện, đối đáp lại những gì mà họ đưa ra ý kiến, đó có thể là sự đồng tình hoặc không với những gì mà người kia nói.
Lắng nghe là chìa khóa của thành công
Thành công không chỉ có một con đường, mà có rất nhiều con đường khác nữa. Vậy nên, để có thể mở cánh cửa thành công mỗi chúng ta sẽ phải cần đến rất nhiều chìa khóa, và một trong số đó, chính là hãy biết lắng nghe. Bởi lẽ, bạn sẽ không thể thành công nếu chỉ sống một mình nơi hoang, tức là con người ta sẽ phải giao tiếp, mà muốn làm tốt điều đó, thì hãy biết lắng nghe. Tìm được sự đồng cảm ở người đối diện ta sẽ dễ dàng đạt được mục đích của mình hơn rất nhiều mà không cần đến sự tranh chấp. Và một khi đã đạt được điều đó thì thành công đến với chúng ta chỉ là vấn đề sớm hay muộn mà thôi.
Nghệ thuật lắng nghe thật ra chính là sự đồng cảm ở tâm hồn, khi chúng ta thật sự đặt sự đồng cảm của mình vào lời nói nguời khác, khi đó, chẳng cần làm gì cả, việc lắng nghe có thể cũng đã trở thành một nghệ thuật, ít nhất là trong mắt người đối diện. Nếu bản thân mỗi người thật sự đã lắng lại để nghe, cơ thể chúng ta sẽ tự nhiên phát đi những tín hiệu thân thiện đến tâm hồn những người bên cạnh. Khi đó, họ sẽ dễ dàng cảm nhận được sự chân thành của ta mà thôi.